Người phụ nữ 20 năm gieo tình yêu nghề trên mảnh đất Nam Trung bộ

Thời sự - 04/25/2024

Tính đến nay, hơn 20 năm làm công tác dân số, bà Lê Thị Mùi (ở thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đã trải qua nhiều buồn vui với nghề 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng'. Đối với bà Mùi, công việc này không chỉ là sự tâm huyết mà còn là cái tình với bà con...

Người phụ nữ 20 năm gieo tình yêu nghề trên mảnh đất Nam Trung bộ

Bà Mùi (bên phải) hàng ngày vẫn tích cực đến nhà người dân, vận động thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. ẢNH: T.TRÚC

Làm được nhiều vai trong công tác tuyên truyền vận động

Năm 1999, bà Lê Thị Mùi khi ấy vừa bước vào tuổi 40 đã bén duyên làm cộng tác viên (CTV) dân số. Với đồng phụ cấp ít ỏi, lúc đều đặn lại có khi phải chờ từ 1 đến 2 quý mới nhận. Nhưng với sự ủng hộ của bà con nhân dân trong thôn, thì đó mới là niềm vui lớn hơn hết để bà gắn bó với công việc này.

Làm CTV dân số, với bà vừa có dịp được tiếp xúc xã hội thông qua công việc, cũng vừa có điều kiện bổ sung kiến thức để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình. Những tưởng làm một gian rồi nghỉ, nhưng với bà đến giờ này đã khác. Thông qua những lần tập huấn, kết hợp tìm tòi, nghiên cứu tài liệu về DSKHHGĐ, cộng với chút năng khiếu chuyện trò dễ làm bằng lòng người nghe đã là vốn liếng lớn giúp bà tự tin trong thực hiện nhiệm vụ.

Để hoàn thành chỉ tiêu hàng năm do UBND xã giao về cho từng địa bàn CTV phụ trách, bản thân bà sắp xếp hợp lý việc lao động, nội trợ gia đình, dành quỹ thời gian phù hợp để tham gia công tác. Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động trước khi triển khai các đợt chiến dịch sức khỏe sinh sản và cung cấp dịch vụ KHHGĐ, bà luôn tích cực đến từng hộ gia đình nhằm tâm tình, chia sẻ về sự vất vả, khổ cực của việc sinh đông con, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế gia đình; rồi việc dạy dỗ, học hành, tạo công ăn việc làm cho chúng. Với phụ nữ xấp xỉ tuổi của mình thì bà chia sẻ theo tình nghĩa bạn bè, người nhỏ tuổi hơn bà lại tâm sự theo vai người cô, người chị. Còn đối với người chồng trong mỗi hộ gia đình, thì bà chủ động mời cán bộ của Chi hội Nông dân, Ban Công tác Mặt trận thôn phối hợp vận động.

Giàu nhiệt huyết, đầy nghĩa cử

Người phụ nữ 20 năm gieo tình yêu nghề trên mảnh đất Nam Trung bộ

Bà Lê Thị Mùi - CTV dân số thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông. ẢNH: HỒNG DƯƠNG

Trước đây, trong công tác vận động bà cũng gặp không ít khó khăn, bởi một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chính sách DS- KHHGĐ, cũng như ý nghĩa của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), nên trong các đợt xã Cam Thịnh Đông triển khai Chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ đến vùng khó khăn hoặc chiến dịch thực hiện Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển, bản thân bà phải nhiều lần đi lại vận động, chị em mới đến cơ sở y tế khám và thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại.

Định kỳ hàng năm, bà tổ chức sinh hoạt nhóm chị em độ tuổi từ 15-49 tuổi để nói về nội dung CSSKSS/KHHGĐ, lợi ích của việc khám thai định kỳ, không nên lựa chọn giới tính thai nhi, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (BPTTHĐ) khi đã đủ 2 con, kết hợp làm công tác tiếp thị phương tiện tránh thai. Với lợi thế làm kiêm nhiệm nhân viên y tế thôn Mỹ Thanh từ năm 2006 đến nay, bà có thêm cơ hội để tuyên truyền người dân trong thôn về giữ gìn vệ sinh môi trường ngừa bệnh tật, tiêm chủng phòng bệnh và vận động họ hưởng ứng các chương trình y tế quốc gia khi có triển khai tại thôn, xã.

Nhận xét về bà Mùi, chị Huỳnh Thị Mỹ Hà – cán bộ chuyên trách dân số xã Cam Thịnh Đông nói: 'Chị Lê Thị Mùi là CTV dân số phụ trách một trong 3 địa bàn của thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông. Chị rất năng nổ, nhiệt tình tham gia tốt các hoạt động tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng áp dụng các BPTTHĐ, vận động phụ nữ khám sức khỏe sinh sản, khám thai, tư vấn sức khỏe vị thành niên/thanh niên. Với thù lao CTV hàng tháng rất thấp, nhưng chị vẫn tham gia hoạt động nhiệt tình không ngại khó khăn, nhiều lúc chị phải đến nhà các cặp vợ chồng vận động vào những giờ cao điểm như buổi trưa hoặc tối; chị bỏ rất nhiều thời gian để gặp, thuyết phục trường hợp chưa chấp nhận sử dụng BPTTHĐ. Chính vì lòng nhiệt huyết, say mê mà kết quả thực hiện công tác dân số hàng năm được UBND xã giao về cho CTV, chị đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch góp phần hoàn thành chỉ tiêu hàng năm của xã. Ngoài ra chị còn sẵn sàng hỗ trợ cho địa bàn khác trong hoạt động công tác dân số'.

Còn bà Trần Thị Tâm, Trưởng khoa DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế thành phố Cam Ranh thì cho biết: Công tác dân số và phát triển trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, được kết quả đó cũng nhờ sự đóng góp của tất cả anh em cán bộ chuyên trách các xã, phường rồi 221 CTV ở các địa bàn dân cư. Trong đó có một số CTV đã không ngại khó khăn, mặc dù thù lao hàng tháng rất là thấp, từ một trăm nghìn đến nay được một trăm rưởi, nhưng chị em cũng rất nhiệt tình trong công tác. 'Cụ thể như chị Lê Thị Mùi quản lý trên 150 hộ, gần 500 khẩu. Mỗi khi đoàn kiểm tra hay cần số liệu về dân số, biến động dân số thuộc địa bàn chị quản lý, chị đều nắm rất rõ và kỹ, sổ sách ghi chép rất đầy đủ; vận động cấp và phát các phương tiện tránh thai cho người dân kịp thời. Hiện nay công tác dân số so với ngày trước rộng và sâu hơn, vì có Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Chúng tôi cũng rất mong muốn tất cả CTV trên địa bàn thành phố Cam Ranh, nhiệt tình như chị Mùi ở Cam Thịnh Đông thì kết quả chúng ta đạt được sẽ tốt hơn', bà Tâm chia sẻ.

Công tác dân số là vậy, còn nghĩa cử giúp người thì bà Mùi cũng sẵn sàng tham gia. Bà cho biết, mình đã từng 26 lần tham gia hiến máu cứu người.

Quá trình tham gia công tác dân số, bà Lê Thị Mùi đã được UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen năm 2009, Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương 'Vì sự nghiệp dân số' năm 2010, cùng nhiều Giấy khen của UBND thành phố Cam Ranh và UBND xã Cam Thịnh Đông về đóng góp xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ và phong trào hiến máu tình nguyện.

'Giờ tuổi cũng cao, sáu mươi mấy rồi, nếu khả năng còn làm được thì cứ làm tiếp tục cho xã hội, ước vọng của mình là vậy', lời nói rất chân tình, mộc mạc của bà Lê Thị Mùi như thể truyền cảm hứng cho những người đang tham gia công tác DS trên địa bàn thành phố Cam Ranh.

Với đặc thù là xã ven biển, toàn xã Cam Thịnh Đông có 6 thôn, với 2.146 hộ, 8.014 nhân khẩu. Đa số người dân chủ yếu sống bằng nghề biển. Nhờ có sự đóng góp của lực lượng CTV như bà Mùi mà năm qua, tình hình công tác dân số của xã có sự chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ sinh con thứ 3 toàn xã giảm còn 6,91%; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 80%; tỷ suất sinh giảm còn 12,13‰; nhận thức của người dân được nâng cao. 'Nhờ cán bộ dân số vận động nên sau khi sinh con thứ 3, tôi đã triệt sản. Nhờ đó, kinh tế gia đình ổn định hơn, con cái được ăn học đàng hoàng', bà Lệ Thị Hà, thôn Mỹ Thanh nói.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!