Ợ nóng, dùng thuốc gì?

Cần biết - 11/24/2024

Hầu hết mọi người có thể quản lý những khó chịu của chứng ợ nóng bằng việc thay đổi lối sống và dùng một số thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Ợ nóng là cảm giác bỏng rát trong lồng ngực, ngay sau xương ức và có cảm giác đau, nhất là khi nằm hoặc cúi xuống. Hầu hết mọi người có thể quản lý những khó chịu của chứng ợ nóng bằng việc thay đổi lối sống và dùng một số thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Nguyên nhân gây ợ nóng có thể do trào ngược acid dạ dày lên thực quản. Nếu ợ nóng xảy ra thường xuyên được xem là bệnh trào ngược dạ dày thực quản, có thể gây tổn hại thực quản và gây ra biến chứng nghiêm trọng khác...

Ợ nóng, dùng thuốc gì?

Ảnh minh họa

Các thuốc thường dùng

Thuốc kháng acid: Các thuốc kháng acid như maalox, mylanta, gelusil... có tác dụng trung hòa acid trong dịch vị của dạ dày, nhanh chóng làm giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh. Các thuốc kháng acid có tác dụng nhanh nhưng ngắn, chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, cắt cơn đau. Các thuốc kháng acid làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của nhiều thuốc khác, phải dùng các thuốc này cách xa thuốc kháng acid ít nhất 2 giờ.

Thuốc giảm sản xuất acid:Đó là các thuốc kháng histamin H2 như cimetidin, famotidin, nizatidin hoặc ranitidin... có tác dụng ngăn cản bài tiết dịch vị do bất kỳ nguyên nhân nào làm tăng tiết histamin tại dạ dày (cường phó giao cảm, thức ăn...). Tác dụng của thuốc kháng histamin H2 phụ thuộc vào liều lượng, thuốc làm giảm tiết cả số lượng và nồng độ acid trong dịch vị. Tác dụng làm giảm triệu chứng không nhanh như các thuốc kháng acid nhưng lại kéo dài hơn so với các thuốc kháng acid.

Các thuốc ức chế bơm proton(lansoprazol, omeprazol...): Các thuốc ức chế bơm proton là những 'tiền thuốc', không có hoạt tính ở pH trung tính. Ở tế bào thành dạ dày (pH acid), chúng được chuyển thành các chất có hoạt tính, gắn vào bơm proton, ức chế đặc hiệu và không hồi phục bơm này. Do đó, các thuốc ức chế bơm proton làm giảm bài tiết acid do bất kỳ nguyên nhân gì vì đó là con đường chung cuối cùng của sự bài tiết acid. Dùng một liều, bài tiết acid ở dạ dày bị ức chế trong khoảng 24 giờ (so sánh với thuốc kháng histamin H2 tối đa chỉ 12 giờ). Bài tiết acid chỉ trở lại sau khi enzym mới được tổng hợp. Tuy nhiên, FDA cảnh báo, sử dụng lâu dài của thuốc ức chế bơm proton, đặc biệt là ở những người 50 tuổi trở lên có liên quan tới tăng nguy cơ gãy xương hông, cổ tay và xương sống.

Ợ nóng, dùng thuốc gì?

Khi dịch vị dạ dày bị trào ngược lên thực quản sẽ gây ra chứng ợ nóng.

Lưu ý gì khi sử dụng?

Một số tác dụng phụ thường gặp của các thuốc điều trị ợ nóng như đau đầu, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy. Trường hợp bệnh nhân có bệnh thận, không nên sử dụng thuốc kháng acid có chứa canxi carbonat hoặc hydroxid nhôm và magie carbonat.

Nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng thuốc ức chế bơm proton nếu bạn ở tuổi sau mãn kinh (vì thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ gãy xương), bạn đã từng phải điều trị nhiễm trùng do clostridium difficile trong quá khứ (thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng của bạn sẽ trở lại) hoặc bạn là người cao tuổi hoặc có vấn đề về hệ thống miễn dịch (vì thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phổi).

Không sử dụng nhiều hơn 1 thuốc kháng acid hoặc giảm acid tại một thời điểm, trừ khi có ý kiến của bác sĩ.

Ngoài ra có thể khắc phục chứng ợ nóng bằng việc thay đổi lối sống như duy trì một trọng lượng cân đối, hợp lý (trọng lượng dư thừa gây áp lực lên bụng của bạn, thúc đẩy dạ dày và gây ra acid để trào lên thực quản. Nếu trọng lượng của bạn được khỏe mạnh, cần duy trì. Nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì, cần có kế hoạch giảm cân); Mặc quần áo phù hợp (tránh bám chặt quanh eo gây áp lực lên bụng và cơ vòng thực quản dưới); Tránh những đồ ăn, uống kích hoạt ợ nóng (thức ăn béo hoặc chiên, rượu, chocolate, bạc hà, tỏi, hành tây và cà phê có thể làm cho chứng ợ nóng tồi tệ hơn). Tránh ăn quá nhiều bằng cách ăn thành các bữa nhỏ, không nằm ngay sau khi ăn; Nếu bạn thường xuyên gặp ợ nóng vào ban đêm hoặc trong khi cố gắng để ngủ, nên gối đầu cao hơn; Không hút thuốc (hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ vòng thực quản dưới)...

Lo lắng và căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ợ nóng. Nếu ợ nóng của bạn trở nên tồi tệ bởi sự lo lắng và căng thẳng, cố gắng tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hoặc đi xe đạp, nhưng tránh tập thể dục mạnh (có thể làm trầm trọng thêm chứng ợ nóng), nghe nhạc, massage, thư giãn...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!