Ngày 29-3, gần 22 giờ đêm, anh Trần Trọng Hiếu, y sĩ Bệnh viện (BV) huyện Củ Chi, cầm điện thoại vuốt màn hình để ngắm đứa con hơn 20 tháng tuổi. Hôm nay là gần một tháng anh Hiếu cùng những đồng nghiệp của mình bám trụ ở BV dã chiến Củ Chi.
'Con quên ba rồi, buồn ghê luôn chớ!'
Đầu tháng 3, nhiều y, bác sĩ cũng như anh Hiếu xung phong hoặc được cử đi đến công tác tại BV dã chiến. Đôi mắt cương nghị của nam y sĩ ánh lên vẻ tự hào.
'Được lệnh thì rất hân hạnh vì đây vừa là công việc vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân. Mình vui vẻ đi!' - anh nói.
Anh Hiếu mới lập gia đình, bé đã gọi được ba và thích đi tắm biển, chơi thú nhún… Vợ anh Hiếu ủng hộ công việc của chồng. Tuy nhiên, con còn nhỏ, nhớ ba.
'Đi gần tháng nay không gặp con, nay gọi điện thoại kêu con lại nhưng con không lại, thiệt rớt nước mắt. Mọi lần gọi điện thoại con nói nhiều lắm, nay thì như quên ba rồi, buồn ghê luôn chớ' - anh nói cùng chúng tôi về cuộc điện thoại với con vài giờ trước.
Một đồng nghiệp của anh Hiếu cho biết anh nhận công tác ở BV dã chiến được một tháng nay. Từ đó, anh không về nhà.
'Tôi hứa với con trai ở nhà là ngày mai ba về nhưng chỉ có thể đứng ở cổng nhìn con thôi. Đồ sẽ mang ra đường, ba lấy đồ và không tiếp xúc gần' - anh nói về kế hoạch thực hiện cách ly 14 ngày của mình sau khi hết công tác.
Tuy nhiên, chiều nay, một thông báo gia hạn công tác được gửi tới, anh tiếp tục ở lại. 'Vợ tôi đang làm tại BV đa khoa huyện Củ Chi cũng sắp đến công tác ở BV dã chiến' - anh cho hay.
Như để làm hòa với con sau lời hứa trở về nhưng chưa thực hiện được, anh đặt mua một chú rồng nhồi bông tặng con qua ứng dụng mua hàng trực tuyến.
BS Huỳnh Hồng Phát (BV Bệnh nhiệt đới) cho biết mình đã nhiều ngày không về nhà, nhớ vợ thì chỉ có thể gọi video, trò chuyện chốc lát vào những giờ nghỉ. Ảnh: NT
Bữa ăn vội vàng
Y sĩ Lê Thanh Trúc (BV huyện Củ Chi) cho biết mình là một trong những người xung phong đi đến BV dã chiến để công tác.
Nơi làm giờ cách nhà khoảng 5 km nhưng số lần chị về chỉ đếm trên đầu ngón tay. 'Má tôi hiện đã 80 tuổi' - chị nói lý do khi mình tạt qua thăm má trong vội vã.
20 giờ tối, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh pha vội một ly mì tôm để ăn lót dạ. Chị phân trần rằng ăn cơm nhiều ngán. Tuy nhiên, người đồng nghiệp kế bên thành thật rằng chị mải làm việc nhiều, cơm nguội ngắt, nuốt không trôi.
Chị Hạnh đặt ly mì tôm xuống nền gạch, cười đùa rằng mình làm việc nặng nhiều, tay đã có cơ bắp hơn so với trước. Một tháng nay, chị đảm nhiệm nhiều công việc không tên ở BV dã chiến.
Thực tế, bữa cơm tối được chuẩn bị khá chu tất. Tuy nhiên, nhiều y, bác sĩ bận rộn công việc nên thức ăn nguội ngắt. Họ phải chan thêm canh, nuốt vội để có sức khỏe làm việc cho ngày tiếp theo.
Một đồng nghiệp của chị Hạnh nói rằng nhiều y, bác sĩ còn có hoàn cảnh khó khăn hơn. Họ để lại cha mẹ già, con nhỏ để tập trung cho công việc. 'Mình cảm thấy như mọi người làm công tác ở đây đều chung tâm lý nếu anh sợ sệt, trốn tránh thì còn ai làm nữa. Ai cũng chạy về nhà hết thì còn ai làm những việc này' - anh nói.
Đã xung phong thì không sợ
Nói chung không sợ hãi, đã xung phong đi thì không sợ. Trong BV có nhiều chị em có gia đình, có con nhỏ vẫn đi. Chỉ nghĩ đơn giản, nước mình đang có dịch vậy thì mình đi giúp cho đồng bào mình.
Y sĩ LÊTHANH TRÚC
Không về để bảo vệ gia đình
Thực tế, nhiều y, bác sĩ vẫn có thể sắp xếp thời gian về với gia đình nhưng để đảm bảo an toàn, họ ở lại vừa để cách ly vừa làm việc. 'Ở đây chúng tôi rất kỹ nhưng chỉ cần một thao tác nào đó trong quá trình làm việc có sơ sót mà mình nhiễm lúc nào không biết rồi có thể lây cho gia đình, rất sợ. Vì công việc nên mình chấp nhận, mình đang khoác lên vai một nghĩa vụ rất cao cả' - y sĩ Trần Trọng Hiếu nói.
BS Huỳnh Hồng Phát (BV Bệnh nhiệt đới) cũng đã một tuần không về nhà. Anh nói rằng mình vừa cưới vợ được nửa năm, nhớ thì gọi video. 'Có những bác sĩ ngày làm ngày nghỉ, nếu nghỉ thì vẫn có thể về nhà. Tuy nhiên, tôi ở đây luôn vì đâu biết về nhà thì có mang mầm bệnh về hay không. Nhà còn cha mẹ, vợ và các cháu' - anh trả lời khi chúng tôi hỏi sắp xếp về thăm nhà.
'Ai cũng trông mong sao cho dịch sớm hết để có thể trở về với đơn vị; xa nhà, xa vợ con, cơ quan nhưng đây là công việc, nghề nghiệp. Có ai nói đi chống dịch mà sợ quá, tôi không đi làm đâu' - bác sĩ này nói.
Lúc chúng tôi đến, chị Dương Thị Oanh, hộ lý ở BV đa khoa Củ Chi, đang gọi điện thoại cho mẹ. Chị là một trong những người xuống BV dã chiến từ đầu tháng 3. Ở nhà, chồng và hai con gái tự lo.
Nhà cách BV dã chiến chừng 10 km, những đợt trước, khi chưa có ca dương tính thì chị Oanh sáng đi chiều về. Tuy nhiên, 'từ lúc có ca dương tính thì tôi ở hẳn đây. Nói chung tôi cũng sợ về nhà ảnh hưởng đến gia đình, bà con hàng xóm. Khi về mình cũng phải cách ly thêm 14 ngày. Chồng hiểu chuyện cũng khuyên tôi nên ở lại' - chị nói.
30 ca vừa khỏi bệnh
Ngày 30-3, trên cả nước đã có 30 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, gồm 27 bệnh nhân đã được triều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương Cơ sở Đông Anh, Hà Nội và ba bệnh nhân được điều trị tại BV dã chiến Củ Chi, TP.HCM. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được địa phương cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!