Hôm qua, khi tôi bắt gặp bài báo nói về một bé trai 10 tuổi bị bạn ép nuốt đến 9 viên bi sắt mà lòng tôi thắt lại. Tôi có đứa con trai 10 tuổi như bé ấy. Tôi không dám nhắm mặt lại để nghĩ nếu con mình rơi vào trường hợp đó thì sẽ ra sao?
Tôi luôn nói với con tôi rằng, dù ở lớp các bạn ép buộc, dọa nạt để con làm điều gì đó ngu xuẩn tổn hại đến sức khỏe thì con phải luôn luôn nói không, hoặc tìm cách để trì hoãn việc đó. Chồng tôi hỏi, em thử hình dung xem, nếu 6 đứa vây lại ép, nếu không làm x, y, z, thì bị đánh, lúc đó em sẽ làm gì? Không cách này thì cách khác, đứa trẻ đều sẽ bị tổn thương về mặt thể chất và tâm hồn. Trừ khi con em đủ thông minh, đủ mạnh để thoát hiểm, nhưng điều đó quá khó khi chúng quá đông và hiếu chiến.
Gõ “bạo lực học đường” trên google ra 13.700.000 kết quả, một con số quá khủng khiếp. Nhiều sự việc xảy ra trong đời sống như bước ra từ trong những bộ phim gây ám ảnh, những đứa trẻ mạt sát nhau, đánh đập nhau như chúng đang ở đâu đó trong hoang dã. Là do trẻ muốn thể hiện sức mạnh, đánh dấu mảnh đất chúng được quyền coi bạn là trò tiêu khiển, hay vì chúng không được giáo dục, phải tôn trọng con người.
Năm 2016, tại Yên Bái, em Quang Huy (15 tuổi) đã tự tử vì clip em bị bạn đánh bắt quỳ giữa đường phát tán trên mạng. Hay gần đây nhất, bé 10 tuổi ở Bình Dương cho biết mình bị bạn ép nuốt những viên bi sắt. Hiện vụ việc này vẫn đang trong quá trình điều tra. Kết quả ra sao chưa rõ, nhưng trước mắt là sự tổn thất nghiêm trọng về mặt thể chất đối với bé.
Một câu hỏi đặt ra, liệu đây có phải lần đầu các bé bị bắt nạt tại trường, liệu đây có phải thiểu số bị bạo hành tại trường…
Bố mẹ phải làm gì để phát hiện con đang bị bạo lực học đường?
Dấu hiệu nhận biết con bị bạo lực học đường:
1. Tâm lý thay đổi, bất ổn
Trẻ thu mình, ít giao tiếp với người thân. Ảnh: Internet
Từ một đứa trẻ hay nói hay cười, bỗng nhiên con trở nên trầm lặng, ít nói, dễ nổi cáu, ngồi một mình, tự ti thì có thể con đã gặp vấn đề ở trường học. Đến lớp con trầm lặng, không giao tiếp với bạn bè, kể cả bạn thân, nói dối bố mẹ, không có hứng thú với điều gì và tỏ ra chán nản.
Ngoài ra, con khó ngủ, dễ giật mình, hay gặp ác mộng, có các biểu hiện như muốn bỏ nhà đi, làm tổn thương chính mình. Mỗi dấu hiệu là biểu hiện mức độ con đang đối mặt với khó khăn nào đó ở trường, việc của cha mẹ là gần gũi, chia sẻ và lắng nghe con khiến con an tâm chia sẻ.
Nếu tình trạng này không được chấm dứt, trẻ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, chán ghét cuộc sống và xuất hiện ý nghĩ tự tử, và có thể tự tử. Bố mẹ cần hiểu các mối quan hệ bạn bè trong trường học, ngoài trường học để cùng con giải quyết vấn đề. Đặc biệt là lứa tuổi đang lớn, trẻ có cá tính khá mạnh và bồng bột, nên bố mẹ phải rất tâm lý để hiểu và chia sẻ với con.
2. Xuất hiện các vết thương, vết bầm bất thường trên cơ thể
Đánh bạn không còn là chuyện hiếm. Ảnh minh họa: Infonet
Nếu bỗng nhiên một ngày, sau buổi học ở trường, quần áo con có dấu hiệu rách, hay đầu tóc rối bời, con kêu đau đầu, đau bụng hay vết bầm tím trên cơ thể… hãy cho con đi khám ngay lập tức.
Hoặc nếu con sợ hãi, đau bụng hay đau đầu mà không dám nói với bố mẹ, quan sát biểu hiện như con ôm bụng, ôm đầu, bỏ ăn, cũng đưa con đi khám để tránh điều đáng tiếc có thể xảy ra. Rất có thể, con đã bị bạo hành tại trường mà chưa có cách giải quyết.
3. Thường xuyên mất, hỏng đồ
Con thường xuyên bị mất, hỏng đồ dùng học tập. Đa phần các bậc phụ huynh lý giải là con bất cẩn nên xảy ra tình trạng đó. Nhưng không, đây cũng là một dấu hiệu con bạn đang bị tấn công, đang bị bạn trong lớp, ngoài lớp “trấn lột” đồ mà không biết cách giải quyết chấm dứt tình trạng trên.
Trẻ thường có tâm lý sợ bố mẹ phạt khi nói về các vấn đề như vậy, đôi khi bố mẹ không hiểu thường hay quát mắng con với các câu hỏi khiến trẻ thêm sợ hãi “tại sao con lại không biết giữ, tại sao đứa khác không bị lấy đồ mà con lại bị lấy….”.
Vì thế, đứa trẻ sẽ có phản ứng chịu đựng một mình, và chấp nhận để mất đồ để không bị bố mẹ mắng. Nếu các bậc cha mẹ ứng xử với việc đó như vậy sẽ đẩy con vào tình trạng nghiêm trọng hơn, chấp nhận và chịu đựng mình bị người khác bắt nạt mà không có lối thoát.
4. Thường xuyên xin tiền
Trẻ thường xin tiền vì những lý do như mua gì đó hay đánh rơi tiền, bạn hãy lưu tâm đến con. Đừng vội nghĩ ngay con bạn đua đòi bạn bè mua sắm hay làm việc gì mờ ám. Rất có thể con đang là nạn nhân của trò trấn lột tiền ở trường, hoặc phải nộp tiền cho kẻ bắt nạt nếu không sẽ bị chặn đường không cho đến lớp, bị đánh…
Nếu bạn không đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, có thể bạn lại đẩy con vào tình thế cô lập hơn, đau khổ hơn. Hệ lụy tiếp theo là trẻ sẽ nói dối để xin tiền bố mẹ nhiều hơn để mua lại sự “an toàn giả tạo”.
Để con chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống, bạn phải gần gũi và lắng nghe con. Vấn đề cần được giải quyết ngay khi có mới là nguy cơ sẽ giúp con khong bị tổn thương và cảm thấy tin tưởng bố mẹ. Đừng trách mắng và đổ lỗi con mình kém cỏi hoặc vì bất kì lý do gì, điều đó khiến đứa trẻ không dám bộc lộ và tự chịu đựng một mình khi có chuyện. Hãy là người bạn của con, là một người bạn thân mà chúng có thể nói tất cả mọi chuyện với chúng ta.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!