GS.TS. Đào Văn Long – Nguyên trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguyên nhân gây viêm loét dạ dày mạn tính đó là do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm dạ dày và các biến chứng loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày. Trong khi đó, nhiều người khi phát hiện nhiễm HP lại hoang mang vì lo sợ ung thư. Vậy điều này thực sự có nguy hiểm như vậy không?
Tuy nhiên, GS. Long cũng lưu ý không phải cứ nhiễm vi khuẩn HP là phải điều trị. Ước tính 70% dân số nhiễm vi khuẩn HP nhưng không phải tất cả đều cần điều trị; chỉ khi nào có các triệu chứng đau bụng, ợ hơi… mới cần đi khám, bác sĩ tư vấn điều trị.
Vi khuẩn này lây qua đường miệng - miệng, nghĩa là có trẻ bị nhiễm khi ăn uống, sinh hoạt cùng với người nhiễm HP. Ngoài ra, vi khuẩn theo đường môi trường do vệ sinh ăn uống kém, ô nhiễm môi trường, nguồn nước nhiễm bẩn. GS. Long cho biết thêm, nếu chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị.
Thực tế, các nhà khoa học nhận thấy vi khuẩn HP trong một số trường hợp không hẳn có hại. Nếu không gây ra triệu chứng gì, sự có mặt của HP giống như một vi khuẩn cộng sinh, đôi khi có một số tác dụng đối với cơ thể. Chẳng hạn, người nhiễm HP ít bị các nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường ruột do HP tiết ra các chất ngăn chặn vi khuẩn khác phát triển. Ngoài ra các triệu chứng trào ngược hay những bệnh lý về dị ứng như với phấn hoa, bụi phấn... cũng giảm.
GS. Long cho biết, dấu hiệu nhận biết có vi khuẩn này không đặc hiệu, người ta cho HP là vi khuẩn cộng sinh với cơ thể con người, 1 số ng có dấu hiệu đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, đau vùng thượng vị. Khi đó người bệnh thường nghĩ đến đau dạ dày, tá tràng và điều họ nghĩ là đau dạ dày. Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng của vi khuẩn HP.
Nội soi đường tiêu hóa để thăm khám điều trị cho bệnh nhân.
Biểu hiện của nhiễm vi khuẩn HP nặng hơn với cơn đau từ âm ỉ đến mạnh, một số gây cơn đau cấp tính thậm chí gây thủng dạ dày, gây xuất huyết, gây triệu chứng hẹp môn vị hoặc biến chứng nặng hơn là ung thư. Ngoài ra, HP còn gây nhiều căn bệnh khác, nó còn là yếu tố thuận lợi gây nên hen, có vai trò với ung thư phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu.
Để phát hiện vi khuẩn HP người bệnh có thể kiểm tra sức khoẻ tại các cơ sở y tế. GS Long cho biết, hiện nay công cụ phát hiện vi khuẩn HP là xét nghiệm trong máu có kháng thể HP. Với kết quả này, có hai trường hợp người đó từng nhiễm HP hoặc đang nhiễm HP, khi đó người ta sẽ nội soi dạ dày, sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm cho kết quả tương đối tốt để phát hiện HP. Để chắc chắn hơn có thể nhuộm màu đọc dưới kính hiển vi. Còn trường hợp đơn giản có thể biết HP không thì có thể test khí thở. Ngoài ra, còn các test tìm kháng nguyên trong phân.
Để phòng bệnh, nên cách ly không dùng chung đồ ăn khi gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP; vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Được biết, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, có đến 70% người Việt bị nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), một loại vi khuẩn được coi là “thủ phạm” chính gây các bệnh viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!