Bệnh này có tính đặc thù khu vực, tỷ lệ mắc cao nhất ở miền Nam Trung Quốc. Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ mắc trung bình. Nguyên nhân ung thư vòm họng cho tới nay chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, ba yếu tố nguy cơ chính là virus Epstein-Barr, di truyền và môi trường.
Do vị trí nằm sâu nên ung thư vòm họng thường khó phát hiện sớm, các dấu hiệu của bệnh thường lẫn với các triệu chứng của cơ quan khác. Chính vì vậy, bệnh nhân thường đến viện muộn hoặc đã được điều trị ở những chuyên khoa khác như tai mũi họng, mắt, thần kinh.
Chẩn đoán ung thư vòm họng dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, soi vòm, chụp phim, chẩn đoán tế bào học và mô bệnh học.
Điều trị bằng tia xạ là phương pháp chủ yếu được áp dụng trong ung thư vòm họng. Đối với bệnh giai đoạn sớm, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm đạt trên 90%. Phương pháp điều trị mới là xạ trị kết với hoá chất, đặc biệt là hoá xạ trị đồng thời.
Khói bụi ô nhiễm có nguy cơ gây ung thư vòm họng (Ảnh: internet)
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố môi trường: Nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hoá chất (đặc biệt là các hydrocacbon thơm), ăn nhiều cá muối và các thức ăn lên men (dưa, trứng, các loại củ) được xem là những yếu tố nguy cơ cao gây bệnh ung thư vòm mũi họng.
Virus Epstein - Barr: Gen của vi-rút Epstein - Barr cũng được tìm thấy trong bệnh phẩm sinh thiết từ khối u vòm họng.
Thuốc lá, rượu cũng được xem là yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh này.
Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu về di truyền học gần đây cho thấy có liên quan giữa mất gen ức chế u ở những bệnh nhân ung thư vòm họng.
Triệu chứng
Các dấu hiệu sớm: Bệnh nhân thường không để ý và hay nhầm với các bệnh viêm mũi xoang. Người bệnh có thể bị đau đầu, ngạt mũi thoáng qua. Các triệu chứng thường xảy ra ở một bên. Đôi khi có xuất hiện hạch cổ ngay từ đầu, hạch nhỏ không đau.
Không nên coi thường khi lên hạch ở họng, cổ (Ảnh: internet)
Các dấu hiệu muộn: Thường có sau 6 tháng kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, thường do khối u phát triển tại chỗ hoặc xâm lấn gây ra. Trong đó, triệu chứng hạch cổ phổ biến nhất là vị trí hạch cổ cao, đặc biệt là hạch cổ sau trên.
Triệu chứng mũi: Ngạt tắc mũi, chảy máu mũi hay xì ra nhày lẫn máu do u lớn gây bít tắc hoặc do hoại tử u.
Triệu chứng tai: Phổ biến nhất là mất nghe một bên do u làm tắc vòi Eustachio dẫn tới viêm tai thanh dịch. Sự mất chức năng của vòi eustachio có thể là kết quả từ sự xâm lấn các cơ nuốt hoặc liệt các cơ mở họng.
Triệu chứng mắt: Vào giai đoạn muộn khi u xâm lấn rộng sẽ gây chèn ép làm tổn thương dây thần kinh chi phối vận động mắt, khi đó bệnh nhân có biểu hiện lác, nhìn đôi, sụp mi, giảm hoặc mất thị lực.
Chẩn đoán
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, soi vòm họng, khám hạch kết hợp với các xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học tại vòm hoặc tại hạch.
Tại Việt Nam, phần lớn các trường hợp ung thư vòm mũi họng được chẩn đoán ở giai đoạn muộn sau khi có triệu chứng đầu tiên từ 6 tháng đến một năm.
Điều trị
Xạ trị
Đối với ung thư vòm họng giai đoạn sớm, xạ trị vẫn là biện pháp quan trọng nhất, có thể chữa khỏi với tỷ lệ sống thêm 5 năm toàn bộ đạt tới 97 -100%.
Đối với ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển tại chỗ thì xạ trị đơn thuần cho thấy tỷ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, thời gian sống thêm 5 năm thấp từ 10% đến 40%.
Phẫu thuật
Do vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu chật hẹp nên phẫu thuật không có vai trò chính trong điều trị triệt căn mà chỉ áp dụng để sinh thiết hạch chẩn đoán mô bệnh học hoặc lấy hạch còn lại sau khi xạ trị.
Hoá trị
Trước đây hoá trị chỉ áp dụng điều trị bệnh ung thư vòm mũi họng khi đã có di căn xa hoặc tái phát mà xạ trị không còn khả năng kiểm soát.
Xu hướng mới hiện nay là hoá - xạ trị kết hợp đối với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển ở những vùng gồm: điều trị hoá chất tân bổ trợ, điều trị hoá chất bổ trợ và điều trị hoá chất xen kẽ trong thời gian xạ trị.
Phòng bệnh
- Điều trị sớm những viêm nhiễm đường mũi họng.
- Không hút thuốc lá.
- Hạn chế uống rượu.
- Không cá muối và các thức ăn lên men (dưa, cà muối...)
- Khi thấy các dấu hiệu nhức đầu, xì mũi máu, ù tai, hạch cổ to cần khám tai mũi họng, soi vòm để phát hiện sớm.
>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh ung thư vòm họng
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!