Chiều 6/10, Việt Nam có thêm 1 ca mắc mới COVID-19, được cách ly ngay khi nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 6/10, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay tại Hải Dương.
Người dân cách ly phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.
Việt Nam hiện có tổng cộng 1.098 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.373 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 268 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.614 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 2.491 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 6/10, có thêm BN1061 được công bố khỏi bệnh. Số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 2 ca, lần 2 là 2 ca, lần 3 là 5 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.023 ca.
Về trường hợp một người Nhật nghi ngờ mắc COVID-19 tại Hải Phòng, theo Sở Y tế Hải Phòng, tính đến chiều 6/10, đã có 127/152 mẫu F1 liên quan đến ca nghi nhiễm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, các trường hợp khác đang chờ kết quả. Ngành Y tế Hải Phòng đã phối hợp cùng các địa phương và lực lượng chức năng rà soát các trường hợp liên quan.
Hướng dẫn các bệnh viện sử dụng thuốc thay thế trong điều trị bệnh tay chân miệng
Từ đầu tháng 9/2020 đến nay, số trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng, báo hiệu mùa dịch sắp bắt đầu.
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Đinh Hằng.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, trong hai tuần trở lại đây, số ca nhập viện điều trị tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nếu trong tháng 8/2020 bệnh viện không tiếp nhận trường hợp nào mắc bệnh thì những ngày đầu tháng 9 đã có 10 trẻ phải nhập viện. Qua hai tuần, số trẻ nhập tăng dần lên con số 20 và hiện đang điều trị cho 30 trẻ. Đáng chú ý là bắt đầu có những ca nặng ở độ 2B và độ 3. Bác sỹ Khanh nhận định, mới chỉ tháng đầu tiên của mùa dịch đã có ca nặng thì trong vài tháng tới, khi dịch đạt đỉnh, chắc chắn số ca mắc nặng sẽ nhiều hơn.
Tương tự, một số bệnh viện khác cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhi nhập viện do bệnh tay chân miệng gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, hiện có khoảng 40 ca bệnh mắc tay chân miệng điều trị nội trú, số ca điều trị ngoại trú cũng đang có dấu hiệu tăng dần trong hai tuần gần đây.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tháng 9/2020, trung bình mỗi tuần có từ 400-600 trẻ trên địa bàn mắc bệnh tay chân miệng. Đỉnh điểm, trong tuần cuối tháng 9, toàn thành phố có 640 ca bệnh nhập viện. Từ đầu năm đến nay, Thành phố ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng.
Theo các bác sỹ, thời điểm trẻ bắt đầu tựu trường cũng là lúc virus gây bệnh tay chân miệng lây lan ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, nhà trẻ là đối tượng dễ mắc tay chân miệng nhất.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lưu hành hàng năm trên địa bàn. Bệnh thường bùng phát theo mùa, mỗi năm Thành phố đón nhận hai đợt đỉnh dịch thường vào tháng 4 và tháng 11. Mặc dù năm nay số ca mắc tay chân miệng cả nội trú lẫn ngoại trú đều thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước nhưng từ giữa tháng 9 đến nay bắt đầu có sự gia tăng đáng kể. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan với bệnh truyền nhiễm này.
Mặc dù số ca mắc tay chân miệng đang ngày càng gia tăng, tuy nhiên thông tin từ các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thuốc Phenobarbital – một 'vũ khí' lợi hại để điều trị chứng co giật khi mắc tay chân miệng nặng đã không còn. Bác sỹ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, Phenobarbital là thuốc tiêm đường tĩnh mạch nằm trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế, được dùng khi bệnh nhi mắc bắt đầu trở nặng (độ 2A, độ 2B trở lên) để xử lý tình trạng co giật của trẻ. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, đến ngày 27/9 đã sử dụng hết số thuốc Phenobarbital có sẵn và không thể tiếp tục nhập về.
Cũng như Bệnh viện Nhi đồng 1, tại một số bệnh viện khác như Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và các bệnh viện quận, huyện, thuốc Phenobarbital đã gần như cạn kiệt hoặc còn rất ít.
Sở Y tế TP đã báo cáo Bộ Y tế và nhận được thông tin nguồn cung thuốc Phenobarbital trên thế giới tạm thời bị 'đứt hàng' do các doanh nghiệp dược phẩm ngưng sản xuất. Để ứng phó, Sở Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện sử dụng các loại thuốc thay thế trong điều trị tay chân miệng trong khi chờ có thuốc Phenobarbital. 'Các bệnh viện có thể sử dụng các thuốc khác sẵn có như Diazepam, Midazolam để thay thế, hoàn toàn không có chuyện không có Phenobarbital thì không có thuốc điều trị tay chân miệng', bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng khẳng định.
Tuy nhiên, các bác sỹ cũng cảnh báo phụ huynh có con nhỏ cần hết sức phòng tránh nguy cơ trẻ mắc tay chân miệng trong thời điểm này. Do đây là bệnh truyền nhiễm chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp 'kinh điển' nhất vẫn là vệ sinh phòng bệnh. Rửa tay, vệ sinh nhà cửa, thường xuyên rửa đồ chơi, khử khuẩn nắm cửa, các bề mặt… là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám, cho trẻ nghỉ học để hạn chế lây cho trẻ khác. Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu như sốt cao liên tục, giật mình, chới với khi ngủ, run tay chân, đi đứng loạng choạng không vững, nôn ói liên tục, da xanh tái, thở mệt... cần phải ngay lập tức đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị bởi trẻ đang có dấu hiệu chuyển nặng.
Điểm chuẩn xét tuyển bổ sung không được thấp hơn đợt 1
Để đảm bảo việc tuyển sinh diễn ra đúng quy chế, ngày 6/10, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Sau khi xét tuyển đợt 1 hoàn thành, các trường có thể bắt đầu triển khai xét tuyển đợt bổ sung từ sau ngày 10/10 đến hết năm 2020, sau đó báo cáo về Bộ trước ngày 28/2/2021.
Theo công bố mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): Trước 17 giờ ngày 5/10, tất cả các trường đã công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 theo lịch tuyển sinh đại học năm 2020 của Bộ GD&ĐT. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học đợt 1 trước 17 giờ ngày 10/10 (theo dấu bưu điện).
Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt là các trường thuộc top đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.
Sau khi hoàn tất xét tuyển đợt 1, kể từ ngày 10/10, nếu trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu đã công bố ban đầu (có thể do ít hồ sơ nộp vào hoặc có thể do nhiều thí sinh đỗ, nhưng không xác nhận nhập học) thì có thể xét tuyển bổ sung các đợt tiếp theo. Xét tuyển đợt tiếp theo có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần.
Như vậy, năm 2020, sau khi xét tuyển đợt 1 hoàn thành, các trường có thể bắt đầu triển khai xét tuyển đợt bổ sung từ sau ngày 10/10 đến hết năm 2020, sau đó báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 28/2/2021. Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt là các trường thuộc top đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau. Việc làm này tạo điều kiện cho các em thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT tốt, nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1.
Ngay sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn về việc xét tuyển bổ sung. Theo đó, các trường còn tuyển thiếu chỉ tiêu có thể tiếp tục xét tuyển bổ sung từ ngày 10/10.
Để xét tuyển bổ sung, các trường đại học, cao đẳng phải công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ (điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1). Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải công bố thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển, kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường cần đảm bảo thời gian công bố thông tin đủ để thí sinh tiếp nhận thông tin, ra quyết định và nộp hồ sơ.
Hiện đã có một số trường công bố lịch xét tuyển bổ sung. Bộ GD&ĐT lưu ý các trường xét tuyển bổ sung phải đảm bảo điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét tuyển theo quy trình như đợt 1, xét điểm từ cao xuống thấp. Những trường hợp vi phạm nguyên tắc này, Bộ GD&ĐT sẽ nắm bắt để kịp thời nhắc nhở, cảnh cáo, đảm bảo quyền lợi thí sinh và công bằng trong tuyển sinh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!