Nhiệt huyết khó tin của những người 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'

Thời sự - 04/30/2024

Họ là những người tham gia công tác dân số có thời gian 'thâm niên', thậm chí có những chị tuổi đời năm nay mới tròn 45 nhưng đã có 20 năm gắn bó với nghề. Tất cả họ đều có một điểm chung duy nhất là tâm huyết, yêu nghề và nhiệt tình với công việc. Đặc biệt, phải có kỹ năng truyền thông tốt, dù đồng phụ cấp chẳng đáng là bao.

Nhiệt huyết khó tin của những người 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'

Cộng tác viên dân số là những người tâm huyết, yêu nghề và nhiệt tình với công việc, dù phụ cấp ít ỏi. Ảnh: Công Nam

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong người dân

Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ tại Lâm Đồng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, đã có sự đầu tư cả về nhân lực và vật lực, từng bước góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi cuộc sống của mỗi người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).

Đặc biệt, ngày 16/4/2018, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành kế hoạch số 51-KH/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII 'Về công tác dân số trong tình hình mới'. Nghị quyết nêu rõ: Cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới nhằm nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu và phân bố dân số góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác dân số trong tình hình mới. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước trong việc tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác dân số thời gian qua, đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Công tác dân số và phát triển (DS&PT) ở Lâm Đồng trong những năm qua đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó phải kể đến công lao đóng góp của đội ngũ CTV dân số, họ đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong việc tuyên truyền vận động các đối tượng thực hiện chính sách dân số, nhất là chị em vùng sâu, vùng xa và vùng ĐBDTTS.

Những đóng góp thầm lặng

Nhiệt huyết khó tin của những người 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'

Với kỹ năng tuyên truyền tốt, linh hoạt, nhạy bén, các CTV dân số nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình để tuyên truyền vận động người dân thực hiện KHHGĐ. Ảnh: Công Nam

Mỗi CTV đều có một cách làm khác nhau, có người sau khi vận động thành công một đối tượng họ lại 'vận dụng' đối tượng đó để vận động người khác, có người lại dựa vào những 'bậc tiền bối' trong gia đình như bố, mẹ hay già làng, trưởng thôn, chức sắc… để vận động nhằm tạo niềm tin cho các đối tượng đang cần vận động. Sự nhiệt tình của họ đã góp phần hoàn thành một số chỉ tiêu cơ bản về DS&PT năm 2019 trên địa bản tỉnh. Cụ thể: tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm xuống còn 11,58% năm 2019; tỷ số giới tính khi sinh 110,0 trai/100 gái; số con trung bình của một nữ 2,11 con/phụ nữ; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 68,26%... Đặc biệt, họ đã làm thay đổi nhận thức của người dân và tham gia hưởng ứng tích cực về công tác DS&PT.

Anh Trần Văn Thi, Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc - phụ trách công tác dân số chia sẻ: 'Tôi cho rằng thành công của công tác dân số bất kỳ ở giai đoạn nào, trước hết nhờ vào đội ngũ CTV dân số, họ thực sự là những người 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng', luôn bám sát, gần gũi với người dân làm thay đổi tính chất, suy nghĩ đối với từng người dân. Đây là sự đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng của họ đối với công tác dân số'.

Những năm trước đây, một số địa bàn dân cư trình độ dân trí còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa và vùng ĐBDTTS đã gây khó khăn cho công tác tuyên truyền vận động, đã không ít chị em CTV bỏ cuộc. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước triển khai một số hoat động về kinh tế và văn hóa tại những địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa làm cho bộ mặt nông thôn ngày một thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên kéo theo mặt bằng chung về trình độ dân trí cũng được nâng lên.

Có được kết quả đó chính là sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ CTV dân số. Công việc này tuy không nặng nhọc nhưng muốn thành công cũng không đơn giản, đòi hỏi phải có tâm huyết, nghị lực, nhiệt tình và kỹ năng tuyên truyền tốt, mặt khác phải linh hoạt và nhạy bén nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của từng đối tượng cũng như chọn thời điểm thích hợp để tuyên truyền vận động thì mới mang lại hiệu quả cao.

Nỗ lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số

Công tác DS&PT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Việc sáp nhập Trung tâm dân số vào Trung tâm Y tế làm ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ làm dân số tại cơ sở; một số nơi vẫn còn phong tục tập quán lạc hậu muốn sinh con trai để có người thờ cúng, đông con đông của... Việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên chưa kịp thời đã ảnh hưởng đến hoạt động truyền thông và tác động không nhỏ đến người dân trong việc thực hiện chính sách dân số và phát triển. Từ đó, ảnh hưởng đến quy mô dân số, kết quả giảm sinh chưa vững chắc, tăng tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên...

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở một số địa phương vẫn còn cao; thời kỳ dân số vàng và già hóa diễn ra gần như cùng một lúc; chất lượng dân số chưa được cải thiện nhiều, tình trạng đông con thường lại rơi vào những vùng khó khăn, hộ nghèo... hiện nay công tác xã hội hóa về y tế cũng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn xem nhẹ công tác DS&PT, chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn phức tạp và ý nghĩa của công tác dân số; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, hiệu quả...

Để công tác DS&PT trong thời gian tới đạt được kết quả tốt, trước hết cần phải tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ CTV Dân số. Bởi vì, họ là những người trực tiếp tuyên truyền vận động, vất vả bám sát từng đối tượng, nhất là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề để từ đó có hình thức vận động không sinh thêm con. Bên cạnh đó, đội ngũ CTV còn phải 'mày mò' tham khảo tài liệu. Vì làm công tác dân số, kỹ năng tuyên truyền vận động tốt chưa hẳn đã thành công mà còn đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, có như vậy nói người dân mới tin và thực hiện.

Có thể cảm nhận được niềm vui của đội ngũ CTV dân số khi họ vận động được người dân thực hiện KHHGĐ, điều này giúp cho các CTV có niềm vui và thêm phần tự tin. Phải khẳng định một điều rằng, công lao của đội ngũ CTV đóng góp vào công tác dân số là rất to lớn, họ làm chỉ vì xã hội chứ không vì bản thân họ. Với đồng phụ cấp như hiện nay thực sự chẳng đáng là bao. Vậy mà họ vẫn hăng say nhiệt tình, bám sát từng địa bàn, từng đối tượng để tuyên truyền vận động với mục đích cao đẹp là đem lại hạnh phúc cho mọi người, đưa công tác dân số đúng với nghĩa 'Dân số ổn định – xã hội phồn vinh – gia đình hạnh phúc' góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Sự nỗ lực của CTV dân số có ý nghĩa quan trọng góp phần vào ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!