Những thông tin về thuốc tránh thai luôn là mối quan tâm của chị em phụ nữ. Dưới đây là những điều bạn cần biết về công dụng trì hoãn kinh nguyệt của loại thuốc này.
Bạn có biết không, ngoài công dụng ngừa thai ngoài ý muốn, thuốc tránh thai hằng ngày còn có thể giúp bạn điều hòa kinh nguyệt không đều hoặc trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt. Hãy tìm hiểu cách uống thuốc tránh thai để có thể kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt hiệu quả trong bài viết dưới đây nhé.
Thuốc tránh thai làm chậm chu kỳ kinh nguyệt như thế nào?
Những loại thuốc tránh thai truyền thống được tạo ra để bắt chước một chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên. Một vỉ thuốc tránh thai truyền thống chứa 28 viên, nhưng chỉ có 21 viên hoạt động, chứa hormone ngăn chặn khả năng sinh sản. Bảy viên còn lại không hoạt động. Máu mà bạn nhìn thấy trong những tuần uống thuốc tránh thai không hoạt động là máu do giảm nội tiết, rất giống với máu kinh. Tuy nhiên, loại máu này không cần thiết cho sức khỏe của bạn. Đây thực sự là tin tốt nếu bạn muốn uống thuốc tránh thai và muốn kiểm soát chu kỳ của mình tốt hơn với bất kỳ lý do nào.
Nếu bạn bỏ qua những viên thuốc không hoạt động và bắt đầu những viên hoạt động mới ngay lập tức, quá trình chảy máu này sẽ không diễn ra.
Tại sao nhiều chị em phụ nữ lại muốn trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt bằng thuốc tránh thai?
Hoãn kinh có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng kinh nguyệt. Nhiều người muốn hoãn kinh trong thời gian dài (thậm chí trong nhiều năm) vì những lý do sau:
- Vì một nguyên nhân nào đó khiến bạn khó sử dụng băng vệ sinh;
- Nếu bạn mắc một số bệnh cụ thể mà kinh nguyệt có thể làm nó nặng hơn, ví dụ như bệnh lạc nội mạc tử cung, thiếu máu, hen suyễn, đau nửa đầu hoặc động kinh;
- Đau ngực, đầy hơi hoặc tâm trạng thay đổi từ 7 đến 10 ngày trước kỳ kinh nguyệt. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch nào đó của bạn;
- Đau đầu hay các triệu chứng kinh nguyệt trong suốt thời gian uống thuốc tránh thai không hoạt động;
- Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể kéo dài và đau đớn.
Ngoài ra, một số người muốn hoãn kinh ngắn hạn vì việc hành kinh đôi khi rất bất tiện. Bạn có thể sẽ muốn dời lại ngày “đèn đỏ” của mình để không ảnh hưởng đến một kỳ thi quan trọng, cuộc thi chạy điền kinh, kỳ nghỉ hay dịp đặc biệt như đám cưới hay tuần trăng mật.
Hoãn chu kỳ kinh nguyệt bằng thuốc tránh thai có an toàn cho mọi phụ nữ không?
Nếu bác sĩ nói bạn có thể dùng thuốc tránh thai, thì việc dùng nó để hoãn chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ an toàn cho bạn. Không phải bác sĩ nào cũng nghĩ rằng việc hoãn kinh là một ý kiến tốt, do đó họ sẽ không đề cập đến vấn đề này nếu bạn không nhắc đến. Nếu bạn muốn thử hoãn kinh, bạn nên có sự hướng dẫn cụ thể, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để chọn ra phương pháp hiệu quả nhất cho bạn.
Hạn chế của việc hoãn chu kỳ kinh nguyệt bằng thuốc tránh thai là gì?
Chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt rất phổ biến khi bạn sử dụng thuốc tránh thai để hoãn hay chặn chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt ở vài tháng đầu tiên. Chảy máu giữa chu kỳ thường sẽ giảm qua thời gian, tuy nhiên điều này chỉ xảy ra khi cơ thể bạn điều chỉnh theo một phác đồ mới.
Một hạn chế nữa của việc trì hoãn chu kỳ thường xuyên là bạn khó xác định mình có đang mang thai hay không. Nếu bạn ốm nghén, đau ngực hay mệt mỏi bất thường, bạn nên mua que thử thai hay khám bác sĩ để có kết quả chính xác.
Bạn nên làm gì khi bị chảy máu bất thường giữa kỳ kinh nguyệt?
Chảy máu bất thường giữa chu kỳ thường giảm theo thời gian, nhưng bạn cũng phải thực hiện những điều sau đây:
- Uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn: ra máu giữa chu kỳ không phải là dấu hiệu của việc thuốc không phát huy tác dụng. Nếu bạn uống thiếu một viên thuốc cũng có thể làm chảy máu giữa chu kỳ dễ xảy ra hơn. Nếu bạn ngưng uống thuốc, bạn có nguy cơ mang thai ngoài kế hoạch đấy;
- Theo dõi ra máu giữa chu kỳ bằng lịch hoặc nhật ký: theo dõi cẩn thận chu kỳ kinh nguyệt để đảm bảo rằng chảy máu giữa chu kỳ đang thuyên giảm;
- Tham khảo bác sĩ về việc ngưng uống thuốc trong thời gian ngắn: nếu bạn đã uống thuốc tránh thai ít nhất trong 21 ngày, bác sĩ có thể khuyên bạn ngừng uống trong vòng 3 ngày để cho phép bạn chảy máu tương tự như kinh nguyệt tự nhiên và sau đó tiếp tục uống thuốc trở lại trong ít nhất 21 ngày;
- Nếu bạn hút thuốc, hãy nhờ bác sĩ giúp bạn cai thuốc. Phụ nữ hút thuốc sẽ có nguy cơ chảy máu giữa chu kỳ nhiều hơn những người không hút.
Nếu những gợi ý trên không hữu dụng hoặc bạn bị chảy máu giữa chu kỳ nặng hơn hay kéo dài hơn 7 ngày, bạn nên đến bệnh viện khám.
Như vậy, thuốc tránh thai cũng là một trong những cách hiệu quả và an toàn giúp bạn kiểm soát ngày “đèn đỏ” của mình tốt hơn. Tuy nhiên, hãy liên hệ với bác sĩ trước khi dùng thuốc hay khi gặp các tác dụng phụ không mong muốn bạn nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 9 sự thật bất ngờ ít ai biết về chu kỳ kinh nguyệt
- Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có bình thường hay không?
- 10 biểu hiện thường gặp khi ngưng dùng thuốc tránh thai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!