Nếu không đi khám thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm bệnh nướu răng, bạn sẽ có nguy cơ bị đột quỵ mà không hề biết đấy!
Bạn đã bao giờ bị viêm nướu hay viêm nha chu? Bạn có thể nghĩ đó là những bệnh thông thường nhưng các nhà khoa học đã khám phá ra mối tương quan giữa chúng và nguy cơ đột quỵ!
Bệnh nướu răng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ
Nghiên cứu được đưa ra vào thứ 5 tại Hội nghị Đột quỵ Quốc gia ở Houston đã phát hiện bệnh nướu răng gia tăng nguy cơ đột quỵ gấp 2 lần so với những người không mắc bệnh. Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên tìm thấy mối quan hệ giữa bệnh nướu răng và tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, những phát hiện gần đây mở rộng sự hiểu biết hơn và ghi nhận được mức độ tương quan giữa hai chứng bệnh trên.
Trưởng khoa thần kinh tại Đại học Y khoa South Carolina ở Colombia đã giải thích: “Mức độ bệnh nướu răng càng nghiêm trọng thì nguy cơ đột quỵ càng cao”.
Bệnh nướu răng gồm có 3 giai đoạn xếp theo mức độ nặng tăng dần gồm: viêm nướu, viêm nha chu và viêm nha chu tiến triển. Theo đó, nguy cơ đột quỵ tăng dần từ 1,9 lần, 2,1 lần và 2,2 lần trong từng nhóm. Một chuyên gia đột quỵ cho rằng mối tương quan trên là điểm đáng chú ý nhất trong nghiên cứu mới đây.
Lý giải mối tương quan giữa nướu răng và đột quỵ
Những nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao những người bị bệnh nướu răng có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Mức độ viêm nhiễm được tìm thấy trong bệnh nướu răng và bệnh xơ cứng động mạch có thể đóng vai trò nào đó. Bác sĩ giải thích rằng: “Khi có sự xơ cứng động mạch xảy ra trong não hay ở cổ, nó có thể dẫn đến đột quỵ trên bệnh nhân”. “Nhưng vẫn có thể còn nhiều nguyên nhân khác, có lẽ là những người không mấy chú ý đến sức khỏe răng miệng thường ít đi khám bệnh tổng quát hay ít tuân thủ điều trị hơn”.
Câu hỏi quan trọng hơn chính là, nếu chúng ta điều trị bệnh nướu răng thì liệu có thể ngăn ngừa đột quỵ và nhồi máu cơ tim không? Nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng nguy cơ nhồi máu não cùng với mức độ nghiêm trọng của bệnh nướu răng.
Hơn 6.700 người chưa từng bị đột quỵ được phân chia nhóm dựa vào mức độ nặng của bệnh nướu răng. Họ được theo dõi trong 15 năm. Người tham gia nghiên cứu chủ yếu là người da trắng và 55% nữ giới, tuổi trung bình là 62. Gần 300 ca đột quỵ được ghi nhận trong suốt quá trình nghiên cứu. Khi đã điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu gồm tuổi, giới và những bệnh khác, nguy cơ đột quỵ cao hơn thuộc nhóm có bệnh nướu răng mức độ nặng hơn.
Mối tương quan rõ nhất là giữa bệnh nướu răng và hai thể đột quỵ thiếu máu. Thể đầu tiên là đột quỵ tắc mạch do huyết khối hình thành ngay tại mạch máu trong não chiếm gần 47%. Thể thứ hai là đột quỵ lấp mạch (hay còn gọi là thuyên tắc) do huyết khối từ tim đến mạch máu não chiếm gần 26%.
Hãy khám nha sĩ thường xuyên để ngăn ngừa bệnh
Bác sĩ Trevisan nói: “Tôi không cho rằng chúng ta nên nói với mọi người là nên đánh răng để phòng ngừa bệnh tim mạch”. Nhưng dựa theo bằng chứng về mối liên hệ giữa hai bệnh trên và tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng với người lớn tuổi thì bạn nên chăm sóc răng miệng của mình cẩn thận.
Bác sĩ và cộng sự cũng đưa ra hai nghiên cứu có liên quan tại hội nghị. Một trong đó ghi nhận những người khám nha sĩ hàng năm có nguy cơ đột quỵ thấp hơn những người đến khám nha sĩ khi cần thiết.
Vì thế, dù để tốt cho sức khỏe răng miệng, hay để phòng nguy cơ đột quỵ, bạn cũng nên khám nha sĩ hàng năm, và điều trị bệnh nướu răng ngay khi có triệu chứng nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bệnh nướu răng làm tăng nguy cơ ung thư ở phụ nữ lớn tuổi?
- Nhận biết và điều trị viêm nướu răng tại nhà hiệu quả
- Các nhân tố làm gia tăng nguy cơ đột quỵ không nên bỏ qua
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!