Những điều cần biết về ung thư máu

Kỹ năng sống - 04/26/2024

Bạn không nên quyết định có thai trong giai đoạn hóa trị vì ít nhiều chất lượng tinh trùng cũng bị ảnh hưởng.

Ung thư máu là gì?

Căn bệnh này là hiện tượng bạch cầu trong trong cơ thể người tăng đột biến.

Bạch cầu trong cơ thể vốn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khi, loại tế bào này bị tăng số lượng một cách đột biến sẽ làm chúng thiếu 'thức ăn'  và có hiện tượng ăn hồng cầu. Hồng cầu sẽ bị phá hủy dần dần, vì vậy người bệnh sẽ có dấu hiệu bị thiếu máu dẫn đến tử vong.

Đây cũng là căn bệnh ung thư duy nhất không tạo ra u (ung bướu).

Các thể bệnh ung thư máu

Bệnh bạch cầu được chia thành các nhóm khác nhau theo sự tiến triển của bệnh:

- Bệnh bạch cầu mạn: Là thể bệnh có tiến triển chậm, có thể kéo dài nhiều năm, nhất là nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách. Lúc đầu bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì.

Bệnh thường được phát hiện qua khám định kỳ trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Dần dần, các tế bào bạch cầu ác tính trở nên tồi tệ hơn.

Khi số lượng các tế bào ác tính tăng sinh trong máu, các triệu chứng xuất hiện như: nổi hạch hay nhiễm khuẩn. Lúc đầu các triệu chứng còn ở thể nhẹ sau đó trở nên nặng nề hơn.

- Bệnh bạch cầu cấp: Là thể bệnh ác tính hơn, tiến triển nhanh. Ngay khi bệnh bắt đầu, tế bào bệnh bạch cầu không thể thực hiện được vai trò của tế bào bình thường. Số lượng tế bào bạch cầu ác tính phát triển rất nhanh.

Sau đây, ThS Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, sẽ giải đáp những thắc mắc của bệnh nhân về bệnh này.

Câu hỏi 1: Xin hỏi Bác sĩ của SongKhoe.vn: Nếu bé bị ung thư máu đang hóa trị mà em cho bé uống thuốc Bắc bổ máu được không?

Những điều cần biết về ung thư máu

Ảnh minh họa

Trả lời:

Các thuốc chống ung thư có thể làm chết các tế bào máu ngoại biên trong đó có hồng cầu nên thường gây nên thiếu máu. Thiếu máu thường xảy ra sau nhiều đợt hóa trị.

Trong quá trình điều trị, tùy theo mức hemoglobin của trẻ mà bác sĩ sẽ cho điều trị kèm theo để điều trị thiếu máu.

Trường hợp nhẹ bác sĩ có thể sẽ cho trẻ dùng các thuốc kích thích tăng trưởng hồng cầu (epoetin alfa, bêta, darbepoetin alfa), sulfate sắt. Sử dụng thuốc pemetrexed phải dùng kèm với vitamin B và axít folic.

Trường hợp thiếu máu nặng phải điều trị bằng truyền khối hồng cầu. Việc điều trị thiếu máu phải luôn duy trì Hb của trẻ ở mức 10-12g/dl.

Như vậy bạn không phải lo lắng tự ý dùng thuốc. Trong trường hợp cần thiết bạn cần trao đổi với bác sĩ đang điều trị cho bé để được tư vấn cụ thể theo tình trạng của bé.

Câu hỏi 2: Chào Bác sĩ! Em năm nay 30 tuổi, mới phát hiện bị ung thư máu cấp tính từ tháng 4 nhưng do em thay van tim nhân tạo nên không điều trị hóa chất mà chỉ truyền máu và uống thuốc. Vậy em muốn hỏi bệnh của em có thể sống được bao lâu?

Trả lời:

Trước tiên xin chia sẻ với bạn những nỗi niềm về bệnh tật. Không rõ bạn có chẩn đoán ung thư máu (tôi đoán là bệnh bạch cầu cấp) dòng tủy hay dòng lympho, mỗi thể bệnh có phác đồ điều trị và tiên lượng riêng.

Bên cạnh đó, van tim nhân tạo của bạn được thay thế van tim nào, đã hoạt động được bao lâu, diễn biến từ sau khi thay van đến nay ra sao... Vì không có những thông tin này nên rất khó có thể tư vấn cụ thể.

Bạn đã có chẩn đoán bệnh, tôi tin là các bác sĩ chuyên khoa huyết học sẽ có hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để lựa chọn một biện pháp điều trị thích hợp cho bạn. Điều quan trọng bây giờ là bạn cần bình tĩnh, tránh lo âu, buồn phiền mà nên giữ cho mình một tinh thần lạc quan, phối hợp tốt với các bác sĩ chữa bệnh.

Điều này sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, chống lại bệnh tật.

Câu hỏi 3:  Bạn trai em bị ung thư máu thể L1 đã điều trị hoá chất 1 đợt (4 tuần) theo phác đồ điều trị 7 lần truyền hóa chất. Em muốn hỏi: hiện tại chúng em có phải kiêng quan hệ tình dục hay không? Nếu không thì có thể kết hôn và có thai luôn được không? Hóa chất truyền 1 đợt có ảnh hưởng làm biến dạng thai nhi không ạ? Nếu chưa có thai ngay được thì khả năng sinh sản sau này của bạn trai em có còn không ạ?

Những điều cần biết về ung thư máu

Ảnh minh họa

Trả lời:

Theo tôi bạn không cần kiêng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bạn không nên có quyết định có thai trong giai đoạn này vì ít nhiều chất lượng tinh trùng cũng bị ảnh hưởng. Hoá chất sẽ được đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể sau 6 tháng ngừng truyền. Chúc hai bạn hạnh phúc!

Câu hỏi 4:  Em tôi năm nay 35 tuổi, quê Tiền Giang, bị ung thư máu (dạng bạch cầu cao), đang điều trị tại BV Truyền máu - Huyết học TP HCM đã hơn 3 năm. Đang tham gia chương trình cấp thuốc miễn phí của hãng dược Novatis của Mỹ. Tôi hỏi bác sĩ về tình trạng bệnh em tôi nhưng không có thông tin về tiến triển bệnh như thế nào. Xin hỏi bác sĩ của SongKhoe.vn:

1. Nếu em tôi ghép tủy thì bệnh có hết hẳn không?

2. Chi phí ghép tủy là bao nhiêu? Hiện nay bảo hiểm trả bao nhiêu % đối với trường hợp ghép tủy của em tôi?

3. Nếu em tôi ra Hà Nội xin đăng ký ghép tủy thì khoảng bao lâu được ghép?

Trả lời:

Đối với bệnh lơ-xê-mi kinh dòng hạt (bệnh bạch cầu mạn) thì ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy) được chỉ định nếu điều trị bằng thuốc Glivec (thuốc do công ty Novartis sản xuất) thất bại (không đạt lui bệnh hoàn toàn về tế bào di truyền hoặc lui bệnh mức độ phân tử sau 2 năm).

Cần tư vấn thêm với bác sĩ điều trị trực tiếp để thảo luận chi tiết. Chi phí ghép tế bào gốc tạo máu tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ vào khoảng 500-600 triệu đồng, trong đó Bảo hiểm y tế chi trả 60%. Thời gian ghép tủy phụ thuộc còn tùy thuộc vào việc có tìm được người hiến tế bào gốc phù hợp không.

 

SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!