Nguyên nhân nào làm bạn bị ợ nóng?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/29/2024

Bạn thường nghĩ rằng chỉ cần tránh xa những loại thức ăn khiến bạn ợ nóng là xong. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ đấy mà còn...

Nguyên nhân nào gây ra chứng ợ nóng có thể là một câu hỏi mà rất nhiều người trong chúng ta muốn tìm ra câu trả lời. Trong bài viết dưới đây, bạn có thể tìm ra lời đáp về những lý do phổ biến nhất gây ra triệu chứng trên cũng như cách mà bạn có thể làm để ngăn ngừa sự đau đớn đi kèm với chứng ợ nóng.

Trước hết, nguyên nhân cụ thể gây ra chứng ợ nóng ở mỗi người là khác nhau. Điều gây ra tình trạng này có thể làm cho bạn bất ngờ vì bạn thường nghĩ rằng chỉ cần tránh xa những loại thức ăn khiến bạn ợ nóng là xong. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở những thực phẩm mà bạn ăn vào hằng ngày mà còn liên quan đến tần suất, thời gian tập luyện và những thứ bạn sử dụng để giảm đau. Do đó, điều quan trọng để kiểm soát tình trạng này là bạn cần hiểu rõ những nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng của chính bạn và khắc phục chúng. Những việc làm dưới đây có thể gây ra chứng ợ nóng:

Ăn quá no và ăn nhiều thực phẩm béo

Ăn những món nhiều chất béo và đầy dầu mỡ trước khi đi ngủ thường là nguyên nhân khiến cho bạn ợ nóng liên tục.  Tiêu thụ quá nhiều những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, ăn với số lượng nhiều cũng như những ăn quá khuya là ba nguyên nhân hàng đầu gây ra triệu chứng ợ nóng.

Bạn thường ợ nóng sau khi ăn quá no vì khi dạ dày giãn hết mức sẽ khiến bạn cảm thấy đầy hơi. Tình trạng này sẽ làm cho cơ vòng có chức năng giữ các axit ở lại trong dạ dày hoạt động chệch hướng. Đấy là lý do vì sao thức ăn từ bữa tối hôm qua có thể trào ngược lại trong cổ họng của bạn. Vì thế mà bạn vẫn có thể ợ nóng khi ăn quá no mặc cho bạn đã tránh những thức ăn gây ra chứng ợ nóng.

Ngoài ra, bạn cũng  cần lưu ý tránh ăn các loại thức ăn chứa quá nhiều chất béo nếu bạn đang cảm thấy khó chịu bởi chứng ợ hơi. Bởi vì các thực phẩm này sẽ làm dạ dày sản xuất ra nhiều axit hơn, từ đó làm cho hệ tiêu hóa cảm thấy rất khó chịu. Chưa hết, các cơ vòng trong dạ dày sẽ hoạt động kém hiệu quả  hơn với những thức ăn này và đó là lý do khiến cho bạn có cảm giác như thể những thức ăn từ bữa ăn trước trào ngược lên trên cổ họng.

Ăn những thức ăn gây ợ nóng

Thức ăn cũng có thể khiến bạn bị ợ nóng. Bạn nên tránh tuyệt đối hoặc hạn chế không dùng một số những loại thức ăn và nước uống dưới đây để ngăn ngừa chứng ợ nóng:

  • Rượu, đặc biệt là vang đỏ;
  • Tiêu đen, tỏi, hành sống và các loại gia vị khác;
  • Sô-cô-la;
  • Các loại trái cây có nhiều múi như cam, bưởi,…
  • Cà phê và các nước uống có chứa chất kích thích khác chẳng hạn như trà và soda;
  • Bạc hà;
  • Cà chua.

Ngoài ra, bạn có thể vẫn sử dụng các loại thực phẩm trên bình thường nếu chúng không làm bạn thấy khó chịu. Bạn cũng cần ghi nhớ các quy tắc ăn uống như không ăn quá no, chia thành 5-6 bữa ăn nhỏ một ngày, không ăn  ngay trước giờ đi ngủ mà bạn cần ăn trước ít nhất 2 giờ đồng hồ để cho cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa hết thức ăn. Bởi vì khi bạn nằm ngủ sẽ làm cho quá trình tiêu hóa khó khăn hơn và dễ gây ra tình trạng ợ nóng.

Chế độ luyện tập

Bài tập cơ bụng crunches và giảm mỡ bụng có thể làm bạn bị ợ nóng. Tư thế cúi gập người có thể làm tăng áp lực lên bụng và đẩy axit dạ dày lên thực quản. Vì thế, bạn có thể có cảm giác nóng ran trong người. Bạn cũng nên tránh các động tác nhấc chân lên vì nó khiến cho cơ bụng hoạt động mạnh hơn và có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng liên quan đến ợ nóng.

Các động tác như trồng cây chuối hoặc các bước trong bài tập yoga có thể làm đảo lộn chu trình tiêu hóa thức ăn tự nhiên trong dạ dày và tất nhiên sẽ gây ra chứng ợ nóng. Ngoài ra, những bài tập bao gồm nhiều chuyển động như đi bộ hoặc thể dục nhịp điệu có thể sẽ làm thức ăn trong bụng xáo trộn, đặc biệt trong trường hợp bạn không có một cơ vòng khỏe mạnh.

Hơn nữa, bạn tuyệt đối không nên tập luyện khi vừa ăn no bởi vì làm như vậy có thể khiến cho áp suất trong bụng tăng lên đáng kể và dẫn đến tình trạng ợ nóng. Mặt khác, cơ thể có thể mất khoảng vài giờ để tiêu hóa hết thức ăn vì thế các nhà khoa học khuyến nghị rằng bạn chỉ nên tập thể dục ít nhất hai giờ sau khi ăn.

Các loại thuốc

Có khá nhiều các loại thuốc đặc trị khác nhau có thể gây ra tình trạng ợ nóng hoặc làm cho các triệu chứng của bệnh trầm trọng thêm. Bản thân các loại thuốc giảm đau không phải là nguyên nhân nhưng nếu bạn sử dụng chúng thường xuyên hoặc dùng một loại thuốc giảm đau phổ biến như thuốc kháng viêm không steroid có thể làm cho thực quản cảm thấy khó chịu. Các loại thuốc này thường bao gồm ibuprofen, naproxen và các thuốc ức chế chọn lọc Cox-2 như Celebrex thường được dùng để điều trị chứng viêm khớp.

Ngoài ra, một số các loại thuốc chẹn canxi và nitrate dùng trong điều trị cao huyết áp và các bệnh tim mạch cũng làm cho cơ vòng kém hoạt động khiến các axit trong da dày trào ngược và dẫn đến tình trạng ợ nóng một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, một vài thuốc khác cũng gây hậu quả tương tự, bao gồm:

  • Theophylline, thuốc điều trị hen phế quản đường uống;
  • Thuốc gây mê;
  • Thuốc giảm đau nhóm opioid;
  • Thuốc tránh thai chứa hóc môn progesterone;
  • Thuốc điều trị bệnh Parkinson (bệnh do thoái hóa hệ thần kinh gây ra);
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng;
  • Một số các thực phẩm bổ sung sắt và natri;
  • Một số thuốc sử dụng trong liệu pháp hóa trị cũng như các loại thuốc điều trị bệnh loãng xương gọi là bisphotphates cũng có khả năng làm tổn thương thành thực quản, khiến tình trạng ợ nóng dễ xảy ra hơn.

Vì thế, nếu bạn đang phải dùng các loại thuốc này, hãy uống chúng với thật nhiều nước và không nên nằm ngay trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ, nhằm tránh tình trạng trào ngược xảy ra. Ngoài ra, trong quá trình điều trị bệnh, bạn cũng cần nhớ luôn luôn phải thông báo với bác sĩ nếu như đơn thuốc mới hoặc những loại thuốc không cần kê đơn gây ra tình trạng ợ nóng hoặc làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn. Điều này giúp bác sĩ có thể kê cho bạn các loại thuốc thay thế phù hợp hơn.

Ợ nóng có thể làm bạn cảm thấy khó chịu. Vì thế bạn nên tránh ăn quá no trước khi đi ngủ, hạn chế những thức ăn gây ra chứng ợ nóng cũng như cẩn trọng khi sử dụng thuốc. Nếu có bất kì dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám bác sĩ nhé.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!