Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe từ bạch tuộc ngâm hóa chất

Điều cần biết - 11/24/2024

Thông tin bắt một cơ sở tẩy trắng bạch tuộc bằng hóa chất đang khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại.

Mới đây, ngày 25/7, lực lượng chức năng Hà Nội đã bắt quả tang một cơ sở nghi tẩy trắng bạch tuộc, mực bằng hóa chất ở Phúc Xá, quận Ba Đình. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở này đang sơ chế khoảng 330kg bạch tuộc không rõ nguồn gốc và có hành vi ngâm bạch tuộc vào các thùng chứa một loại dung dịch màu nâu, sủi bọt trắng để tẩy trắng, khử mùi hôi. Theo đó, bạch tuộc sau khi thu mua về được rửa ngay trên vỉa hè, rồi được phân loại theo kích cỡ, trọng lượng từng con. Tiếp đó, bạch tuộc được đổ vào 2 khay inox chứa một loại dung dịch màu nâu, sủi bọt trắng để tẩy trắng, khử mùi hôi trong vòng 30 phút.

Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe từ bạch tuộc ngâm hóa chất

Bạch tuộc được khuấy vào một dung dịch màu nâu để làm trắng. Ảnh: Internet

Bằng những phân tích hiện đại, kết quả kiểm nghiệm mẫu dung dịch màu nâu cho thấy, trong 1 lít dung dịch này có chứa tới 1046 mg Hydro Peroxid, 665 mg Natri hydrosulfite, 0,385 mg Asen.

Kết quả kiểm nghiệm trên 1kg thịt bạch tuộc cũng tồn dư nhiều hoá chất công nghiệp như 959,8 mg Hydro Peroxid (oxy già), 377,8 mg Natri hydrosulfite.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP. HCM, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Trong thực phẩm có thể dùng chất tẩy trắng nhưng phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn hết sức khắt khe. Ở trường hợp này, nếu dùng Hydro Peroxid và Natri hydrosulfite để tẩy trắng bạch tuộc thì phải dùng đúng hàm lượng quy định và sau khi sử dụng phải được làm sạch lại bằng nước để tránh gây tồn dư hàm lượng oxy già đó trong thực phẩm.

PGS. TS dược sĩ Nguyễn Hữu Đức (giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cũng từng trả lời báo Pháp Luật TP. HCM rằng oxy già chỉ có một loại nhưng có thể phân làm hai dạng: dạng tinh khiết và dạng không tinh khiết. Theo ông Đức, oxy già tinh khiết được sử dụng trong y tế còn có tên gọi là dung dịch hydro peroxyd (H2O2), chỉ được dùng ngoài (không uống). Còn oxy già không tinh khiết là loại bị pha tạp chất để giảm giá thành. Oxy già dạng này thường được sử dụng để làm trắng thực phẩm như mực, chân gà, da heo… “Tùy vào tạp chất có trong oxy già mà có thể gây bệnh khác nhau. Muốn biết chỉ có cách mang xét nghiệm” - ông Đức nói rõ.

Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe từ bạch tuộc ngâm hóa chất

Bạch tuộc ngâm hóa chất sẽ gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Internet

Trả lời báo chí, PGS.TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm (nay là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết pháp luật không cho phép ngâm thực phẩm với các chất này với liều cao và thời gian dài. Được biết giới hạn Natri hydrosulfite cho phép trong các nhuyễn thể là 100mg/kg nhưng trong trường hợp này lên tới 377,8 mg, cao gần 4 lần giới hạn cho phép.

'H2O2 (Oxi già) nếu đã ngấm vào cơ thể sẽ gây viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thậm chí liều cao có thể gây tử vong… Thứ hai nhóm sulfile sẽ gây phá hủy vitamin B1 trong cơ thể. Thiếu vitamin B1 sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của cơ thể', ông Đáng cho biết.

Do đó, theo các chuyên gia khi mua bạch tuộc cần mua ở những nơi có uy tín. Chọn được bạch tuộc còn bơi là tốt nhất. Bạch tuộc tươi chất lượng phải còn đủ chân, quan sát sẽ có tròng mắt trong sáng, có lớp da căng, bóng mịn nhưng thân hình không trương phình. Khi chế biến, thịt săn nhưng không teo nhỏ, ra ít nước. Thịt ăn giòn, ngọt và có mùi thơm. Còn bạch tuộc ngâm hóa chất thường có màu trắng bệch, ngửi bạch tuộc thấy mùi lạ không có mùi tanh tự nhiên, thậm chí, không còn mùi gì.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!