1. Không nên ăn bánh chưng nếu…
… Bạn đang kiêng đồ nếp
Điều này là hiển nhiên. Thành phần chủ yếu của bánh chưng chính là gạo nếp. Do đó, nếu đang kiêng đồ nếp thì hãy tránh xa món ăn này.
… bị bệnh thận
Theo BS CKII, Đinh Thị Kim Liên (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai), bánh chưng nhiều chất béo do được làm từ thịt (mỡ). Người mắc bệnh thận thường bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu nên tốt nhất hãy hạn chế ăn bánh chưng. Nếu quá thèm thì chỉ ăn phần vỏ bánh, tránh phần nhân.
… bị béo phì
Người béo phì cần tránh thực phẩm giàu tinh bột và chất béo, mà bánh chưng lại là một món ăn ‘hội đủ’ các yếu tố này. Đặc biệt, món bánh chưng rán còn ‘nguy hiểm’ gấp nhiều lần, người thừa cân cần tránh càng xa càng tốt.
Món ăn đi kèm với bánh chưng là dưa cà nhiều muối cũng không được khuyến khích với người béo phì.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết (ảnh minh họa: Internet)
… bị đau dạ dày
Thực phẩm càng nhiều dinh dưỡng thì càng cần nhiều thời gian để tiêu hóa. Nếu ăn bánh chưng, dạ dày sẽ phải làm việc hết công suất. Việc này đối với người bị đau dạ dày sẽ là điều khó khăn và không tốt cho sức khỏe.
… mắc cao huyết áp, bệnh tim mạch
Ăn thực phẩm quá nhiều chất béo khiến tăng hàm lượng cholesterol trong máu, đồng nghĩa với tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
… người bị trào ngược dạ dày thực quản
Theo BSCKII. Vũ Thị Lừu – Chuyên khoa Nội – Tiêu hóa – Bệnh viện E, gạo nếp thường chắc hơn gạo tẻ do cấu tạo dạng nhánh, trong khi gạo tẻ dạng sợi, nên sẽ khó tiêu hóa hơn, no lâu, thậm chí làm nặng thêm tình trạng ợ chua.
2. Ai cần tránh xa giò chả
Đó là khi bạn đang mang bầu: Giò chả là thực phẩm nguội, có thể gây lạnh bụng với những người cơ địa không tốt, như phụ nữ mang thai. Do đó, nếu muốn ăn giò chả, hãy hâm nóng lại.
Bên cạnh đó, nhiều người cho hàn the vào giò chả vì lợi nhuận. Tốt nhất là ăn giò chả đảm bảo chất lượng hoặc tự làm tại nhà.
3. Măng
Bát canh măng chính là phần không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Nhưng một số người không nên ăn nhiều món này.
Người bị sỏi thận: Axit oxalic trong măng khi kết hợp với canxi trong cơ thể dễ dẫn đến lắng tụ và gây sỏi thận. Người bị sỏi thận ăn món này sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn.
Người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Theo Đông y, măng có tính hàn, khó tiêu nên không phù hợp với người mắc bệnh về tiêu hóa, đặc biệt là bị viêm loét dạ dày.
Trẻ em đang phát triển. Theo trang Newsmedical (Australia), axit oxalic trong măng ngăn cản sự hấp thụ canxi và kẽm của cơ thể. Do đó, nếu ăn nhiều măng, trẻ có thể thiếu dưỡng chất và chậm phát triển.
Ngoài ra, cần chú ý nhận biết các loại măng tươi có chứa chất vàng ô hoặc hóa chất gây ung thư nguy hiểm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!