Chị Quỳnh Anh chia sẻ, con trai lớn của chị cực kỳ dễ dãi trong việc ngủ, bé tự ngủ từ sơ sinh, chưa bao giờ phải bế lên rung lắc ru hời, cũng chẳng bao giờ bỏ cữ ngủ (trừ đi chơi, thay đổi lịch sinh hoạt...).
Trước đây, nhiều người cũng nói rằng việc luyện cho con tự ngủ cũng hên xui, tùy từng bé, có bé dễ, bé khó... Chị Quỳnh Anh từng phản bác điều này vì chị rất nguyên tắc với việc rèn con ngay từ đầu, không rèn làm sao tự nhiên ngoan?
Tuy nhiên đến bé thứ hai, chị Quỳnh Anh cũng rèn cho con tự ngủ, lúc này chị mới nghiệm ra vấn đề 'tuỳ từng bé' là có thật. 'Nhưng chắc chắn một điều: Có rèn có khác, không thành công 100% được như 'con nhà người ta' thì chí ít cũng ngoan hơn, có nề nếp hơn là không rèn gì cả' - bà mẹ 2 con nói.
MC Quỳnh Anh.
Chị Quỳnh Anh cho biết, em bé thứ hai là chị là con gái nên không biết có phải vì vậy mà bé đỏng đảnh, khó chiều hơn không. Hơn nữa, suốt những tháng đầu đời, bé Ry bị bệnh nên được cả nhà chiều chuộng, nâng như nâng trứng. Chính bởi quen được chiều nên việc rèn luyện cho Ry khó hơn nhiều.
'Rèn một em bé mới lọt lòng chưa biết gì cả, dễ hơn việc đưa một em bé quen với việc 'vô kỷ luật' vào nếp. Thế nhưng không phải vì thế mà mình bỏ cuộc, mình quyết định vẫn áp dụng rèn con tự ngủ y như tập 1. Bạn ấy có thể không dễ dãi được bằng anh, nhưng ít nhất vẫn có thể tự ngủ, hình thành thói quen buồn ngủ sau khi đã no bụng, nhanh chóng đi vào giấc ngủ khi đã có dấu hiệu ngủ.
Kinh nghiệm rút ra để rèn một em bé dễ dãi là: Hãy hành động ngay từ đầu' - chị Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Dưới đây là 4 bí quyết mà nữ MC xinh đẹp muốn mách cho các mẹ bỉm sữa để có thể rèn luyện cho em bé ngủ theo nhu cầu:
1. Hạn chế bế ẵm
Điều này không có nghĩa là không bao giờ bế con lên cưng nựng, ôm ấp con vào lòng, nhưng hãy hạn chế chiều con bằng cách bế cho con ngủ, hãy đặt con nằm bất cứ khi nào con tỏ ra thoải mái. Không bế con lên ngay từ tiếng khóc đầu tiên, bình tĩnh theo dõi đoán ý con qua tiếng khóc để đáp ứng theo nhu cầu.
Lúc sơ sinh, đôi khi các bạn ấy chỉ ré lên một tiếng rồi lại tiếp tục chìm vào giấc ngủ, nhiều bà, mẹ đã vội vàng ra cưng nựng khiến con khó học được cách tự trấn an bản thân.
Bé Ry được mẹ rèn tự ngủ từ lúc 2 tháng tuổi.
Hiện tại, Ry đã tròn 1 tuổi rồi.
2. Ngủ riêng từ sơ sinh
Mình sắm nôi riêng cho con ngủ giai đoạn sơ sinh, sau đó chuyển sang ngủ cũi. Ngay cả bạn thứ 2 ốm yếu cũng được đặt ngủ trong nôi riêng nhưng nằm chung giường để mẹ tiện chăm sóc tháng đầu, sau đó chuyển ra ngủ hoàn toàn trong cũi.
Với chiếc cũi mở một cánh và được kê sát giường cũng vẫn tiện theo dõi con như đang nằm cạnh, chỉ là không nằm cùng mặt phẳng mà thôi. Nhưng sẽ hạn chế được việc thức giấc do mẹ sột soạt trên giường vì con nằm tách biệt, con không hít thở phải hơi thở của người lớn phả ra, nằm rộng rãi, thênh thang, một mình một vương quốc.
3. Quấn và ti giả
Mẹ có thể tham khảo 2 thứ này để rèn con ngủ dễ dãi. Bé sơ sinh được quấn sẽ yên tâm ngủ rất ngon. Quấn phải là loại vải co dãn, ôm sát nhưng vẫn thoải mái. Nhiều mẹ quấn con bằng khăn xô hay vải co dãn kém, con khó chịu không hợp tác là đương nhiên.
Với những bé dễ giật mình, chân tay quàng cấu, chới với, quấn vào sẽ giúp con ngủ sâu hơn.
Hai bé nhà chị Quỳnh Anh đều được mẹ rèn thói quen tự ngủ.
Sau khi no bụng là nhanh chóng đi vào giấc ngủ.
Để luyện được cho con ngủ theo nhu cầu, chị Quỳnh Anh đã áp dụng đúng 4 bí quyết kể trên.
2 nhóc tỳ đáng yêu nhà chị Quỳnh Anh.
Ti giả nhiều mẹ phản đối, nhưng với mình ti giả cực kỳ hữu ích khi dùng đúng cách và đúng mục đích. Dùng ti giả để tự ngủ, thì hãy chỉ dùng cho việc ngủ thôi. Còn chuyện hô vẩu? Không hề nhé!
Hô vẩu là do gen, hoặc lạm dụng ti giả một thời gian quá dài khi con đã hoàn thiện hết hàm răng. Con mình dùng ti giả cho đến 18 tháng, mình luôn nói với con về việc 1,5 tuổi mẹ sẽ cất bạn ti giả ngay từ khi con chưa nhận thức được. Đến đúng 18 tháng, cất ti giả là bỏ, không nghiện và cũng không hô vẩu, nói sớm, nói nhiều và răng đều tăm tắp.
4. Có đồng minh
Một điều 'nhạy cảm' nữa mà mình nghiệm ra, đó là rèn em bé ngủ dễ dãi cần phải có đồng minh, nếu những người trong gia đình không hợp tác thì rèn luyện cũng chỉ như muối bỏ biển.
Một em bé kể cả đã hình thành nếp sinh hoạt, cũng dễ dàng bị phá vỡ nếu có ai đó can thiệp vào nề nếp của con. Vì đặc điểm của trẻ con là rất nhanh quên, dễ thay đổi.
Huống chi một em bé chưa hề có nề nếp, một người rèn một người phá chắc chắn không thành công được. Vì vậy hãy tìm đồng minh, và thuyết phục những người không đồng tình để được nuôi con theo cách của mẹ!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!