Phân biệt dị ứng và cảm lạnh

Các bệnh - 04/30/2024

Khi giao mùa, bạn dễ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi hoặc hắt hơi và ho. Lúc này, bạn sẽ nghĩ ngay rằng bị cảm lạnh.

Tuy nhiên, đây cũng là những dấu hiệu của dị ứng. Bằng cách tìm hiểu sự khác biệt giữa dị ứng và cảm lạnh, bạn có thể tìm ra cách điều trị phù hợp.

Dấu hiệu mắc cảm lạnh

Cảm lạnh và viêm mũi dị ứng đều dễ xuất hiện trong mùa lạnh hoặc khi giao mùa. Cảm lạnh thông thường là dạng bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Khi cơ thể không thích ứng kịp với cái lạnh, nó sẽ dễ bị các loại virus phát triển mạnh trong loại thời tiết này 'bắt nạt', dẫn đến các triệu chứng ở đường hô hấp trên như mũi, họng. Các triệu chứng này không phải do virus trực tiếp gây ra mà là hệ quả của phản ứng cơ thể trước virus. Còn viêm mũi dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng với yếu tố ngoại lai nào đó (như bụi, phấn hoa...) xâm nhập cơ thể nhằm mục đích bảo vệ. Và trong khi tấn công 'kẻ lạ', các kháng thể cũng làm phiền chính 'khổ chủ' do kéo theo các triệu chứng khó chịu.

Mặc dù các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau nhưng cảm lạnh thường có chung một số đặc điểm cơ bản giống nhau. Một số đặc điểm chính của cảm lạnh thông thường: Cảm lạnh được truyền qua các giọt virus mà người bệnh bị bắn ra khi ho hoặc hắt hơi. Ngoài ho và hắt hơi, các triệu chứng cảm lạnh có thể bao gồm đau họng và chảy nước mũi, nghẹt mũi. Cảm lạnh nặng hơn cũng có thể gây đau đầu, sốt và đau nhức khắp cơ thể. Thời gian trung bình của cảm lạnh là 7 - 10 ngày. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 hoặc 2 tuần, virus có thể đã góp phần gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm xoang, viêm phổi hoặc viêm phế quản.

Những người bị dị ứng có thể dễ bị cảm lạnh hơn. Trẻ nhỏ có thể bị cảm lạnh nhiều hơn do hệ thống miễn dịch kém hơn người trưởng thành.

Phân biệt dị ứng và cảm lạnh

Viêm mũi dị ứng là bệnh không lây nhiễm.

Dị ứng là gì?

Dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn có phản ứng bất lợi với một số chất nào đó. Khi bạn tiếp xúc với dị nguyên được gọi là chất gây phản ứng dị ứng, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ giải phóng các hóa chất gọi là histamin. Sự giải phóng histamin này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng.

Dị ứng và cảm lạnh có chung một số triệu chứng phổ biến như: Hắt xì; Ho; Rát cổ họng; Sổ mũi; Nghẹt mũi; Chảy nước mắt. Dị ứng cũng có thể gây phát ban và ngứa mắt. Cảm lạnh thông thường không có.

Các chất gây dị ứng theo mùa như cây, cỏ và phấn hoa, cỏ dại là những tác nhân phổ biến, nhưng bạn có thể bị dị ứng với một số chất quanh năm. Các tác nhân gây dị ứng khác có thể bao gồm: Mạt bụi; Lông hoặc nước bọt của động vật, chẳng hạn như từ một con mèo hoặc con chó; Nấm mốc; Thực phẩm (đậu phộng, hạt cây, sữa và trứng...).

Phân biệt thế nào?

Rất dễ nhận thấy các triệu chứng giống nhau giữa cảm lạnh và viêm mũi dị ứng. Chúng đều ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây hắt hơi, sổ mũi... Triệu chứng mệt mỏi cũng có thể xuất hiện ở cả 2 bệnh. Tuy nhiên, nếu như cảm lạnh là bệnh lây nhiễm do virus dễ dàng truyền từ bệnh nhân sang những người tiếp xúc gần thì viêm mũi dị ứng không lây.

Tuy biểu hiện bên ngoài của 2 bệnh na ná nhau nhưng thực ra cũng có nhiều điểm khác biệt. Triệu chứng viêm mũi dị ứng xuất hiện ngay khi tiếp xúc với dị nguyên và hết khi đã loại trừ chúng. Khi bệnh đã lui là mọi triệu chứng biến mất như không có dấu vết, cơ thể lại khỏe khoắn bình thường. Trong khi đó, biểu hiện cảm lạnh xuất hiện từ từ sau thời gian ủ bệnh và khỏi cũng từ từ.

Ngoài biểu hiện hắt hơi, sổ mũi gặp cả ở 2 bệnh như đã kể trên, nếu bị sốt, đau nhức toàn thân thì không nghi ngờ gì nữa, bạn bị cảm lạnh bởi những triệu chứng này không có ở bệnh dị ứng.

Nếu bạn bị ho và đau họng thì nhiều khả năng đã mắc cảm lạnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh viêm mũi dị ứng cũng gây các triệu chứng này. Còn nếu bạn thấy ngứa mắt thì thường đó là biểu hiện dị ứng, tuy đôi khi cũng gặp ở cảm lạnh. Quả thật sự khác biệt này không mấy rạch ròi và bệnh nhân khó có thể dựa vào đó để biết chắc mình bị cảm lạnh hay dị ứng, vì vậy, thay vì tự kiếm lấy vài viên thuốc uống, hãy đến bác sĩ.

Một cách khác để biết có bị dị ứng hay cảm lạnh hay không là theo thời gian diễn tiến của các triệu chứng. Cảm lạnh diễn tiến tốt hơn trong vòng 1 tuần. Dị ứng kéo dài dai dẳng trừ khi bạn được điều trị hoặc loại bỏ tác nhân. Các chất gây dị ứng theo mùa có xu hướng gây ra các triệu chứng 2 hoặc 3 tuần/lần.

Chính vì khó phân biệt nên khi có các triệu chứng bệnh, cần đến gặp bác sĩ thay vì tự điều trị. Ngay cả khi chưa thể khẳng định chắc chắn bạn bị cảm lạnh hay viêm mũi dị ứng, bác sĩ vẫn có giải pháp để giúp bạn dễ chịu hơn mà không gây hại trong thời gian theo dõi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!