Nhịp tim chậm có đáng lo?

Các bệnh - 11/24/2024

Nhịp tim có thể chậm, phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng thể chất của từng người. Tìm hiểu về nhịp tim chậm có thể giúp bạn phát hiện các nguy cơ về sức khỏe đang tiềm ẩn.

Người trưởng thành thường xuyên hoạt động thể chất và vận động viên thường có nhịp tim chậm khi nghỉ ngơi, và điều này là bình thường không gây ra vấn đề gì về sức khỏe. Nhịp tim chậm cũng thường gặp ở người cao tuổi. Khi con người già đi, những thay đổi về lưu lượng tim (liên quan tới nhịp tim và lượng máu mỗi lần tim bóp tống xuất) có thể thay đổi và báo hiệu những vấn đề về tim mạch cần được điều trị.

Nhịp tim chậm khi nghỉ ngơi có ý nghĩa gì?

Đối với nhiều người, khi nghỉ ngơi, số nhịp tim đập trong mỗi phút (được gọi là nhịp tim) từ 60 đến 100 được coi là bình thường. Nhịp tim có thể giảm xuống dưới 60 khi đi vào giấc ngủ sâu. Tuy nhiên, nếu tim đập ít hơn 60 lần một phút khi thức sẽ được xem là nhịp tim chậm. Điều này có phải là vấn đề hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Ở một số người, đặc biệt là đối với các vận động viên và thanh niên khỏe mạnh thường xuyên có các hoạt động thể chất, nhịp tim khi nghỉ ngơi có thể chậm hơn 60 lần một phút. Ở những người này, tim đập chậm nhưng huyết áp không giảm, lưu lượng máu không giảm do khối lượng máu tống xuất lớn - Nhịp tim chậm không được coi là một vấn đề sức khỏe.

Tuy nhiên với đa số người khác, nhịp tim chậm khiến cho tim không bơm đủ máu giàu oxy cho cơ thể, dẫn tới nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm.

Các biến chứng của nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm thường không gây triệu chứng rõ nét, trừ khi tim đập dưới 40 - 45 nhịp/ phút. Khi đó, lượng máu giàu oxy đi nuôi cơ thể bị thiếu hụt, đặc biệt là não thiếu oxy dẫn đến các triệu chứng như: mệt mỏi triền miên, hoa mắt chóng mặt, đau đầu nhẹ nhưng dai dẳng, đau ngực, khó thở, thậm chí là ngất. Khi bị đau ngực, khó thở kéo dài hoặc ngất đột ngột, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời nếu không có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm tính mạng. Các triệu chứng sau đây ở người có nhịp tim chậm có thể là dấu hiệu của tình trạng cần cấp cứu khẩn cấp: Đau ngực, tức ngực, cảm giác đau thắt ngực; Khó thở, thở khò khè, hụt hơi; Đau cánh tay trái hoặc cảm giác tê yếu ở tay; Đau ở vùng cổ, hàm, họng hoặc đau lưng trên; Đau đầu dữ dội; Chóng mặt, mất phương hướng và nhầm lẫn; Ngất hoặc mất ý thức; Mất hoặc thay đổi thị giác; Da trở nên xanh tái, nhợt nhạt.

Nhịp tim chậm có đáng lo?Khám tim mạch theo định kỳ để kiểm soát bệnh, phòng ngừa biến chứng.

Nguyên nhân gây nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm có thể là hậu quả của rối loạn xung điện kiểm soát hoạt động bơm của tim, do những nguyên nhân như:

Những thay đổi trong cơ tim do lão hóa: Một yếu tố nguy cơ chính cho nhịp tim chậm là tuổi tác. Mô tim lão hóa dẫn đến nhịp tim chậm phổ biến ở người lớn tuổi.

Các bệnh tim: Gây rối loạn xung điện kiểm soát hoạt động bơm của tim do viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, bệnh mạch vành, dị tật tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim, biến chứng sau phẫu thuật tim

Một số bệnh khác cũng có thể có thể làm ảnh hưởng các xung điện ở tim như mất cân bằng điện giải, mức kali trong máu quá cao, suy giáp, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh Lupus...

Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc các vấn đề về tim như thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi có thể gây nhịp tim chậm.

Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ gây nhịp tim chậm là: hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, căng thẳng kéo dài.

Điều trị thế nào?

Điều trị nhịp tim chậm tùy thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng. Nếu nhịp tim chậm khi nghỉ ngơi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, thường không cần điều trị. Mục tiêu điều trị là tăng nhịp tim để cơ thể nhận được máu và oxy cần thiết. Các phương pháp điều trị nhịp tim chậm có thể bao gồm: thuốc và máy tạo nhịp tim. Máy tạo nhịp tim theo dõi nhịp tim và tạo ra các xung điện khi cần thiết để duy trì nhịp tim thích hợp.

Sống chung với nhịp tim chậm

Nhịp tim khi nghỉ ngơi chậm thường là hậu quả của bệnh tim mạch, vì vậy việc chủ động thực hiện các phòng ngừa các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch là cần thiết:

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau và ngũ cốc, hạn chế ăn đồ ăn chứa chất béo.

Tập thể dục thường xuyên, đều đặn và vừa sức để cải thiện nhịp tim.

Duy trì cân nặng hợp lý bởi thừa cân là một trong những nguy cơ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.

Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá

Kiểm soát tăng huyết áp hoặc cholesterol cao.

Kiểm soát stress: Tránh căng thẳng không cần thiết và tăng cường thư giãn tinh thần bằng các hoạt động thể dục, vui chơi.

Tái khám theo định kỳ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!