Nhận biết và phòng tránh viêm da tiếp xúc

Cần biết - 05/02/2024

Viêm da tiếp xúc là tình trạng phát ban ở da do phản ứng với một chất gây viêm mà da đã tiếp xúc phải.

Chất gây phản ứng có thể là một chất gây dị ứng (chất kích hoạt phản ứng dị ứng) hoặc chất kích thích (chất gây hại cho da). Các chất kích thích chiếm 80% các nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc. Trong hầu hết các trường hợp, tự chăm sóc và điều trị bằng thuốc có thể kiểm soát được các triệu chứng và ngăn ngừa được biến chứng của viêm da tiếp xúc.

Có hai loại viêm da tiếp xúc, đó là: viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng.

Viêm da tiếp xúc kích ứng

Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với chất kích thích vật lý, cơ học hoặc hóa học làm tổn thương hàng rào da. Viêm da tiếp xúc kích ứng thường ảnh hưởng đến bàn tay.

Các chất kích thích là những chất có thể gây ra tình trạng viêm ở những người nếu họ tiếp xúc đủ lâu và với nồng độ đủ mạnh: Nước - Bàn tay ngâm trong nước thời gian, nước vôi hoặc nước chứa nhiều clo. Chất tẩy rửa: nước rửa chén, xà phòng, nước tẩy... Dung môi: xăng, dầu, aceton và các hóa chất khác.

Ngoài ra, các chất như acid, kiềm, xi măng, thậm chí các loại bột, bụi, đất và một số loại cây (mao lương, hải quỳ, mù tạt...) cũng có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với một chất gây dị ứng. Chỉ cần một lượng nhỏ chất gây dị ứng tiếp xúc với da cũng có thể gây phát ban trên da. Không phải ngay khi sinh ra bạn đã bị dị ứng. Phải có một quá trình mà hệ thống miễn dịch của cơ thể được mẫn cảm với dị nguyên từ trước.

Một khi đã được mẫn cảm, da của bạn mới xuất hiện phản ứng và bị viêm khi nó tiếp xúc với chất gây dị ứng. Đây là lý do tại sao bạn đột nhiên bị dị ứng với một chất mà bạn đã từng tiếp xúc nhiều lần trước đây.

Nhận biết và phòng tránh viêm da tiếp xúc

Hình ảnh viêm da tiếp xúc.

Các chất gây viêm da tiếp xúc dị ứng thường gặp bao gồm:

Nikel là một kim loại được sử dụng nhiều để làm đồ trang sức, đinh tán khuy quần áo, dây đai áo ngực... Cobalt - được sử dụng để chế tạo một số đồ trang sức.

Crom - Đây là kim loại được dùng trong sản xuất xi măng.

Mỹ phẩm - đặc biệt là nước hoa, thuốc nhuộm tóc, chất bảo quản và các loại sơn móng tay.

Các chất phụ gia - thường dùng cho đồ da và cao su trong giày dép, quần áo...

Chất bảo quản - trong các loại kem và thuốc mỡ. Các loại hoa cúc, hoa hướng dương, hoa thủy tiên vàng, hoa tulip và các loại cây cỏ có màu vàng hoặc hồng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng cũng có thể do một số loại thuốc, bao gồm cả kem steroid, các loại kem kháng sinh và các loại chất tẩy rửa.

Đôi khi nguyên nhân không rõ ràng và bạn có thể cần xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân.

Cách nhận biết

Viêm da tiếp xúc kích ứng: Da bị tổn thương thường đỏ, nóng rát, ngứa và đau nhức. Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc với các chất kích thích, chất kích thích mạnh có thể tạo ra phản ứng ngay lập tức trong khi chất kích thích nhẹ cần có thời gian tiếp xúc lâu hơn hoặc phải lặp đi lặp lại mới có thể gây ra phản ứng kích thích. Các triệu chứng trên chỉ xảy ra ở vùng da tiếp xúc với chất kích thích.

Viêm da tiếp xúc dị ứng: Biểu hiện chính của da bị tổn thương là đỏ và ngứa. Trường hợp nặng có thể có chảy dịch rỉ viêm. Tổn thương có thể lan rộng cả ra ngoài vùng da tiếp xúc với chất gây dị ứng. Thông thường, triệu chứng xuất hiện sau nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày sau khi mẫn cảm với chất gây dị ứng. Tổn thương da chủ yếu là nơi tiếp xúc, tuy nhiên, bởi đây là dị ứng thực sự nên các vùng da khác không tiếp xúc với chất gây dị ứng cũng có thể bị tổn thương.

Nhận biết và phòng tránh viêm da tiếp xúc

Chất tẩy rửa, nước rửa chén, xà phòng... rất dễ gây viêm da tiếp xúc.

Có thể mắc nhiều loại viêm da cùng một thời điểm không?

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nếu bệnh nhân bị viêm da cơ địa, công việc của bệnh nhân mà liên quan đến việc sử dụng thường xuyên một hóa chất hoặc dung môi nào đó cũng có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng cho da. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dị ứng với nikel, tổn thương viêm da tiếp xúc dị ứng có thể xuất hiện khi bạn mặc quần có khuy bằng nikel hoặc đeo đồ trang sức làm từ nikel.

Trong những trường hợp chất gây kích thích hoặc dị ứng đã rõ ràng, việc chỉ định xét nghiệm là không cần thiết. Tuy nhiên, trong những trường hợp chất gây viêm da không rõ ràng hoặc nó có thể là một chất lẫn trong nhiều chất khác, có thể được chỉ định làm test áp.

Điều trị viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc thường tự khỏi trong vòng 2 - 4 tuần sau khi các chất gây viêm da được loại bỏ, tuy nhiên có một số trường hợp thời gian có thể kéo dài hơn. Việc trước tiên trong điều trị viêm da tiếp xúc là tránh tiếp xúc với chất gây kích thích hoặc dị ứng. Trong thời gian tổn thương hồi phục, có thể chỉ định một số biện pháp giúp kiểm soát triệu chứng, đặc biệt ở những người viêm da tiếp xúc dị ứng mạn tính.

Dưỡng ẩm - Thay thế xà phòng đang dùng bằng loại an toàn và dịu nhẹ cho da. Sử dụng kem dưỡng ẩm sẽ giúp làm mềm da và có tác dụng trong những trường hợp viêm da nhẹ. Steroid tại chỗ - Các loại kem bôi và mỡ có chứa steroid có tác dụng chống viêm cho da. Mỗi loại steroid có tên gọi và độ mạnh khác nhau, do đó, mỗi loại được chỉ định tùy thuộc các vùng da khác nhau và mức độ nặng của các tổn thương. Chính vì vậy, trước khi sử dụng steroid cần có sự đánh giá và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dị ứng.

Sử dụng kháng sinh trong trường hợp có bội nhiễm. Không nên sử dụng các thuốc kháng histamin bôi vì bản thân chúng có thể gây viêm da tiếp xúc.

Khi tình trạng viêm da đã ổn định, việc tiếp theo là ngăn chặn để nó không tái phát. Trước hết, cần tránh chất gây kích thích hoặc dị ứng nếu xác định được.

Những người làm việc liên quan đến việc sử dụng các chất có khả năng gây viêm da tiếp xúc cần tạo thói quen chăm sóc bàn tay: Không ngâm tay lâu trong nước; Sử dụng găng tay bảo vệ, đồ bảo hộ bất cứ khi nào làm việc với hóa chất, chất tẩy rửa...; Sử dụng chất tẩy rửa an toàn cho da; Lau khô tay thật kỹ sau khi rửa; Dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!