2 trường hợp pha sữa sai khiến con lãnh hậu quả
Khi sinh con ra, người mẹ nào cũng mong muốn đủ sữa nuôi con nhưng không phải mọi bà mẹ đều đạt được mong muốn đó. Đó là chưa kể đến việc mẹ phải quay trở lại với công việc sớm thì việc bổ sung sữa công thức là lựa chọn phổ biến được các mẹ tìm đến hiện nay. Với mỗi loại sữa công thức khác nhau, nhà sản xuất sẽ có hướng dẫn cách pha cụ thể ngay ở bao bì. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do, không phải ai cũng tuân thủ đúng những hướng dẫn đó. Người phải gánh hậu quả từ việc bất chấp các quy chuẩn này không ai khác chính là trẻ nhỏ. Mới đây, đã có 2 trường hợp trẻ đối mặt với nguy hiểm sức khỏe từ việc sai lầm khi pha sữa công thức cho con.
Tiểu Tĩnh sinh thiếu tháng, lực bú yếu và mẹ cũng ít sữa nên đã được cho dùng sữa công thức.
Một em bé người Trung Quốc tên là Tiểu Tĩnh, chưa đầy một tháng tuổi đã phải cắt ruột do cha mẹ cho uống sữa sai cách. Theo chia sẻ của gia đình bé, Tiểu Tĩnh sinh thiếu tháng, lực bú yếu và mẹ cũng ít sữa nên đã được cho dùng sữa công thức. Lo lắng Tiểu Tĩnh quá nhỏ so với các bạn cùng tuổi nên khi pha sữa, bố mẹ bé thường pha thêm 2 thìa so với tiêu chuẩn trên hộp.
Một ngày, bé Tiểu Tĩnh rất quấy khóc và có hiện tượng sốt nên bố mẹ lập tức đưa bé đi bệnh viện kiểm tra. Sau khi khám, bác sĩ kết luận bé bị viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh. Các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật khẩn cấp cắt bỏ đoạn ruột đó, nếu không bé có thể bị thủng ruột non và thậm chí có nguy cơ tử vong. Bác sĩ đã chỉ ra chính sai lầm của cha mẹ khi pha sữa công thức là nguyên nhân khiến bé rơi vào tình trạng nguy hiểm này. Điều đó khiến cả hai vô cùng ân hận.
Các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật khẩn cấp cắt bỏ đoạn ruột đó, nếu không bé có thể bị thủng ruột non và thậm chí có nguy cơ tử vong.
Lý giải về hiện tượng trên, các bác sĩ cho biết trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp còn chưa phát triển đầy đủ. Lượng máu của cơ thể cũng chưa đủ để cung cấp liên tục cho tất cả các cơ quan mà chỉ ưu tiên cho các cơ quan quan trọng như não, phổi, tim. Ruột non lại không nằm trong số các cơ quan được ưu tiên cấp máu. Hiện tượng thiếu máu cục bộ cộng thêm thiếu nước do sữa quá đặc sẽ kích thích ruột non sản xuất ra một loại chất nhày. Đây cũng là cơ hội để vi khuẩn tấn công đường ruột gây ra viêm ruột hoại tử.
Một trường hợp khác là bé gái giấu tên cũng ở Trung Quốc, mới 15 tháng tuổi nhưng đã nặng tới 16kg. Được biết, khi mới sinh bé chỉ nặng 2,3kg, sau 15 tháng cân nặng đã vượt xa so với bạn cùng trang lứa. Điều này khiến mẹ bé khá lo lắng, nghe theo lời khuyên của mọi người xung quanh, người mẹ đã đưa con đi bác sĩ để thăm khám.
Nếu ăn với lượng nhiều dẫn đến nhu cầu ăn cao hơn, dần dần cân nặng của bé vượt chuẩn gây ra hiện tượng béo phì (Ảnh minh họa).
Mẹ bé chia sẻ, sau khi sinh, do không có sữa nên cô đã bổ sung thêm sữa ngoài. Muốn con tăng cân nhanh, cứng cáp hơn nên khi con 1 tháng tuổi, gia đình đã cho bé uống nhiều hơn mức tiêu chuẩn, một ngày có thể uống đến 800ml sữa, mỗi lần uống từ 150-200ml. Điều đặc biệt người mẹ này chỉ pha sữa ước lượng không đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Cụ thể, khi bác sĩ hỏi mỗi lần pha lượng sữa là 150-200ml hay chỉ tính lượng nước? Người mẹ ngạc nhiên trả lời: 'Đó là lượng nước ban đầu. Không phải mọi người vẫn nói như vậy khi pha sữa cho con hay sao?'.
Bác sĩ giải thích chính thói quen pha sữa sai lầm này đã khiến bé gặp phải tình trạng béo phì. Dạ dày của bé còn nhỏ, nếu ăn với lượng nhiều dẫn đến nhu cầu ăn cao hơn, dần dần cân nặng của bé vượt chuẩn gây ra hiện tượng béo phì.
Pha sữa quá loãng, quá đặc ảnh hưởng tới trẻ như thế nào?
Theo Ths.BS Doãn Thị Tường Vi, Viện dinh dưỡng Lâm sàng, sữa mẹ là sản phẩm tốt giúp cho trẻ có thể phát triển toàn diện. Trong 1.000 ngày đầu đời, các bà mẹ nên cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ. Trong trường hợp mẹ không có sữa hoặc phải đi làm mới cần dùng thêm thức ăn bổ sung (sữa công thức) để giúp trẻ có đủ dinh dưỡng phát triển. Khi dùng sữa công thức, nên chọn loại sữa gần giống với sữa mẹ nhất. Đặc biệt, khi pha sữa công thức nên pha sữa theo khuyến cáo ghi trên hộp của nhà sản xuất.
Khi dùng sữa công thức, nên chọn loại sữa gần giống với sữa mẹ nhất. Đặc biệt, khi pha sữa công thức nên pha sữa theo khuyến cáo ghi trên hộp của nhà sản xuất (Ảnh minh họa).
'Bản chất của sữa công thức là sự tính toán để các chất đưa vào cơ thể phát huy hiệu quả gần như sữa mẹ. Sữa sẽ phát huy hiệu quả bổ sung dinh dưỡng tốt nhất khi được pha đúng. Nếu sữa công thức pha quá loãng sẽ dẫn tới trẻ uống bị thiếu chất, thiếu năng lượng. Trẻ uống sữa pha loãng kéo dài sẽ không đủ chất và năng lượng để phát triển dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi', bác sĩ Tường Vi nói.
Ngược lại với việc pha sữa quá loãng thì không ít gia đình pha sữa cho con quá đặc để con uống ít nhưng vẫn có đủ dinh dưỡng. Bác sĩ Tường Vi khẳng định: 'Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Trẻ nhỏ uống sữa công thức quá đặc có thể dẫn táo bón do không tiêu hóa hết chất đạm. Táo bón có thể khiến cho trẻ khó chịu hay quấy khóc, biếng ăn và chậm lớn'.
Chia sẻ thêm về trường hợp bệnh nhi 15 tuổi nặng tới 16kg, bác sĩ Tường Vi khuyên trong mọi trường hợp vẫn nên ưu tiên sữa mẹ, không nên lạm dụng sữa công thức. 'Cách 'vỗ béo' con bằng sữa công thức sẽ gây ra hậu quả béo phì và một số bệnh lý khác không lường trước được', bác sĩ Tường Vi nhấn mạnh.
Bác sĩ Tường Vi cũng cho biết thêm, với trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, nên ưu tiên dùng sữa mẹ: 'Nếu dùng sữa thay thế thì phải gần giống sữa mẹ và pha đúng quy định để trẻ có thể hấp thu'.
Nguồn: Sohu, Mama
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!