Nỗi lo về 2 biến chứng thường gặp khi mang thai

Chăm sóc mẹ - 04/28/2024

Chuyên gia của Hello Bacsi thấu hiểu lo lắng của bạn về biến chứng thường gặp khi mang thai. Đây là những chia sẻ để bạn cẩn trọng và có thai kì khoẻ mạnh.

Nhiều phụ nữ gặp phải biến chứng trong khi mang thai. Hai trong số những biến chứng phổ biến nhất là đường huyết cao (bệnh tiểu đường thai kỳ) và huyết áp cao (tiền sản giật) làm tăng cao nguy cơ đột quỵ.

Mẹ có thể gặp các biến chứng nào khi mang thai?

Đường huyết cao (Bệnh tiểu đường thai kỳ)

Tiểu đường thai kỳ xuất hiện khi cơ thể không thể xử lý được carbohydrate trong khi mang thai. Thai phụ thường không xuất hiện bất kì triệu chứng nào của tiểu đường. Tất cả phụ nữ mang thai nên được khám và theo dõi sức khỏe kĩ càng để biết được mình có bị mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ hay không.

Các triệu chứng này thường nhẹ và không đe dọa đến các phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, hàm lượng đường trong máu tăng lên ở người mẹ làm tăng tỉ lệ các biến chứng xuất hiện ở trẻ em, bao gồm:

  • Trẻ sinh bị thừa cân;
  • Trẻ bị chấn thương, đặc biệt là chấn thương vai;
  • Hạ đường huyết (hàm lượng đường trong máu thấp);
  • Vàng da.

Các tác nhân gây ra nguy cơ bị bệnh tiểu đường trong thai kỳ bao gồm:

  • Thai phụ đã lớn tuổi khi mang thai;
  • Thai phụ có gốc châu Phi hoặc gốc Tây Ban Nha;
  • Béo phì;
  • Đã bị bệnh tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước đó;
  • Từng sinh con nặng hơn 4 kg.

Trong nhiều trường hợp, lượng đường trong máu trở về mức trước khi mang thai sau khi sinh nở. Gần 40% phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ phát triển thành bệnh tiểu đường nặng hơn trong vòng 5-10 năm sau khi sinh con. Các rủi ro có thể cao hơn nếu phụ nữ bị béo phì.

Cao huyết áp (Tiền sản giật)

Tiền sản giật xuất hiện trong khoảng giữa thai kỳ khi huyết áp của thai phụ tăng cao. Triệu chứng thường gặp bao gồm sưng mặt và tay. Nguyên nhân chính xác của tiền sản giật không được xác định rõ. Khoảng 8% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật.

Các yếu tố có thể gây ra tiền sản giật bao gồm:

  • Thai phụ lần đầu tiên mang thai;
  • Thai phụ mang thai khi đã lớn tuổi;
  • Thai phụ có gốc Phi;
  • Mang đa thai;
  • Thai phụ có tiền sử bị tiểu đường, huyết áp cao, hoặc mắc bệnh thận.

Hiện nay, cách duy nhất để chữa bệnh tiền sản giật là thai phụ sinh em bé ra ngoài. Nếu vẫn còn quá sớm để sinh em bé, tình trạng cao huyết áp này có thể vẫn được kiểm soát bằng các cách sau:

  • Nghỉ ngơi tại giường;
  • Theo dõi chặt chẽ;
  • Sinh con ngay khi thai nhi có thể sống được bên ngoài dạ con.

Nguy cơ thai phụ bị tiền sản giật tái phát ở lần mang thai tiếp theo là khoảng 33%.

Mẹ vẫn có thể bị đột quỵ ngay cả sau khi sinh

Kết quả từ hai nghiên cứu gần đây cho thấy rằng có thể có những biến chứng thai kỳ kéo dài ngay cả khi thai phụ đã sinh con. Các nhà nghiên cứu đã xem xét nhiều hồ sơ y tế và phát hiện những phụ nữ đã bị tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ trong thời gian mang thai có tỷ lệ bị đột quỵ cao gấp hai lần hoặc hơn, trung bình các phụ nữ sẽ bị đột quỵ khoảng 13,5 năm sau khi mang thai.

Các nhà nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận tương tự. 60% phụ nữ bị tiền sản giật có nhiều khả năng bị đột quỵ trong những tháng và những năm tiếp theo sau thời kỳ mang thai của họ.

Trong khi các kết quả này cần được khẳng định thêm bằng các nghiên cứu bổ sung, thai phụ nên đi thăm khám thường xuyên trước khi sinh để xác định tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ, cũng như các vấn đề và biến chứng khác khi mang thai. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự cần thiết để có những cách phòng ngừa và ngăn chặn những biến chứng này để tránh được những hậu quả thứ cấp của đột quỵ sau này trong cuộc sống.

Bạn có thể làm gì để giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ?

Tất cả phụ nữ mang thai nên được chăm sóc trước khi sinh sớm và liên tục. Thăm khám sớm cho phép nhận biết sớm và điều trị kịp thời các biến chứng và các bệnh lý liên quan đến thai kỳ khác. Như đối với bất kỳ dạng bệnh lý nào khác, một số yếu tố gây các biến chứng trong thai kỳ có thể điều khiển, hoặc có thể điều trị được, có nghĩa là bạn có thể có hành động để giảm thiểu các rủi ro đó. Các yếu tố khác có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Bạn có thể giảm các nguy cơ gặp phải các biến chứng bằng cách:

  • Duy trì cân nặng phù hợp;
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng mà giữ được lượng đường huyết trong máu của bạn ổn định;
  • Vận động thường xuyên.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!