Những lợi ích của sắn dây đối với sức khỏe

Dinh dưỡng - 04/25/2024

Sắn dây là một loại thuốc tốt có nhiều lợi ích cho sức khỏe như thanh nhiệt, giải độc, giảm các triệu chứng đau bụng, chóng mặt, buồn nôn,…

Từ xa xưa, Đông y đã xem sắn dây là một loại thuốc tốt mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như thanh nhiệt, giải độc, có khả năng làm giảm các triệu chứng đau bụng, chóng mặt, buồn nôn… Tuy nhiên, sắn dây còn có những công dụng đặc biệt khác mà chưa hẳn bạn đã biết. Hãy cùng tìm hiểu lợi ích của sắn dây bạn nhé.

Sắn dây thuộc loài cây leo. Rễ, hoa và lá của cây được dùng làm thuốc. Sắn dây được sử dụng trong Đông y từ năm 200 trước Công nguyên. Ngay từ năm 600 sau Công nguyên, sắn dây đã được dùng trong việc điều trị nghiện rượu.

Các thành phần hoạt tính

Sắn dây chứa nhiều hóa chất thực vật là các hợp chất chống oxy hóa mạnh được tìm thấy trong thực vật một cách tự nhiên, giúp ngăn ngừa và điều trị một số căn bệnh.

Sắn dây chứa quercetin thực vật, có đặc tính kháng histamine và kháng viêm. Genistein trong sắn dây hoạt động như một chất thu dọn gốc tự do. Tuy nhiên, hóa chất thực vật quan trọng nhất là các hợp chất isoflavone-daidzein, daidzin, tectorigenin và puerarin.

Những công dụng tiêu biểu của sắn dây

Nhờ sắn dây có chứa hợp chất isoflavones nên các thầy thuốc Đông y sử dụng loại củ này để làm giảm những cơn đau đầu và đau nửa đầu, nhức mỏi mắt, chóng mặt, ù tai và cứng cổ. Sắn dây cũng dùng trong điều trị cảm lạnh, cúm, viêm xoang, sốt, bệnh vẩy nến và các vấn đề về dạ dày−ruột; cũng như làm giảm lượng đường huyết, giúp điều trị bệnh tiểu đường. Việc sử dụng sắn dây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian chứ không dựa trên bằng chứng khoa học nào.

Ngoài ra, bạn có thể bất ngờ với những lợi ích khác từ sắn dây dưới đây:

Ngăn ngừa bệnh ung thư và sự mãn kinh

Viện ung thư Memorial Sloan-Kettering cho rằng các nhà khoa học cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi đưa ra kết quả chính thức, nhưng isoflavone tectaorigenin được tìm thấy trong sắn dây có thể giúp ngăn chặn sự tái tạo cũng như gia tăng của các tế bào ung thư và các khối u, do đó giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư. Nhờ có isoflavone pueraria trong sắn dây mà sắn dây có thể giúp điều trị các triệu chứng mãn kinh và tiền mãn kinh, chẳng hạn như nóng trong người hay đổ mồ hôi vào ban đêm.

Giúp bạn giảm chứng nghiện rượu

Các isoflavone được tìm thấy trong chiết xuất từ rễ sắn dây cũng được dùng để điều trị các rối loạn liên quan đến rượu. Sắn dây có tác dụng đối với chứng nghiện rượu bởi nó giúp đẩy lùi những cơn thèm rượu và hạn chế việc uống rượu. Sắn dây cũng giúp rút ngắn thời gian ngủ do rượu gây ra và làm giảm độ cồn tối đa. Thêm vào đó, sắn dây cũng giúp giảm thiểu những tác động sau cơn say, chẳng hạn như nhức đầu, chóng mặt, xót ruột và buồn nôn.

Những lợi ích về tim mạch

Sắn dây cũng giúp tăng cường sức khỏe hệ tim mạch theo nhiều cách khác nhau. “Cẩm nang hướng dẫn những liệu pháp chữa trị bằng thảo dược” cho biết hợp chất isoflavone trong sắn dây có khả năng làm giảm mức cholesterol, hạ huyết áp, ngăn máu trở nên kết dính, tích tụ và hình thành nên các cục máu đông. Thêm vào đó, chiết xuất từ sắn dây giúp làm giãn mạch máu, tăng oxy cũng như tăng lưu lượng máu đến tim và não, đôi khi sắn dây cũng được dùng trong điều trị chứng đau thắt ngực.

Liều dùng và những điều nên thận trọng

Sắn dây được bán dưới dạng viên nang, viên nén hay dưới dạng chiết xuất. Lượng dùng được khuyến cáo từ 120 đến 150 mg mỗi ngày. Các nhà khoa học chưa tìm ra các phản ứng có hại nhưng sắn dây có thể tác động tiêu cực với một loạt các loại thuốc, bao gồm cả thuốc hạ huyết áp và chống đông máu. Sắn dây cũng tác động lên estrogen và có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc tránh thai nội tiết. Những người mắc các bệnh ung thư mang hormone nhạy cảm nên tránh sử dụng sắn dây.

Hy vọng Hello Bacsi đã mang đến cho bạn những thông tin bổ ích về công dụng của cây sắn dây và giúp bạn sử dụng bài thuốc này một cách hiệu quả.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Lợi ích bất ngờ từ bột sắn dây dành cho mẹ bầu
  • 6 lời khuyên từ chuyên gia tim mạch nổi tiếng
  • Mãn kinh nam và những dấu hiệu bạn cần biết
  • Thuốc tránh thai có làm chị em giảm ham muốn?
  • Những điều cần biết về nghiện rượu

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!