Trẻ em sinh ra vốn như một tờ giấy trắng. Chúng ta muốn con em mình lớn lên thành người, trước hết, phải truyền cho trẻ tình thương, lòng vị tha, tính khiêm tốn, rồi hãy cho trẻ tiếp thu kiến thức hàn lâm (hay nói cách khác là 'Tiên học lễ, hậu học văn').
Bạo lực học đường không còn là chủ đề mới nhưng vẫn gây nhức nhối trong dư luận. Và vụ việc bạo lực gần đây lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề đạo đức đang xuống dốc trầm trọng trong giới trẻ.
Một lớp học có một bạn nữ bị đánh hội đồng nhưng phải 2 tháng sau khi video clip được tung lên mạng, em gái đó mới được cứu thoát. Từ thầy cô, những người sát sao với em hằng ngày trong học hành, tới bố mẹ, người hiểu con nhất, không ai biết chuyện trước những đau đớn con mình phải gánh chịu hàng ngày.
Bạo lực học đường đang trở thành vấn nạn của xã hội (Ảnh minh họa: Internet)
Chỉ vì 'không thực thi yêu cầu của lớp trưởng', em đã bị lớp trưởng dằn mặt khi cho gọi các bạn trong khối tham gia đánh hội đồng trước sự chứng kiến của các bạn đồng trang lứa. Sau quãng thời gian chịu đựng, kết quả học tập của em bị sa sút, về nhà ít nói hơn.
Một vụ việc nữa ở Phú Thọ, một nữ sinh sau khi bị đánh hội đồng đã phải nghỉ học vì không thể nói được. Thậm chí, giao tiếp hàng ngày của em chỉ là những cái gật đầu, những dòng chữ lạnh lùng trên trang giấy với bố mẹ mình.
Điểm chung của những sự vụ trên là sự lạm dụng quyền hành, lấy lớn ức hiếp nhỏ, coi đó là trò tiêu khiển cho bản thân.
Bản tính kiêu ngạo, tự mãn tự nhiên hình thành trong giới trẻ. Dẫn đến chúng có thể làm mọi thứ để thỏa mãn tính hiếu thắng trong con người mình, chỉ để nhận được 'ánh mắt ngưỡng mộ' từ mọi người. Những sự việc này là lời cảnh tỉnh rõ ràng về bạo lực đang leo thang nhanh chóng trong học đường. Nếu không tìm ra cách giải quyết triệt để, chắc chắn trong tương lai gần, bạo lực học đường sẽ còn kinh khủng hơn, không chỉ đánh hội đồng 'chay' nữa, mà thay vào đó sẽ có dao, rựa, án mạng xảy ra ngay trong trường học, nơi đào tạo các em thành người.
Quay lại với vụ thảm sát Lê Văn Luyện gây chấn động gần 3 năm trước, một kẻ giết người máu lạnh đã muốn cướp đi sinh mạng của cả gia đình khi chưa bước sang tuổi 18. Những nhát chém liên tiếp vào 4 nạn nhân vẫn khiến hắn bình tĩnh đi xuống vơ hết số vàng mới bỏ chạy. Cho đến khi bị bắt, Luyện không mảy may nhỏ một giọt nước mắt vì ăn năn.
Sự lạm dụng quyền hành, lấy lớn ức hiếp nhỏ, coi đó là trò tiêu khiển là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bạo lực học đường (Ảnh minh họa: Internet)
Và câu hỏi lớn đặt ra là, vì đâu sự tụt dốc trong đạo đức ở giới trẻ đã đạt đỉnh điểm như thế? Phải chăng môi trường sống đã nhào nặn các em trở thành con người mang trong mình tính thú? Trong thế giới mở của việc tiếp nhận thông tin, khi các loại phim kinh dị tràn lan trên mạng, các trò chơi online phổ biến ở bất cứ đâu, các em dễ dàng tiếp cận và bắt chước nhanh chóng.
Ở độ tuổi chuyển giao giữa nhi đồng và vị thành niên, thế giới của các em là sự tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ: Học cách làm người lớn, thích nổi bật giữa đám đông. Cuộc sống hiện đại đang cuốn chúng ta vào công việc, mưu sinh mà quên đi những phút giây ngồi lại để thấu hiểu nhau. Bố mẹ các em, vì nhiều lí do khác nhau đã không thể dành nhiều thời gian cho con cái, đặc biệt ở độ tuổi dậy thì, có nhiều thay đổi về cảm xúc.
Khi không được chia sẻ, các em tìm đến thế giới ảo, làm bạn với những bộ phim, tâm sự với những người bạn cùng sở thích. Sự bồng bột trong suy nghĩ đã nhào nặn các em thành những con người như thế.
Câu hỏi sẽ không hẹn câu trả lời nhưng tất cả chúng ta nên sống chậm lại một chút, để suy nghĩ… Dẫu biết rằng không phải mọi câu trả lời đều chính xác nhưng chỉ cần mỗi người hãy tĩnh lặng để ngẫm lại câu chuyện, chí ít sẽ có được bài học cho riêng mình.
>> Xem thêm:
Cách giúp trẻ tránh nạn bạo lực học đường
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo lực học đường
Khánh Hiền
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!