Người lớn cũng là đối tượng bị viêm màng não mô cầu tấn công

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

Hiện nay, tình hình thời tiết thay đổi giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều vi khuẩn phát triển mạnh, trong đó có vi khuẩn não mô cầu.

Đặc biệt, trước những hậu quả và biến chứng nguy hiểm do vi khuẩn này gây ra, chúng ta cần có những thông tin cơ bản về dịch bệnh do não mô cầu để bảo vệ sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh.

Viêm màng não do mô cầu là loại bệnh viêm màng não mủ

Viêm màng não là tình trạng viêm của màng bao bọc não bộ, do rất nhiều nguyên nhân gồm cả vi trùng (gọi là viêm màng não mủ), do siêu vi trùng (gọi là viêm màng não siêu vi), lao (viêm màng não lao), nấm (viêm màng não nấm) và cả những tác nhân không phải nhiễm trùng như hóa chất.

Do vi khuẩn não mô cầu có ái tính với màng não nên thường gây viêm màng não, nhưng cũng có thể gây viêm não, hoặc kết hợp gây viêm màng não và não. Vì vậy, viêm não do não mô cầu và viêm màng não do não mô cầu là cách gọi khác nhau của bệnh viêm màng não do não mô cầu.

Tại Việt Nam, các nguyên nhân gây viêm màng não mủ bao gồm vi khuẩn Hemophilus influenzae, phế cầu, não mô cầu, tụ cầu khuẩn, vi khuẩn thương hàn. Ở lứa tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ (thường dưới 3 tháng tuổi), thì nguyên nhân chủ yếu do: E.coli, liên cầu khuẩn nhóm B, Listeria monocytogen. Chính vì vậy, viêm màng não do não mô cầu rất dễ nhầm với viêm màng não do các vi khuẩn khác gây ra.

Người lớn cũng là đối tượng bị viêm màng não mô cầu tấn công

Thời tiết giao mùa xuân hè là thời điểm viêm não mô cầu dễ tấn công con người

Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp

Vi khuẩn não mô cầu cư trú tại vùng họng, mũi của người bệnh nên dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp nếu tiếp xúc trực tiếp với các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt xì hơi. Ngoài ra, tiếp xúc với các dụng cụ, quần áo, đồ dùng sinh hoạt bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu cũng có thể lây nhiễm bệnh. Do lây nhiễm được qua đường hô hấp nên bệnh có thể dễ dàng bùng phát thành dịch. Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn não mô cầu là  2-10 ngày, thông thường là 3-4 ngày.

Triệu chứng điển hình xuất hiện muộn

Viêm màng não do não mô cầu có triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm khuẩn hay siêu vi thông thường nên khó phát hiện trong giai đoạn sớm. Ban đầu, bệnh nhân thường có các triệu chứng nóng sốt, vã mồ hôi, mệt mỏi. Khi viêm vào màng não thì thấy nhức đầu. Sau đó, viêm nước não tủy làm tăng áp lực lên não và cột sống, gây cứng gáy, nôn ói, chóng mặt, sợ ánh sáng và co giật, hôn mê. Tuy nhiên, bệnh này có triệu chứng điển hình là người bệnh có các phát ban tím đen, hoại tử hình sao ở trên da.

Viêm màng não do não mô cầu có thể khiến người bình thường tử vong sau 24 giờ

Nhiều người lầm tưởng rằng bệnh chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ nhưng thực tế đây là bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Dù số ca phát bệnh không nhiều, nhưng đây là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, gây nên tình trạng nhiễm trùng ở màng não, tổn thương ở não. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì vẫn có nguy cơ tử vong là 5-10%.

Người lớn cũng là đối tượng bị viêm màng não mô cầu tấn công

Tiêm phòng là cách phòng bệnh tốt nhất

Ngoài ra, bệnh có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết cấp, cực kỳ nguy hiểm, làm suy tuyến tiền thận, tạo các vết ban đỏ đặc biệt trên da và gây tử vong sau vài giờ nếu không kịp chữa trị.

Khoảng 1/4 số người sau khi khỏi bệnh viêm màng não do não mô cầu bị những di chứng như đau đầu, điếc một hoặc hai bên tai, ù tai, nhìn mờ hoặc nhìn đôi (song thị), đau và cứng khớp, suy giảm trí tuệ. Hầu hết các vấn đề sẽ thuyên giảm theo thời gian.

Mọi người cần chủ động thực hiện phòng tránh bệnh hiệu quả

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay với xà phòng, súc miệng, họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường. Ngoài ra, bệnh do vi khuẩn gây ra nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cũng có hiệu quả phòng bệnh.

Người lớn cũng là đối tượng bị viêm màng não mô cầu tấn công

Đeo khẩu trang là một cách phòng tránh bệnh

Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu, cần thông báo cho y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời. Bệnh có thể chữa được nếu phát hiện sớm, có thể dùng thuốc dự phòng. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh tại các cơ sở tiêm vắc-xin dịch vụ. Hiện nay ở Việt Nam, Bộ Y tế cấp phép cho 2 loại vắc-xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, một là vắc-xin phòng 2 tuýp vi khuẩn A và C, tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 2 mũi cách nhau 3 năm; hai là vắc-xin phòng 2 tuýp vi khuẩn B và C, hiện nay chỉ tiêm cho trẻ 6-10 tuổi theo hướng dẫn của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế.

Ảnh minh họa: Internet

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!