Những điều cần biết về bệnh viêm não Nhật Bản

Kỹ năng sống - 05/12/2024

Vi-rút VNNB được truyền từ hạch nước bọt muỗi qua da do muỗi đốt người.

Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?

Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh gây nên do vi-rút VNNB, lây truyền qua muỗi đốt.

Tại sao lại gọi là bệnh viêm não Nhật Bản?

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản với biểu hiện viêm não – màng não tuỷ, nhiều người mắc, tử vong rất cao.

Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên bệnh là một loài vi-rút từ đó đặt tên là vi-rút VNNB.

Năm 1938 cũng các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra vai trò truyền bệnh của loài muỗi Culex tritaeniorhynchus (Cu-lếc tri-tê-nio-rin-cút), và sau đó vào tìm ra vai trò vật chủ và ổ chứa chính của vi-rút VNNB là loài lợn và chim.

Bệnh VNNB có ở Việt Nam từ bao giờ và lưu hành như thế nào?

Ở Việt Nam, bệnh VNNB được ghi nhận đầu tiên vào năm 1952.

Năm 1959 dịch Viêm não mùa hè được xác định là do vi-rút VNNB bằng chẩn đoán huyết thanh học tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Hà Nội.

Năm 1964, lần đầu tiên vi-rút VNNB được phân lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Hà Nội, có ký hiệu HN-60.

Bệnh VNNB lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng lúa nước hoặc vùng bán sơn địa. Bệnh VNNB lưu hành tản phát theo mùa, thường từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa mưa ở Miền Bắc, đỉnh cao vào các tháng 6, 7. Hàng năm
có khoảng từ 2000 đến 3000 người mắc bệnh. Từ năm 1997 sau khi có vắc xin VNNB của chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) số mắc và chết do bệnh VNNB có chiều hướng giảm đi.

Ngoài Nhật Bản và Việt Nam, còn những nước nào thường có VNNB?

Các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippin, vùng viễn đông Liên bang Nga hàng năm đều có bệnh VNNB với số người mắc khá cao. Hầu hết các nước này có nhiệt độ cao vào mùa hè và mưa nhiều thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Chim di trú và tập quán chăn nuôi lợn theo hộ gia đình còn phổ biến đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu hành vi-rút VNNB trong tự nhiên, từ đó dẫn đến tình trạng lưu hành bệnh VNNB ở người.

Vi-rút VNNB có cấu tạo như thế nào?

Vi-rút VNNB nằm trong nhóm các vi-rút gây bệnh do côn trùng truyền, còn gọi là các vi-rút Arbo (ác-bo). Vi-rút có dạng hình cầu, đường kính trung bình 40-50 na-nô-mét, lõi được cấu tạo bởi a-xít nhân (ARN) sợi đơn, là vật liệu di truyền của vi-rút. Hạt vi-rút có vỏ bọc bên ngoài với bản chất là glyco-protein. Đó là kháng nguyên bề mặt có tính kết dính hồng cầu nên gọi là kháng nguyên ngưng kết hồng cầu, kháng nguyên này có hoạt tính kích thích sinh khánh thể trung hòa hạt vi-rút.         

Vi-rút có hướng tính cao với tế bào thần kinh, gây bệnh cho người. vi-rút có khả năng tồn tại lâu dài trong cơ thể của các động vật có xương sống, chủ yếu là lợn và chim hoang dã. Vi-rút bị diệt ở nhiệt độ cao (sau 30 phút ở nhiệt độ 56oC, sau 2 phút ở 100oC), và khi tiếp xúc với hầu hết các hoá chất khử trùng ở nồng
độ thông thường, hoặc ánh sáng mặt trời.

Quá trình gây bệnh của vi-rút VNNB trong cơ thể người như thế nào?

Vi-rút VNNB được truyền từ hạch nước bọt muỗi qua da do muỗi đốt người.

Sau khi qua da, hạt vi-rút nhân lên tại tổ chức dưới da và tại các mạch lympho vùng, di chuyển tiếp đến các hạch lympho, tuyến ức và cuối cùng vào máu, gây nhiễm vi-rút huyết của tổ chức ngoài thần kinh. Vvi-rút đến hệ thần kinh trung ương gây sung huyết, phù nề và xuất huyết vi thể ở não. Gây các tổn thương vi thể như huỷ hoại tế bào thần kinh, thoái hoá tổ chức não, viêm tắc mạch; chủ yếu xảy ra ở chất xám, não giữa và thân não dẫn đến hội chứng não cấp.

Trong quá trình nhân lên và gây bệnh, vi-rút VNNB cũng kích thích cơ thể vật chủ sinh kháng thể trong máu và dịch não tuỷ.

Những điều cần biết về bệnh viêm não Nhật Bản

Muỗi là một trong những nguồn gây viêm não Nhật Bản (ảnh minh họa)

Có mấy loại kháng thể và vai trò của mỗi loại như thế nào?

Kháng thể kháng vi-rút VNNB do cơ thể người sinh ra, sau khi nhiễm vi-rút tự nhiên (mắc bệnh), hoặc sau khi sử dụng vắc-xin VNNB. Kháng thể có bản chất là một glô-bu-lin (Ig) miễn dịch.

Có 2 lớp glô-bu-lin miễn dịch quan trọng trong bệnh VNNB là:

- Kháng thể IgM xuất hiện sớm, ngay sau khi nhiễm vi-rút và tồn tại khoảng 60 ngày, được phát hiện bằng phản ứng MAC-ELISA và có giá trị trong chẩn đoán xác định bệnh VNNB.

- Kháng thể IgG xuất hiện muộn hơn nhưng tồn tại trong một thời gian dài, có thể suốt đời, có vai trò chính trong việc bảo vệ cơ thể. Các phân tử IgG có thể truyền qua nhau thai. Khi bị nhiễm vi-rút lần 2 các phân tử IgG được tổng hợp tiếp nên hiệu giá kháng thể tăng nhanh và rất cao.

Ổ chứa của vi-rút VNNB có ở đâu?

Ổ chứa vi-rút VNNB trong thiên nhiên chính là các loài động vật có xương sống, là nơi vi-rút VNNB nhân lên, lưu giữ lâu dài và từ đó phát tán rộng.

Ổ chứa vi-rút tiên phát là một số loài động vật sống hoang dã như các loại chim, sau đó là một số loài bò sát.

Ổ chứa vi-rút thứ cấp là một số loài súc vật nuôi gần người, quan trọng nhất là lợn, sau đó là trâu, bò, dê, cừu, chó, khỉ. Bò và ngựa có thể mang vi-rút nhưng ít khi làm lây nhiễm cho con người. Cơ thể người nhiễm vi-rút VNNB cũng là một loại ổ chứa, nhưng chỉ là tạm thời do thời gian lưu giữ vi-rút rất ngắn.

Nguồn truyền nhiễm của bệnh VNNB là loài nào?

Động vật nhiễm vi-rút có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người. Nguổn tuyền nhiễm trong thiên nhiên là loài chim, trong đó có một số loài ăn quả vải quả nhãn như tu hú, liếu điếu.

Nguồn truyền nhiễm gần người là một số loài gia súc, trong đó quan trọng nhất là lợn nhà. Người bệnh có thể truyền vi-rút qua muỗi đốt, tuy nhiên trên thực tế người không có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB.

Tại sao loài lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng?

Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất, vì:

- Chỉ số lợn bị nhiễm vi-rút VNNB rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi), và số lượng lợn nuôi tại hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn có nuôi lợn).

- Sự xuất hiện vi-rút VNNB trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm vi-rút. Thời gian nhiễm vi-rút huyết ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày với số lượng vi-rút VNNB trong máu đủ để gây nhiễm cho muỗi Culex tritaeniorhynchus.

- Muỗi Cx. tritaeniorhynchus, véc-tơ chính truyền bệnh VNNB cho người, rất ưa thích hút máu lợn.

Những điều cần biết về bệnh viêm não Nhật Bản

Lợn, chim và muỗi là nguồn truyền bệnh VNNB (ảnh minh họa)

Bệnh VNNB được lây truyền theo đường nào?

Bệnh VNNB lây theo đường máu, do côn trùng (muỗi) đốt hút máu động vật nhiễm vi-rút rồi  đốt người, qua đó truyền vi-rút cho người. Muỗi truyền bệnh VNNB được gọi là véc tơ truyền bệnh. Vi-rút được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa vi-rút.

Bệnh VNNB không thể lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.

Có mấy chu trình lan truyền vi-rút VNNB?

Có 2 chu trình lan truyền vi-rút VNNB chính trong thiên nhiên:

- Chu trình chim - muỗi - chim: vi-rút VNNB được truyền từ con chim nhiễm vi-rút sang con chim lành qua các loài muỗi ưa thích hút máu chim.

- Chu trình lợn - muỗi - lợn: trong đó vi-rút VNNB được truyền từ con lợn nhiễm vi-rút sang con lợn lành qua các loài muỗi ưa thích hút máu lợn.

Giữa 2 chu trình lan truyền trong thiên nhiên có 1 chu trình lan truyền phụ, còn gọi là ngõ cụt sinh học, trong đó muỗi nhiễm vi-rút VNNB (từ chim và lợn) đốt, hút máu người và truyền vi-rút cho người lành

Tại sao muỗi có khả năng truyền bệnh VNNB?

Muỗi ưa đốt và hút máu động vật máu nóng. Chỉ có muỗi cái mới đốt hút máu do đó chỉ có muỗi cái mới có khả năng nhiễm vi-rút và truyền bệnh VNNB. Một loài muỗi có thể ưa thích đốt hút máu một loài động vật nhất định, nhưng có thể đốt hút máu nhiều loài động vật khác, trong đó có con người.

Vi-rút VNNB có khả năng sinh sản nhân lên trong cơ thể muỗi, tuy nhiên chúng không gây bệnh cho loài muỗi, do đó có thể tồn tại nhiều ngày, kéo dài thời gian truyền bệnh.

Muỗi có thể truyền vi-rút VNNB qua trứng, vì vậy bản thân muỗi cũng được coi là một loại vật chủ của vi-rút VNNB trong thiên nhiên.

(Nguồn tư liệu: Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!