Người Nhật vứt sọt rác 0,5 tỉ đô, người Việt chi hơn 5 tỉ đô tiền thuốc mỗi năm: Vì sao?

Sống khỏe mạnh - 03/29/2024

Thời sự đài NHK có lần cho hay nước Nhật mỗi năm vứt vào sọt rác khoảng 500 triệu USD tiền thuốc. Có rất nhiều lý do, nhưng dù gì đi nữa, đây vẫn là tình trạng rất trầm trọng.

Người Nhật vứt sọt rác 0,5 tỉ đô, người Việt chi hơn 5 tỉ đô tiền thuốc mỗi năm: Vì sao?

LTS: Việc dùng nhiều thuốc có thuật ngữ tiếng Anh là polypharmacy. 'Poly' có gốc từ Hy lạp, có nghĩa là 'nhiều hơn một''pharmacy''thuốc' với gốc Hy lạp là 'pharmacon'.

Hiện nay, với tiến bộ y khoa trong chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị, tuổi thọ của con người ngày càng tăng lên. Các bệnh mạn tính được duy trì với phác đồ hiệu quả hơn, trong đó có các phác đồ đòi hỏi bệnh nhân phải dùng nhiều thuốc. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghiệp chế phẩm bổ sung khiến người dân có nhiều lựa chọn để bồi dưỡng sức khoẻ nói chung. Do đó, hiện tượng dùng quá nhiều thuốc, nhất là ở người lớn tuổi không phải hiếm gặp. Theo một thống kê trên Báo Tuổi Trẻ, năm 2017, tổng doanh thu ngành dược của Việt Nam là 5,2 tỉ USD!

Nhưng, dùng quá nhiều thuốc không những gây tổn thất tài chính cho người bệnh và người nhà mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tuổi thọ của chính họ, từ đó tăng nguy cơ tàn tật và tử vong.

Vừa qua, các chuyên gia y tế hiện đang sinh sống và làm việc tại nhiều nước trên thế giới đã cùng nhau mở BÀN TRÒN ONLINEđể truyền đạt cho bệnh nhân (BN) cùng người nhà về các tác hại của việc dùng quá nhiều thuốc cũng như cách giảm bớt và phòng chống. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Bài 1: Người Nhật mỗi năm vứt sọt rác khoảng 500 triệu USD tiền thuốc, vì sao?

TS.BS. Phạm Nguyên Quý (Đại học Kyoto, Nhật Bản):Thời sự đài NHK có lần cho hay nước Nhật mỗi năm vứt vào sọt rác khoảng 500 triệu USD tiền thuốc, vì BS kê ra nhưng BN không xài. Có rất nhiều lý do, nhưng dù gì đi nữa, đây vẫn là tình trạng rất trầm trọng. Nhiều nước lãng phí thuốc trong khi những nước nghèo như châu Phi lại không có thuốc uống.

Như thế nào là dùng quá nhiều thuốc? Có nhiều nghiên cứu cho rằng uống trên 5 loại là nhiều. Có nghiên cứu khác cho rằng trên 7 hoặc trên 10 loại mới là nhiều. Đa số lấy mốc 5 loại.

Người Nhật vứt sọt rác 0,5 tỉ đô, người Việt chi hơn 5 tỉ đô tiền thuốc mỗi năm: Vì sao?

DS. Phạm Phương Hạnh

Tuy nhiên, ngữ nghĩa này chưa phản ảnh được đầy đủ mà Polypharmacy còn là sử dụng thuốc không hợp lý, như không dùng thuốc nên dùng hoặc dùng thuốc không nên dùng. Ngoài ra còn có yếu tố về liều lượng dùng thuốc. Như dùng thuốc không hợp độ tuổi, cân nặng, chức năng gan, chức năng thận… cũng được gọi là dùng thuốc không hợp lý.

Hiện tượng này rất hay xảy ra ở các nước tiên tiến, nhất là các nước có nhiều người lớn tuổi.

Nhiều khảo sát trên thế giới đã cho thấy khoảng 50% người lớn tuổi đang dùng thuốc tại nhà có hiện tượng polypharmacy. Tỷ lệ này với người lớn tuổi đang điều trị tại bệnh viện là 60% - 75%.

DS. Phạm Phương Hạnh (Canada): Ở Canada và các nước Bắc Mỹ, tình trạng dùng thuốc không hợp lý thực sự là một vấn nạn. Năm 2016 Viện thông tin sức khỏe Canada đưa ra con số sau: 35% người lớn tuổi (trên 65 tuổi) xài ít nhất 5 loại thuốc để điều trị các bệnh mãn tính, KÈM thuốc không kê toa, KÈM thực phẩm chức năng. Có một nghiên cứu cho thấy người dân tiêu tốn quá nhiều vào thực phẩm chức năng nhưng không đem lại lợi ích rõ rệt.

TS.DS. Võ Thị Hà (Giảng viên khoa Dược, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, Việt Nam): Ở Việt Nam không có con số cụ thể nhưng dựa vào quan sát của tôi khi đi lâm sàng thì đơn kê trên 5 loại thuốc với những người mắc nhiều bệnh mãn tính khá phổ biến tại các bệnh viện cũng như ở cộng đồng.

BS 'phải' cho thuốc, người bệnh 'đòi' uống thuốc và tình trạng kê toa dây chuyền

TS.BS. Phạm Nguyên Quý:Có thể nêu một số nguyên nhân khách quan dẫn tới việc dùng quá nhiều thuốc. Thứ nhất là ngày càng có nhiều thuốc mới để điều trị cho cùng một bệnh. Ví dụ: BN nhập viện vì nhồi máu cơ tim thì thường cứ ra khỏi BV là có bốn năm loại thuốc mới kèm theo, mà loại thuốc nào cũng được chứng minh là có ích cho BN cả. Càng nhiều thuốc mới, càng nhiều chỉ định mới thì BS càng phải chạy theo những hướng dẫn điều trị đó để kê toa.

Một nguyên nhân khách quan khác là khi lớn tuổi thì thành phần cấu trúc và các chức năng của các cơ quan trong cơ thể cũng thay đổi, gây ảnh hưởng tới quá trình phân bố và chuyển hóa thuốc. Có những loại thuốc BN uống 5 năm trước đó thì không sao cả nhưng khi lớn tuổi hơn thì lại có thể gây hại.

Thêm nữa, việc thực hiện máy móc theo hướng dẫn điều trị nhiều khi lại vô tình gây hại cho bệnh nhân. Ví dụ như trường hợp người già bị bệnh tiểu đường kèm COPD, cao huyết áp và loãng xương mà tôi có lần gặp. Nếu theo đúng các hướng dẫn điều trị thì BN mỗi sáng phải thức dậy từ 7h để uống thuốc, đến 10-11h đêm mới uống xong, coi như bận suốt ngày và rất khó theo một lịch trình quá chi tiết.

Cần lưu ý là các hướng dẫn điều trị cho mỗi bệnh không nói gì về việc chữa nhiều bệnh cùng lúc. Chữa bệnh không phải là 'tổng thực hiện' các hướng dẫn điều trị riêng rẽ mà phải cân nhắc thấu đáo theo yếu tố cá nhân của từng người bệnh.

Còn về nguyên nhân chủ quan, theo nhận xét cá nhân của tôi, với sự chuyên môn hóa cao độ, các bác sĩ ít có điều kiện cập nhật kiến thức của các chuyên ngành khác. Sự hạn chế trong giao tiếp giữa bác sĩ-bệnh nhân và giữa các bác sĩ với nhau (về mặt vật lý lẫn kỹ năng mềm) cũng góp phần khiến bác sĩ ít để tâm tới những phi lý có-thể-sửa-đổi trong việc chẩn đoán và kê đơn.

Người Nhật vứt sọt rác 0,5 tỉ đô, người Việt chi hơn 5 tỉ đô tiền thuốc mỗi năm: Vì sao?

TS.BS. Phạm Nguyên Quý

Vấn đề pháp lý cũng làm bác sĩ ngại thay đổi đơn thuốc của đồng nghiệp khác ngành.

Ở Nhật, chương trình đào tạo có ít kiến thức về tương tác thuốc giữa thuốc với thuốc và giữa thuốc với bệnh, cũng như thay đổi chuyển hóa thuốc cần lưu ý ở người lớn tuổi. Ngoài ra, việc lục tìm thông tin bệnh sử, tiến trình kê thuốc của bệnh nhân để cân nhắc cũng rất khó khăn trong các đợt thăm khám ngắn ngủi hằng ngày.

Về phía bệnh nhân và người thân, khá nhiều trường hợp còn quan niệm 'Đi khám bác sĩ là phải có thuốc!'. Nếu đi khám thầy thuốc rồi nhưng 'thầy' không cho 'thuốc' mà khuyên giữ ấm, tập thể dục, ăn kiêng hay đánh răng sạch hàng ngày thì có khi người bệnh lại không tin, cho là ông thầy này tầm bậy.

Yêu cầu kê đơn như thế có nguồn gốc từ sự ngộ nhận về việc chỉ có thuốc mới chữa hết bệnh hoặc xem nhẹ vai trò của những can thiệp không dùng thuốc như tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống.

Ở Nhật Bản, nhu cầu kê thuốc còn xảy ra vì bệnh nhân chưa hiểu, hoặc không hiểu mục tiêu điều trị và đôi khi kỳ vọng quá lớn vào y học.

Ví dụ có cụ 80, 90 tuổi rồi nhưng đến gặp bác sĩ hỏi có thuốc nào để đi đứng được nhanh hơn, không đau lưng, ngủ ngon giống hồi 30… Không có thì cụ cứ đổi bác sĩ và tìm thuốc. Xin có lời khuyên rằng những việc gì y học chưa làm được thì nên chấp nhận thực tế.

'Kê toa dây chuyền' - thuốc chồng lên thuốc

DS. Phạm Phương Hạnh: Ở Canada và các nơi khác còn có một tình trạng phổ biến, tạm dịch là 'kê toa dây chuyền'. Nghĩa là loại thuốc A gây một tác dụng phụ, nhưng vì lý do nào đó mà BS và DS cũng không nhận ra đó là tác dụng phụ, mà lại nghĩ đó là một tình trạng bệnh lý mới, nên vị này kê thêm một đơn thuốc mới để điều trị cho tác dụng phụ đó và cứ tiếp diễn như thế. Điều này khiến người lớn tuổi phải chịu thêm nhiều tác dụng phụ từ thuốc hơn nữa.

TS. BS Phạm Nguyên Quý: Một ví dụ điển hình là BN đến than phiền vì bị đau khớp và BS cho thuốc giảm đau. Nhưng uống vào thì BN thấy huyết áp tăng cao lên nên đến khám ở BS khác. BS cho thuốc trị huyết áp rồi vài ngày sau BN bị phù chân vì tác dụng phụ của thuốc. BN đi khám tiếp ở BS thận, và được kê thuốc lợi tiểu....

Người Nhật vứt sọt rác 0,5 tỉ đô, người Việt chi hơn 5 tỉ đô tiền thuốc mỗi năm: Vì sao?

BS. Phan Đình Hiệp

Trong ví dụ này, có thể thấy là BS sau không biết BN đã được kê những thuốc gì trong những lần khám trước đó. Thế là thuốc lợi tiểu gián tiếp gây ra bệnh gout. BN đến phòng khám về xương khớp thì lại được kê thêm thuốc cắt cơn gout!

Do đó, nếu như không có liên kết hay giao tiếp giữa các BS thì tình trạng này xảy ra rất nhiều. Ở Nhật, BN đi đến khám ở BV nào cũng được chứ không cần đúng tuyến nên tình trạng này khá phổ biến. Cứ một nơi lại cho một vài thuốc và nhiều khi chồng chéo nhau. Đến khi BN được một DS ở địa phương chăm sóc, hay là già yếu quá không đi đến nhiều khoa để khám được nữa và được BS gia đình thăm khám tại nhà thì DS/BS đó mới biết hóa ra có 'câu chuyện dài tập' đằng sau như vậy và bắt đầu can thiệp. Nhiều trường hợp BN khỏe lên sau khi bớt thuốc!

Có một câu nói tôi không nhớ tác giả là ai nhưng rất hay. BS tốt là người giảm được thuốc cho bệnh nhân, chứ không phải là người kê thêm thuốc.

Dùng quá nhiều thuốc tăng nguy cơ tàn tật, tử vong

TS.BS. Phạm Nguyên Quý: Dùng quá nhiều thuốc không phù hợp thường gây hại nhiều hơn có lợi, như sẽ tăng nguy cơ tương tác thuốc; dễ gặp tác dụng phụ/ngoại ý. Một chuyện đùa mà thật là BN uống nhiều thuốc quá nên no bụng mất tiêu, không ăn được nữa.

Dùng nhiều thuốc quá cũng dễ dẫn tới quên uống thuốc và không theo đúng liệu trình khiến giảm hiệu quả điều trị. Nó còn dẫn tới Hội chứng lão niên (Geriatric syndrome), bao gồm các triệu chứng như són tiểu, lú lẫn/giảm nhận thức, giảm khả năng thăng bằng, dễ bị té ngã/gãy xương; tăng tỉ lệ nhập viện, thời gian nằm viện và tỉ lệ tử vong/tàn tật.

Do vậy các BS ở Nhật rất lưu ý khi thêm thuốc hay kê thuốc cho người lớn tuổi.

Nhưng xin lưu ý là không phải bất cứ trường hợp nào uống nhiều thuốc cũng là xấu, vì có những tình trạng bệnh lý bắt buộc phải dùng nhiều thuốc.

BS. Phan Đình Hiệp (Bác sĩ gia đình tại Úc):Ở Úc, trường hợp uống nhiều thuốc cũng hay xảy ra nhưng các BS cẩn thận hơn nhiều và có những hoạt động được xem là bắt buộc trước khi kê toa. Ví dụ: cân nhắc loại thuốc đó có thật sự cần thiết không; các triệu chứng đó có phải do các loại thuốc bệnh nhân đã dùng hay không, có phải do tương tác giữa các loại thuốc mà bệnh nhân đã dùng hay không; loại thuốc đang sử dụng có giúp tăng tuổi thọ, tăng chất lượng sống cho BN hay không; có tăng chi phí cho BN hay không….

Có một hội chứng khác của dùng quá nhiều thuốc mà bên Úc rất sợ là bệnh nhân dễ ngã và gãy xương đùi, dẫn đến nguy cơ cao bị tử vong. Hoặc dinh dưỡng không được tốt và tăng lượng đường trong máu dẫn đến tỷ lệ nhập viện cao hơn… Vì vậy ở Úc có một chương trình do chính phủ tài trợ: những người nào dùng trên 05 loại thuốc, đặc biệt là trên 10 loại thuốc sẽ có DS đến nhà tư vấn xem họ có dùng như vậy có tốt hay không...

Các BS cũng phải luôn lưu ý, nếu thấy bệnh nhân có biểu hiện nôn ói, chóng mặt, lú lẫn thì thì nên xem xét đến việc họ có phải đang dùng quá nhiều thuốc không.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!