Những thiếu sót người cao tuối hay mắc khi dùng thuốc

Cần biết - 04/18/2024

Người cao tuổi (NCT) có những đặc điểm sinh lý bệnh lý khác biệt với người trẻ do đó cũng cần có cách dùng thuốc phù hợp nhằm nâng cao tính hiệu quả và an toàn.

Dùng cùng lúc nhiều thuốc gây tương tác bất lợi

NCT cùng lúc có thể mắc nhiều bệnh và thường mong muốn sớm chữa khỏi tất cả nên khám nhiều nơi hoặc tự ý dùng nhiều thuốc. Việc dùng quá nhiều thuốc tạo nên một gánh nặng trong chuyển hóa; nghiêm trọng hơn có thể xảy ra các tương tác bất lợi. Một vài ví dụ: NCT đang dùng thuốc chữa bệnh suy tim sung huyết, khi gặp dị ứng lại vội vã dùng corticoid.

Corticoid giữ nước gây phù, làm nặng thêm tình trạng suy tim sung huyết. Trong trường hợp này, chỉ cần dùng kháng histamin hay chỉ cách ly với dị nguyên vẫn có thể khỏi dị ứng. NCT là nữ giới thường bị cùng lúc bệnh tim mạch và bệnh loãng xương. Cần dùng biphophonat để tăng mật độ xương và có thể dùng thêm nguyên liệu tạo xương canxi.

Tuy nhiên, chỉ được dùng canxi vừa đủ sau thời gian khoảng 3 tháng phải kiểm tra lại, nếu đã đủ canxi thì phải dừng, nếu không biết cứ dùng kéo dài thì canxi thừa tích lũy lại sẽ gây hại mạch máu. NCT bị viêm đại tràng chức năng có thể bị mất ngủ. Cần dùng thuốc chữa viêm đại tràng chức năng, khi bệnh này ổn định thì sẽ ngủ được mà không cần dùng thuốc ngủ.

Thông thường NCT thường dựa vào một vài triệu chứng rồi nghi ngờ mình bị bệnh này bệnh khác, khi nghi ngờ thì phải khám xét để thầy thuốc cho điều trị đúng bệnh, không nên dùng thuốc theo kiểu “đau đâu chữa đấy”, dễ gây nên sự trùng lặp, nhầm lẫn. Trong trường hợp NCT có sẵn một bệnh mạn khi muốn dùng thuốc (kể cả thuốc thông thường không yêu cầu bán theo đơn) để chữa bệnh khác nên hỏi kỹ thầy thuốc để việc dùng thêm thuốc đó sẽ không ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh mạn. Trong trường hợp cần điều trị nhiều bệnh, thầy thuốc có thể sẽ chọn điều trị bệnh theo thứ tự trước sau hoặc chỉ điều trị bệnh trọng tâm tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Chọn liều dùng không thích hợp gây tích lũy thuốc

Chức năng thận ở NCT bị suy giảm.Một số thuốc chủ yếu bài tiết qua thận, khi dùng với NCT thì sự thải trừ qua thận kém đi, gây tích lũy thuốc.

Chức năng gan ở NCT bị suy giảm. Một số thuốc thường chuyển hóa tại gan để thành chất có hoạt tính hoặc thành chất không độc. Khi dùng cho NCT thì do sự chuyển hóa thành chất có hoạt tính bị chậm lại nên hiệu lực xuất hiện chậm và cũng do thuốc chậm chuyển thành chất không độc mà có thể gây hại.

Những thiếu sót người cao tuối hay mắc khi dùng thuốc

Khi dùng những loại thuốc này cho NCT, thầy thuốc thường phải dò liều, lúc đầu dùng liều thấp, sau đó tăng dần đến liều có hiệu lực, rồi duy trì liều đó; thông thường liều của NCT chỉ bằng khoảng 50% liều của người trung niên khỏe mạnh. Một ví dụ: NCT dễ bị hạ huyết áp đột ngột, do vậy khi dùng thuốc chữa cao huyết áp nên bắt đầu với liều thấp hơn với liều bắt đầu của người trung niên để tránh tai biến này.

Chọn đường dùng không thích hợp làm thuốc kém hiệu quả

Chức năng bộ máy tiêu hóa ở NCT bị suy giảm. Khi dùng đường uống, thuốc có thời gian hấp thu chậm, tỉ lệ hấp thu thấp, nên hiệu lực xuất hiện chậm và không mạnh. Tuy nhiên, dùng đường uống có nhiều thuận lợi nên thầy thuốc vẫn cho dùng. Để khắc phục nhược điểm khi dùng đường uống, thầy thuốc thường điều chỉnh liều (có thể tăng liều khởi đầu nếu thời gian hấp thu chậm và tỉ lệ hấp thu thấp) và quy định thời gian cho liệu trình (có thể dài hơn).

NCT cần kiên nhẫn tuân theo chỉ dẫn này, không nên nôn nóng tự ý tăng liều, rút ngắn liệu trình điều trị , vì tăng liều quá cao trong thời gian cấp tập có thể bị độc. Trong trường hợp cấp cứu, yêu cầu phải có hiệu lực nhanh và mạnh thì thầy thuốc mới cho dùng đường tiêm. Một số ít NCT thường cho rằng dùng đường tiêm tốt hơn nên thường gợi ý xin thầy thuốc hay tự ý dùng thuốc tiêm cả những khi không có đòi hỏi cấp bách. Một thí dụ: bình thường NCT muốn bổ sung vitamin C khi thức ăn không cung cấp đủ thì chỉ nên dùng dạng uống, chỉ khi cần dùng vitamin C tăng cường sức đề kháng thì mới dùng dạng tiêm.

Đưa ra những mong muốn trái với yêu cầu sinh lý của người cao tuổi

Quá trình hưng phấn và ức chế não ở NCT thường bị suy giảm nên NCT thường hay ngủ sớm và dậy sớm, giấc ngủ thường ngắn hơn như khi còn trẻ. Đây là sự chuyển đổi sinh lý bình thường khi từ tuổi trẻ chuyển sang già.

Đáng lý ra cần tạo điều kiện thuận lợi cho NCT thực hiện chu kỳ thức ngủ phù hợp với tuổi già thì có NCT lại mong muốn có chu kỳ thức ngủ như khi còn trẻ nên sinh hoạt và dùng thuốc không đúng (buổi tối cứ cố gắng thức khuya, khi lên giường thì dùng thêm thuốc ngủ). Việc làm trái tự nhiên nay này gây nên mệt mỏi trước cũng như sau khi ngủ.

Cho là chuyện sinh lý bình thường, không dùng thuốc chữa bệnh khi cần

Một ví dụ: có NCT bị cao huyết áp cứ cho đó là chuyện sinh lý bình thường không lo dùng thuốc. Thật ra, tỉ lệ cao huyết áp ở NCT có cao hơn ở người trẻ nhưng trong số người từ 55 - 79 tuổi chỉ có tới 23 - 41% (nam) và 31 - 49% (nữ) bị mắc cao huyết áp, chứ không phải mọi người ở lứa tuổi này đều mắc. Cho nên cao huyết áp ở NCT là một bệnh lý và phải điều trị, tuy nhiên cần thận trọng khi điều trị với đối tượng này để tránh tai biến.

Không tận dụng hoặc áp dụng không đúng liệu pháp điều trị không dùng thuốc

Tạo ra môi trường tự nhiên xã hội thoái mái (chỗ ở, chỗ ngủ yên tĩnh, sống hòa đồng thân ái) sẽ tạo ra giấc ngủ tốt. Rèn luyện thân thể (đi bộ, tập dưỡng sinh) sẽ tránh được sự trì trệ, tạo ra sự thoải mái tinh thần thể chất có lợi cho việc chữa các bệnh tâm thần, thần kinh, tim mạch.

Có chế độ ăn uống thích hợp sẽ góp phần giải quyết bệnh mỡ máu, béo phì, tim mạch. Tâm lý liệu pháp góp phần giải quyết chứng lo âu sợ hãi, trầm cảm nhẹ, tâm thần phân liệt.

Một số NCT chỉ nghĩ đến thuốc mà không tận dụng các cách chữa bệnh không dùng thuốc này. Cũng có NCT biết quá sơ sài các cách chữa bệnh không dùng thuốc và áp dụng không đúng lại không có lợi như ăn uống kiêng khem quá sẽ suy dinh dưỡng, kiêng mỡ thái quá sẽ thiếu năng lượng dự trữ không chịu được rét, vận động quá sức sẽ dễ gặp tai nạn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!