Đảo ngược toàn thân là liệu pháp được thực hiện bằng cách lộn ngược cơ thể trong vòng vài phút để giảm áp lực lên cột sống và tăng lượng lưu thông máu. Tuy nhiên, bên cạnh những ích lợi của phương pháp này thì vẫn có những rủi ro và trường hợp được khuyến cáo là không nên thực hiện chúng.
Thế nào là phương pháp đảo ngược?
Phương pháp này được thực hiện bằng cách đảo ngược toàn thân để chân đưa lên trên và đầu thì hướng xuống đất. Khi đó, lực hấp dẫn của cơ thể sẽ bị lộn ngược lại, chúng sẽ tác động lên các cơ, khớp và xương ở lưng, đồng thời giải nén cho cột sống như một thao tác xoa bóp nhẹ nhàng. Phương pháp này thực sự rất tốt cho những bệnh nhân bị đau lưng kinh niên để cải thiện tình trạng của họ.
Liệu pháp đảo ngược đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng, đặc biệt như bàn hoặc ghế và cũng có một số động tác, bài tập không cần đến sự hỗ trợ của các vật dụng này. Bạn có thể tham khảo một số trang thiết bị dưới đây:
- Bàn đảo ngược: Bạn chỉ cần nằm trên phần nệm, sau đó xoay chiếc bàn để cơ thể lộn ngược hẳn lên trời. Động tác này tương tự như khi đứng, chỉ có điều là đổi chiều lại và lưng bạn được tựa hẳn vào bàn nên an toàn hơn cho cột sống.
- Ghế đảo ngược: Cấu trúc hoạt động tương tự như bàn đảo ngược nhưng tư thế của bạn sẽ là ngồi trên ghế và thắt dây cho cơ thể tựa vào. Phương pháp này sẽ có lợi cho những ai gặp vấn đề về khớp chân vì chúng làm giảm áp lực lên bộ phận này.
Yoona cũng đã từng được Lee Hyori cho thử ghế đảo ngược.
- Giày trọng lực: Giày trọng lực sẽ cho phép bạn có thể treo ngược cơ thể lại, chỉ cần thắt chúng vào một thanh xà ngang. Sử dụng một đôi giày hỗ trợ là bạn có thể thực hiện liệu pháp đảo ngược ở bất kì đâu.
Bên cạnh đó, những bài tập yoga cũng được khuyến khích thực hiện như động tác headstand, hay còn gọi là 'trồng cây chuối'
Muôn vàn lợi ích mà liệu pháp đảo ngược mang lại cho sức khỏe
Giảm đau cột sống
Hằng ngày, chúng ta phải dùng lực tác động lên cột sống và các cơ lưng để giữ cho cơ thể thẳng đứng, khiến cột sống bị nén theo thời gian. Đây chính là tác nhân dẫn đến tình trạng đau lưng ở một số người. Phương pháp đảo ngược cơ thể giúp kéo căng và giải nén những áp lực lên bộ phận này. Do đó, thực hiện 3 - 5 phút mỗi ngày động tác này sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe cột sống và dây chằng, đồng thời giảm đau lưng hiệu quả.
Cải thiện trí não
Theo Tiến sỹ Rhonda Cohen, thuộc Đại học Middlesex chia sẻ, đảo ngược sử dụng lực hấp dẫn để tăng lưu thông máu đến não, tim và phổi sẽ giúp kích thích não bộ, gia tăng lượng máu lên não. Vì thế, các tuyến thần kinh não và hormone sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chúng còn cung cấp oxy cho não và thúc đẩy lượng carbon dioxide thải ra, nhờ đó mà tinh thần trở nên minh mẫn và cải thiện tình trạng trí nhớ.
Chống lão hóa
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi cơ thể đảo ngược thì máu sẽ dồn về phía mặt nhiều hơn, do đó các chất dinh dưỡng và oxy sẽ được bổ sung cho da. Tăng kích thích dòng máu chảy vào mặt, có nghĩa là các tế bào ở má, trán… sẽ được nuôi dưỡng. Hệ quả là da bạn sẽ trở nên mịn màng, trẻ trung hơn và giảm thiểu việc hình thành nếp nhăn.
Giảm căng thẳng
Tư thế đảo ngược này cực kỳ hữu ích nếu bạn đang lo lắng, căng thẳng và gặp nhiều áp lực. Do đảo ngược lưu lượng máu bên trong cơ thể, phối hợp thở dài và chậm nên bạn sẽ tập trung vào hơi thở và cơ thể của mình hơn. Bên cạnh đó, chúng còn kích thích tuyến yên giải phóng endorphin, hormone 'hạnh phúc' giúp cải thiện tâm trạng.
Những trường hợp 'chống chỉ định' với tư thế đảo ngược
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện phương pháp đảo ngược này bởi vì chúng chống chỉ định đối với một số trường hợp cụ thể. Khi lộn ngược sẽ làm tăng huyết áp và giảm nhịp tim nên sẽ không khuyến cáo cho những bệnh nhân mắc bệnh rối loạn tim mạch, cao huyết áp…
Bởi vì tư thế này dồn áp lực vào mắt gấp đôi bình thường nên hãy xem xét kĩ nếu bạn đang có những tình trạng về mắt như bệnh tăng nhãn áp. Phụ nữ mang thai, trong chu kì kinh nguyệt cũng không nên thực hiện tư thế đảo ngược này.
Tuy có nhiều lợi ích nhưng kèm theo đó là rủi ro nếu bạn không tuân thủ đúng kĩ thuật, vì thế hãy hỏi ý kiến của các chuyên gia, huấn luyện viên trước khi thực hiện động tác khó nhằn này nhé.
Nguồn: Healthline, Medicalnewstoday…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!