Những cách pha sữa của bố mẹ có thể lấy mạng con trẻ

Nuôi dạy con - 11/28/2024

Ngoài pha sữa quá đặc, nhiều người còn mắc phải những sai lầm nguy hiểm khi pha sữa cho trẻ uống sau đây.

Pha sữa quá đặc, mẹ khiến con 2 tháng tuổi nguy kịch

Đầu năm 2016, nhiều tờ báo đăng tin về một sự việc đáng tiếc xảy ra ở Trung Quốc nhằm cảnh báo các bậc cha mẹ về 1 sai lầm phổ biến khi cho con ăn sữa công thức.

Theo nguồn tin, một em bé sinh non được cha mẹ cho uống sữa bột do mẹ em không đủ sữa. Hơn nữa, do thương con và muốn con phát triển tốt, cha mẹ em đã pha sữa đậm đặc hơn so với lượng sữa được quy định của nhà sản xuất.

Đến một ngày, cha mẹ em hốt hoảng vì phát hiện con mình có nhiều dấu hiệu bất thường như quấy khóc, không ngủ được, bụng to như quả bóng.

Ngay lập tức, em bé được đưa đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán em bị viêm ruột hoại tử do uống lượng sữa quá nhiều.

Những cách pha sữa của bố mẹ có thể lấy mạng con trẻ

Trẻ càng nhỏ thì càng phải tuân thủ chặt chẽ liều lượng pha sữa (Ảnh minh họa: Internet)

Sau khi biết nguyên nhân đẩy em bé đến chỗ nguy kịch, suýt ảnh hưởng đến tính mạng, cha mẹ em cảm thấy rất hối hận. Chỉ vì thiếu hiểu biết, họ đã suýt nữa làm hại con mình.

Thật ra, sai lầm này không phải chỉ có cha mẹ em bé trong câu chuyện kể trên mới mắc phải. Có rất nhiều bậc cha mẹ vì thương con và muốn con phát triển vượt trội nên khi pha sữa cho con đã pha đặc hơn so với hướng dẫn chuẩn của nhà sản xuất.

Sai lầm này ngay cả các bậc cha mẹ Việt cũng rất hay mắc phải. Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu lười ăn, cha mẹ thường hay sốt ruột, muốn con mình ăn ít nhưng ăn được lượng dưỡng chất nhiều như mong muốn nên đã giảm lượng nước đi và tăng lượng sữa bột lên.

Điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả cho sức khỏe của các bé bởi uống sữa quá đặc sẽ khiến cơ thể bé bị thiếu nước, sinh ra các chứng táo bón, chán ăn, sợ sữa do quá ngán. Nếu kéo dài tình trạng này trẻ sẽ có nguy cơ xuất huyết ruột cấp tính rất nguy hiểm.

Phó viện trưởng Viện Dinh dưởng quốc gia, PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết: Cần pha sữa chính xác theo tỉ lệ như hướng dẫn mới đảm bảo đúng và đủ dinh dưỡng cho bé. Nếu bạn ước lượng thì có thể sữa pha bị quá đặc, khiến bé táo bón, tiểu ít, nước tiểu vàng và không tốt đối với sức khỏe của bé, đặc biệt là đối với các bé dưới 12 tháng tuổi. Ngược lại, nếu sữa pha quá loãng sẽ không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho bé tăng trưởng bình thường.

Những cách pha sữa của bố mẹ có thể lấy mạng con trẻ

Tuyệt đối không được pha sữa đặc hơn, hoặc pha với nước cơm, nước trái cây (Ảnh minh họa: Internet)

Những sai lầm khi pha sữa cho trẻ mà cha mẹ hay mắc phải

Ngoài pha sữa quá đặc, nhiều người còn mắc phải những sai lầm nguy hiểm khi pha sữa cho trẻ uống sau đây:

- Nhiệt độ nước không phù hợp:Nhiều người không nắm rõ việc pha sữa công thức cho trẻ đòi hỏi nước ở nhiệt độ bao nhiêu là phù hợp. Có người sử dụng nước quá nóng hoặc quá nguội. Đây cũng là một sai lầm cơ bản.

Nếu nước quá nóng, nhiều dưỡng chất có trong sữa công thức như lysin, axít folic, vitamin nhóm B... dễ bị hư hại, mất tác dụng. Nếu nước quá nguội, sữa dễ bị vón cục và các dưỡng chất không được hấp thu tốt nhất vào cơ thể trẻ.

Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, nhiệt độ thích hợp nhất khi pha sữa là từ 40 - 60 độ C. Nếu định lượng một cách tương đối, bạn có thể pha 2 phần nước nguội và 1 phần nước nóng. Sau khi pha nhớ để đến nhiệt độ thích hợp mới cho trẻ uống.

- Pha sữa với nước trái cây:Nhiều người có thói quen pha sữa công thức với nước trái cây như một cách để bổ sung nguồn vitamin cho trẻ. Sai lầm này sẽ khiến sữa mất đi nhiều thành phần dinh dưỡng do 1 số loại trái cây có tính axit (ví dụ cam, chanh, quýt, bưởi, xoài...)

Hơn nữa, khi pha sữa theo cách trên, chất casein có trong protein của sữa sẽ kết tủa làm cho protein trong sữa bị biến chất cản trở quá trình hấp thu của trẻ, gây đầy bụng, khó tiêu hóa.

-Pha sữa với nước cháo loãng: Đây là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng do trong sữa có nhiều vitamin A, còn trong nước cơm thì lại chứa chủ yếu là chất bột và chất lipoxidase – một loại chất sẽ phá hủy vitamin A.

Nếu uống loại hỗn hợp này lâu dài, trẻ sẽ bị thiếu vitamin A trầm trọng gây ra rất nhiều hậu quả cho sức khỏe.

Hơn nữa, tinh bột trong nước cơm sẽ khiến trẻ khó hấp thu canxi, dẫn đến thiếu canxi và các hệ lụy của nó như chậm tăng trưởng chiều cao, rối loạn tiêu hóa, còi xương, suy dinh dưỡng...

  Lượng sữa trẻ có thể uống căn cứ vào từng độ tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo mẹ nên cho trẻ uống theo liều lượng gợi ý của hãng sữa ghi trên vỏ hộp.
Với trẻ dưới 06 tháng cũng không nên uống quá 150ml sữa/lần uống. Đây là lượng sữa thích hợp cho trẻ tiêu hóa/lần ăn.
Trẻ qua 06 tháng nâng lên 180ml, dần dần đến 12 tháng trẻ uống được từ 200 – 250ml/lần. Ở giai đoạn này cha mẹ nên cho trẻ uống các loại sữa có vị nhạt giống sữa mẹ.
(Theo Afamily.vn)

 

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!