Nếu bạn thường xuyên sử dụng nước súc miệng, bạn nên biết một số mẹo nhỏ nên và không nên làm trong khi dùng loại sản phẩm này. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!
Nước súc miệng là gì?
Mark Wolff – một bác sĩ nha khoa, đồng thời là chủ nhiệm khoa răng miệng tại Đại học Nha khoa New York nói rằng: “Hiện nay, nước súc miệng không chỉ có tác dụng như một loại nước giúp khử mùi, mang lại hơi thở thơm mát mà còn giúp giảm thiểu tình trạng viêm nướu, sâu răng, vôi răng và mảng bám. Đồng thời, nước súc miệng còn có tác dụng cải thiện tình trạng răng ố vàng và làm trắng răng”.
Bạn có nên dùng nước súc miệng hay không?
Nước súc miệng không phải là sản phẩm có thể thay thế cho bàn chải và chỉ nha khoa. Việc sử dụng kết hợp nước súc miệng sẽ giúp bảo vệ răng miệng khỏi nguy cơ bị sâu răng và mắc bệnh nướu răng. Cụ thể hơn, loại nước súc miệng chứa fluoride có thể giúp ngăn ngừa bệnh sâu răng.
Bên cạnh đó, nước súc miệng còn góp phần trong chế độ chăm sóc sức khỏe răng miệng hằng ngày (cùng bàn chải và chỉ nha khoa), đồng thời giúp giảm thiểu các vấn đề sức khỏe mà bạn đang đối mặt. Hãy lưu ý rằng, chỉ với việc súc miệng trong vòng 2 phút bằng loại nước súc làm trắng răng, bạn sẽ không thể có hàm răng trắng sáng ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu bạn tập thói quen chải răng đều đặn mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám, đồng thời dùng thêm nước súc miệng diệt khuẩn, bạn sẽ dần sở hữu nụ cười trắng sáng.
Tuy nhiên, nước súc miệng không có tác dụng chữa trị các vấn đề răng miệng nghiêm trọng. Chẳng hạn như nếu bạn thường xuyên bị chảy máu nướu răng hoặc hơi thở có mùi khó chịu, tốt hơn hết là bạn nên đến gặp nha sĩ. Bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn dùng một loại nước súc miệng có nồng độ mạnh hơn các loại có bán sẵn trong siêu thị và nhà thuốc.
Các thành phần chứa trong nước súc miệng
Các loại nước súc miệng thường chứa một hoặc vài trong những thành phần sau đây:
- Fluoride – giúp giảm bớt và ngăn ngừa tình trạng sâu răng
- Chất kháng vi sinh vật – giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn gây viêm nướu, hình thành mảng bám và làm cho hơi thở có mùi
- Muối astringent – một loại chất khử mùi có hiệu quả giúp loại bỏ mùi hơi thở tạm thời
- Chất trung hòa mùi (Odor neutralizer) – giúp tấn công và vô hiệu hóa các vi khuẩn gây mùi hơi thở khó chịu
- Chất làm trắng – như peroxide – giúp ngăn ngừa tình trạng ố vàng trên răng.
Làm thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu khi sử dụng nước súc miệng?
Mỗi loại sản phẩm đều có nhãn hướng dẫn sử dụng riêng, tuy nhiên đây là vài mách nhỏ giúp bạn có thể sử dụng nước súc miệng đúng cách.
Bạn nên súc miệng khi nào?
Bạn có thể súc miệng trước hoặc sau khi chải răng và dùng chỉ nha khoa.
Bạn nên súc miệng trong thời gian bao lâu?
Hãy súc miệng trong vòng từ 30–60 giây. Việc súc miệng trong khoảng thời gian ít hơn 30 giây không đủ mang lại hiệu quả diệt khuẩn. Ngược lại, việc súc miệng trong hơn 60 giây lại có tác dụng tẩy sạch quá mức, có thể gây hại cho răng.
Đến khi nào bạn có thể nhận thấy hiệu quả?
Bạn cần phải kiên trì thực hiện thói quen này mỗi ngày. Nếu nước súc miệng của bạn có chứa thành phần giúp làm trắng răng hoặc ngăn ngừa tình trạng chảy máu nướu, bạn có thể sẽ nhận thấy hiệu quả của sản phẩm sau vài tuần sử dụng.
Hãy dùng nước súc miệng kết hợp với việc chải răng và dùng chỉ nha khoa để có nụ cười tự tin bạn nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 7 cách chăm sóc răng miệng cho nụ cười tỏa nắng
- Có nên sử dụng chỉ nha khoa hay không?
- Bạn nên thay bàn chải đánh răng ít nhất 3 tháng 1 lần
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!