Người phụ nữ không ra khỏi nhà vì dị ứng sóng Wi-Fi

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Dù không được công nhận chính thức, khoảng 4% dân số trên thế giới cho rằng bản thân bị những ảnh hưởng tiêu cực như cúm, đau đầu, buồn nôn khi tiếp xúc với các thiết bị điện tử.

Kim De'Atta sống tại Somerset, Anh tin rằng mình mắc một chứng bệnh hiếm gặp khi cơ thể cô nhạy cảm quá mức với sóng điện từ. Cô hiếm khi ra khỏi nhà để đi du lịch hoặc gặp gỡ bạn bè.

'Hầu hết mọi người đều nghĩ tôi điên', Kim nói. 'Thật sự rất khó để giải thích vì mọi người đều không thấy nó (sóng điện từ). Đã lâu rồi tôi không được gặp gỡ bạn bè và người thân. Mỗi năm tôi chỉ đón 2 người khách'.

Theo Daily Mail, những tiến bộ công nghệ khiến Kim cảm thấy khó chịu khi mới chỉ là một thiếu niên sống tại Nam London.

Khi bắt đầu công việc y tá tại bệnh viện, Kim mua cho mình một chiếc điện thoại di động. Tuy nhiên, bất cứ khi nào cầm máy lên để gọi điện, Kim đều cảm thấy đau đớn cùng cực ở nửa đầu.

'Lần đầu tiên tôi đặt điện thoại lên nghe, giống như có một tia laser đi thẳng vào não. Mỗi lần tôi đưa điện thoại gần đầu, cảm giác vô cùng đau đớn', Kim cho biết.

Người phụ nữ không ra khỏi nhà vì dị ứng sóng Wi-Fi

Kim phải đội mũ bảo vệ để tránh tác động của sóng điện từ. Ảnh: Daily Mail.

Sau đó, Kim ngày càng cảm thấy mệt mỏi và hệ thống miễn dịch cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng. Cơ thể cô bị nhiễm trùng một cách bất thường. Đây cũng là lúc cô phát hiện về căn bệnh có tên 'nhạy cảm điện từ' (electrosensitivity), đồng thời nhận ra vấn đề của mình bị gây ra bởi các thiết bị phát sóng như điện thoại di động, TV, mạng Wi-Fi và các thiết bị điện tử.

Triệu chứng ngày càng tồi tệ hơn khiến Kim phải dọn nhà đến thị trấn Glastonbury, nơi Kim tin rằng mình sẽ thoát khỏi tầm ảnh hưởng của sóng điện từ.

Tuy nhiên, Kim tiếp tục di chuyển chỗ ở sau vài năm thị trấn bắt đầu được phủ sóng di động.

Sau khi được họ hàng quyên góp cho một số tiền, Kim quyết định dùng nó du lịch vòng quanh thế giới để thoát khỏi các cột sóng điện từ. Cuối cùng, cô chuyển về Somerset và sinh sống cho đến nay.

Tuy nhiên, tình trạng của Kim không được công nhận bởi các cơ quan y tế địa phương. Vì vậy, Kim quyết định tự bảo vệ mình bằng cách đội mũ bảo vệ và ngủ trong mùng. Căn nhà cô ở cũng phải sửa lại để ngăn các loại sóng điện từ từ bên ngoài.

Hiện tại, Kim mong ước cộng đồng sẽ nâng cao nhận thức về căn bệnh nhạy cảm điện từ của mình, đồng thời căn bệnh sẽ được công nhận bởi các cơ quan y tế.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!