Những sai lầm trong chăm sóc con mắc bệnh sởi

Nuôi dạy con - 04/29/2024

Hàng năm, bệnh sởi chủ yếu bùng phát vào mùa Đông - Xuân nhưng năm nay lại lây lan mạnh vào mùa hè.

Theo thông tin của Sở Y tế TP.HCM cho biết, chỉ trong 3 tuần cuối của tháng 8, Bệnh viện Nhi đồng 2 - TP.HCM phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban, trong đó, có 15 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với Sởi.

Đối tượng mắc sởi chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (69%), trong đó nhóm dưới 1 tuổi tỉ lệ cao nhất. Đa số trẻ nhiễm bệnh đều chưa được tiêm ngừa vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ. Bệnh lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do vi-rút có trong các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra không khí.

1. Tại sao trẻ dễ bị mắc bệnh sởi?

Những sai lầm trong chăm sóc con mắc bệnh sởi

Đa số trẻ nhiễm bệnh đều chưa được tiêm ngừa vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ. (Ảnh minh họa: Internet)

Nguyên nhân chủ yếu là thiếu kháng thể chống lại vi-rút sởi. Khi trẻ mới sinh ra cho đến tháng thứ 8 - 9, trẻ được mẹ truyền kháng thể chống sởi, nhưng sau đó, lượng kháng thể chống sởi do mẹ truyền sẽ giảm xuống nhanh chóng, nếu gặp vi-rút sởi, trẻ sẽ bị bệnh.

Khi trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm vi-rút sởi khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Bệnh dễ lây lan thành dịch ở những khu vực đông người như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, khu đông dân cư…

2. Triệu chứng của bệnh sởi

Sởi thường kéo dài 7–10 ngày. Trẻ mắc bệnh thường sốt cao 39 - 40 độ C, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt, bỏ ăn. Người lớn và trẻ lớn triệu chứng sẽ rõ ràng hơn, kèm theo đau đầu, đau cơ.

Phát ban xuất hiện sau 4–5 ngày sốt, ho. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính khoảng 1-2 mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Ban mọc theo thứ tự từ sau tai, mặt, thân và lan dần xuống chân.

Sau khi mọc ban, người bệnh còn ho và sốt cao cho đến khi ban lan đến chân. Sau đó sốt sẽ giảm, ban bay dần theo thứ tự mọc và để lại vết thâm da kéo dài nhiều tuần.

3. Biến chứng của bệnh sởi

Ngay sau khi mắc sởi, sức đề kháng của trẻ giảm một cách đáng kể, thường gặp biến chứng như viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy phân có máu, viêm tai giữa gây chảy mủ tai và đặc biệt là gây suy dinh dưỡng, còi cọc lâu dài. Người lớn và trẻ lớn mắc bệnh sởi có thể bị biến chứng viêm não, viêm cơ tim. Phụ nữ mang thai mắc sởi có thể gây sẩy thai hay gây dị tật cho thai nhi.

4. Việc cần làm khi phát hiện trẻ bị sởi

Nếu thấy trẻ ho dai dẳng, sốt cao 39 - 40 độ trong 2 ngày thì khả năng trẻ đã bị mắc sởi, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

Hiện nay, bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bệnh này có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt (nếu có sốt), thuốc giảm ho, nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu. Cần theo dõi nhịp thở của bệnh nhi, nếu thấy thở nhanh, gấp hoặc kèm theo co giật thì phải mang đến cơ sở y tế địa phương để theo dõi, xử lý kịp thời.

Chú ý:Tăng cường dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để phòng suy dinh dưỡng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan cho cộng đồng.

5. Quan niệm sai lầm về chăm sóc bệnh sởi cha mẹ nên tránh

Những sai lầm trong chăm sóc con mắc bệnh sởi

Nên giữ cơ thể trẻ được sạch sẽ đề phòng nhiễm trùng. (Ảnh minh họa: Internet)

- Quan niệm sai lầm: Cha mẹ thường kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể. Khi trùm kín khiến trẻ khó hạ sốt, có thể dẫn đến co giật do sốt cao. Bên cạnh đó nếu không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu, tăng nguy cơ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý không nên để trẻ bị quá lạnh.

- Áp dụng các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng hiệu quả: Khi trẻ bị bệnh, nhiều phụ huynh vì lo sợ nên sử dụng các phương pháp chữa bệnh dân gian truyền miệng bằng cỏ, cây, hoa, lá chưa được chứng minh hiệu quả thì nguy cơ gây nhiễm trùng, ngộ độc rất dễ xảy ra.

- Không chú ý vệ sinh nơi ở càng khiến tình trạng sởi trở nên trầm trọng hơn:Theo khuyến cáo, khi phát hiện một người nào đó mắc bệnh sởi, gia đình nên cách ly, đồng thời làm vệ sinh sạch sẽ môi trường sinh sống và giữ cho nơi ở luôn thông thoáng.

- Kiêng ăn uống nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng vì sợ người bệnh khó tiêu: Theo lời khuyên bác sĩ không nên kiêng vì khi trẻ bị sốt phát ban thường kèm chán ăn, nếu kiêng ăn trẻ dễ bị suy dinh dưỡng và biến chứng sởi. Vì vậy, khi trẻ mắc bệnh cần tăng lượng thức ăn giàu dinh dưỡng và chia thành nhiều bữa, ăn thực phẩm dễ tiêu hóa.

- Nghĩ rằng bệnh sởi lây qua tiếp xúc da ở những nốt nổi ban:Thực tế bệnh này chủ yếu lây qua đường hô hấp. Khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện làm bắn những giọt dịch tiết ra ngoài rồi khuếch tán trong không khí, người lành hít vào sẽ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, những người chăm sóc bệnh nhân sởi hoặc có tiếp xúc với mầm bệnh mà không rửa tay diệt khuẩn sạch cũng có thể làm lây lan vi-rút sang người khác. Rất ít gặp trường hợp lây gián tiếp qua tiếp xúc ngoài da.

- Chủ quan, không tiêm phòng cho trẻ nhỏ:Nhiều phụ huynh không tiêm chủng cho con từ sau 9 tháng tuổi đến trước 1 tuổi. Theo ghi nhận, hầu hết trường hợp trẻ mắc bệnh đều chưa được tiêm chủng.

Bộ Y tế khuyến cáo, cha mẹ cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

VHK (tổng hợp)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!