25% dân số nước Anh mắc các rối loạn về giấc ngủ, hậu quả là việc buồn ngủ quá nhiều vào ban ngày. Các nguyên nhân dưới đây là những rối loạn giấc ngủ thường gặp khiến chúng ta trằn trọc vào ban đêm: ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, và hội chứng chân không yên.
Ngủ ngáy
Trong một khảo sát của Hiệp hội Nghiên cứu tình trạng ngáy và ngừng thở khi ngủ của Anh, 54% số người có những ngày nghỉ khó chịu bởi tiếng ngáy.
Ngủ ngáy xuất hiện ở khoảng 3,5 triệu người tại nước Anh. Đó là một vấn đề bất thường giải phẫu liên quan đến mô mềm ở thành sau của hầu họng, khiến phát ra âm thanh từ đường thở trong lúc ngủ.
Ngủ ngáy xảy ra khi mô mềm vòm họng phía sau giãn quá mức, làm hẹp đường dẫn khí. Khi không khí lưu thông qua hầu họng, các cấu trúc này rung làm phát ra tiếng ngáy.
Vấn đề có thể ngày càng tồi tệ hơn khi tuổi càng cao, nhưng nguyên nhân chính vẫn là cân nặng và hình dáng cơ thể. Người có cổ to ngắn thường hay ngủ ngáy vì các cơ quanh hầu, khí quản khó nâng đỡ khối mỡ ở cổ khi họ ngủ. Như vậy, những ai có vòng cổ từ 42cm trở lên có nguy cơ ngủ ngáy cao hơn.
Những người có chứng ngáy ngủ còn có các đặc điểm:
- Trương lực cơ lưỡi và hầu họng yếu. Các cơ này giãn quá mức làm hẹp đường thở gây ngáy.
- Mô thành họng dày. Ở trẻ có amidan to thường có biểu hiện ngáy khi ngủ.
- Tắc nghẽn khoang mũi. Những người bị nghẹt mũi, tắc mũi thường ngáy khi ngủ.
Ngủ ngáy có điều trị được không?
Trong 99% các trường hợp, ngủ ngáy có thể chữa được. Cân nặng là nguyên nhân thường gặp vì vậy giảm cân, giảm lượng mỡ quanh cổ sẽ làm giảm áp lực đè lên đường thở khi nằm ngủ. Nhiều phương pháp điều trị khác tùy thuộc vào việc chẩn đoán cũng như khám xét của bác sĩ. Ngoài ra, chúng ta có thể tự áp dụng các biện pháp hỗ trợ sau:
- Không sử dụng thuốc ngủ hoặc đồ uống có cồn trước giờ đi ngủ. Những loại này có thể gây nên trạng thái giảm trương lực cơ quá mức gây ngáy, và làm cơ thể mất nước, khiến xoang mũi khô, tắc.
- Không nên ăn nhiều trước khi đi ngủ ít nhất 4 giờ.
- Nằm ngủ nghiêng tốt hơn nằm ngửa. Khi nằm ngửa, gốc lưỡi sẽ sa xuống phía thành họng có thể làm hẹp đường thở và góp phần làm tắc nghẽn đường dẫn khí. Đặt một quả bóng tennis hoặc một vật cứng phía sau lưng có thể khiến bạn không đổi tư thế từ nghiêng sang ngửa khi ngủ.
- Tăng độ ẩm không khí trong phòng ngủ, có thể bôi ít dầu nóng vào vỏ gối có thể giúp thông thoáng mũi.
- Tập thể dục. Điều này giúp cải thiện sức bền cơ bắp và kích thích giảm cân qua tiêu hao năng lượng.
Chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng đường thở bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn khi ngủ, gây ngừng thở và làm người bệnh thức giấc. Tình trạng này ảnh hưởng tới giấc ngủ của khoảng 180.000 người ở Anh.
Chứng ngưng thở có cùng nguyên nhân với chứng ngủ ngáy. Nó xuất hiện khi các cơ, mô mềm ở gốc lưỡi và lưỡi gà giãn giảm trương lực, gây tắc một phần đường thở. Tuy nhiên, ngưng thở khi ngủ lại nguy hiểm hơn chứng ngáy ngủ vì nó làm thay đổi quá trình hô hấp bình thường.
Trong lúc ngủ, những người mắc chứng này có thể ngưng thở khoảng từ 10-25 giây một lần, làm giảm dòng máu và giảm cung cấp oxy tới não. Não bộ sẽ ngay lập tức gửi đi một tín hiệu nguy hiểm, khiến bạn phải thức giấc và hít một hơi dài. Trong một đêm, bạn có thể trải qua tới 350 lần ngưng thở như vậy và thường xuyên phải thức giấc trong tình trạng toát mồ hôi, khô miệng và đau đầu. Tình trạng rối loạn làm mất giấc ngủ sâu sẽ dẫn đến mệt mỏi và buồn ngủ rất nhiều vào ngày hôm sau.
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể điều trị được không?
Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng đe dọa tính mạng, liên quan đến đột quỵ, cơn đau tim, tăng huyết áp… do đó cần phải điều trị.
Có một test kiểm tra giấc ngủ gọi là ‘polysomnograpy’ dùng để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào các mức độ nặng nhẹ của triệu chứng. Trường hợp nhẹ có thể điều trị hiệu quả bằng thay đổi hành vi – ví dụ: giảm cân, hạn chế rượu bia hoặc nằm nghiêng khi ngủ. Các trường hợp nặng hơn có thể cần sử dụng máy thở áp lực dương (CPAP) để duy trì lượng khí thở, giúp thở dễ dàng hơn trong khi ngủ. Lợi ích mang lại là có giấc ngủ sâu, tốt hơn và giảm nguy cơ bị cơn đau tim vào ban đêm khi ngủ.
Chứng mất ngủ
1/3 dân số nước Anh mắc chứng mất ngủ, là một tình trạng mãn tính, làm rối loạn khả năng duy trì một giấc ngủ hợp lý và không bị gián đoạn.
Triệu chứng có thể bao gồm: buồn ngủ nhiều, mệt mỏi hoặc thức giấc quá sớm vào buổi sáng, cảm thấy khó chịu. Hậu quả đưa đến là khó chịu, hay bực tức, cáu gắt, kém tập trung vào công việc.
Không có nguyên nhân cụ thể gây ra chứng mất ngủ, nhưng có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc chứng này, bao gồm:
- Những người trên 60 tuổi.
- Giới nữ.
- Những người có tiền sử bị trầm cảm.
Stress là một yếu tố nguyên nhân quan trọng. Những chấn thương, biến cố, bệnh tật như bệnh cấp tính, chấn thương/tai nạn hoặc phẫu thuật, đổ vỡ trong tình yêu, các kỳ thi, hoặc gặp rắc rối trong công việc, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ. Trong nhiều trường hợp, giấc ngủ sẽ trở lại bình thường khi họ vượt qua được những biến cố đó hoặc thích nghi được với tình hình mới.
Mệt mỏi khi đi máy bay (Jet lag) cũng có thể gây ra chứng mất ngủ. Cùng lệch số múi giờ như nhau nhưng bay từ tây sang đông sẽ khó thích nghi hơn bay từ đông sang tây. Thông thường thì mất một ngày điều chỉnh để có thể thoát khỏi tình trạng mất ngủ.
Các yếu tố môi trường hoặc lối sống cũng có thể đóng góp phần gây mất ngủ - ví dụ: phòng ngủ quá sáng hoặc dùng nhiều cafein và chất kích thích trước khi đi ngủ.
Chứng mất ngủ có thể điều trị được không?
Phương pháp điều trị liên quan đến nguyên nhân gây bệnh, nếu xác định được nguyên nhân. Bệnh nhân sẽ được đánh giá mức độ mất ngủ nhờ ‘nhật ký giấc ngủ’. Chứng mất ngủ kinh niên (mạn tính) có thể được chữa trị bằng liệu pháp thay đổi hành vi nhận thức, bao gồ. liệu pháp thư giãn và cải thiện.
Một trong những biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa chứng mất ngủ là duy trì lối sống lành mạnh. Không nên đi ngủ với tâm trạng buồn bực và lo lắng. Nếu bạn lo lắng rằng sẽ khó buồn ngủ thì bạn sẽ càng khó ngủ hơn. Không ăn quá nhiều trước khi đi ngủ; tránh rượu bia và các đồ uống có chứa cafein.
Hội chứng chân không yên (HCCKY)
Khoảng 5,6% người dân Anh mắc HCCKY, nó gây nên cảm giác như kim châm, ngứa ngáy và đau nhức bất thường ở chân.
Giấc ngủ của bạn sẽ bị xáo trộn vì bạn có xu hướng cựa quậy chân để giảm cảm giác khó chịu, hoặc xoa bàn chân vào nhau, thức dậy và đi lại xung quanh.
Bệnh có thể là do di truyền. Con của những người mắc HCCKY có khả năng mắc bệnh này cao gấp 3-5 lần so với bình thường. Thay đổi hoóc-môn khi mang thai có thể làm triệu chứng nặng thêm. Những trường hợp mắc HCCKY khác liên quan đến thiếu sắt (Fe) hoặc tổn thương thần kinh ở chân.
HCCKY có thể chữa được không?
Trong trường hợp nhẹ, có thể chỉ là cần giảm sử dụng cafein và rượu bia, vì cả hai nguyên nhân này đều làm nặng thêm các triệu chứng. Tắm nước ấm, mát-xa bàn chân hoặc sử dụng túi chườm nóng lạnh cũng sẽ giúp cải thiện triệu chứng hiệu quả.
Đối với những trường hợp nặng, cần sử dụng một số loại thuốc điều trị. Vậy nên bạn hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Phương Thảo
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!