Phân biệt sán dây lợn và sán dây bò

Cần biết - 11/24/2024

Thời gian gần đây, sán dây lợn đã được đề cập nhiều qua việc phát hiện nhiều học sinh bị nhiễm bệnh ở tỉnh Bắc Ninh.

Bên cạnh nhiễm sán dây lợn, sán dây bò cũng cần được quan tâm để phòng ngừa vì chúng thường chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng.Để phân biệt hai loại sán dây này, nên lưu ý những đặc điểm riêng biệt của từng loại.

Theo các nhà khoa học, bệnh sán dây bò Taenia saginata ở nước ta chiếm tỷ lệ khoảng 78%, trong khi đó bệnh sán dây lợn Taenia solium chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 22%, nên chúng được xem là khá phổ biến hơn sán dây lợn.

Theo ước tính trên thế giới có khoảng hơn 40 triệu người bị nhiễm bệnh sán dây bò và tại nước ta bệnh cũng có mặt ở hầu hết tất cả các tỉnh, thành phố.

Đặc điểm của sán dây bò

Về hình thể, sán dây bò Taenia saginata trưởng thành dài từ 4 đến 12 mét hoặc có thể dài hơn nữa.Thân có khoảng 1.200 đến 2.000 đốt sán. Đầu sán hơi dẹt, đường kính khoảng 1 đến 2 mm, có 4 giác bám, không có vòng móc. Cổ dài khoảng 5mm và hẹp. Các đốt sán gần đầu có chiều ngang lớn hơn chiều dọc và càng xa đầu sán chiều dài đốt sán càng lớn hơn chiều ngang, kích thước trung bình mỗi đốt sán có chiều dài khoảng 6 đến 20mm và chiều ngang khoảng 10 đến 12mm; tử cung ở đốt sán chứa đầy trứng sán với khoảng 100.000 trứng.

Đặc điểm các đốt sán gần cổ được xem là đốt sán non chưa có cấu tạo gì bên trong rõ rệt, chúng chỉ chứa mầm phôi thai của cơ quan sinh dục; các đốt sán càng xa cổ sán càng già và có 3 loại đốt sán gồm: đốt sán non có bộ phận sinh dục đực xuất hiện trước chiếm ưu thế và bộ phận sinh dục cái xuất hiện sau, đốt sán trưởng thành có cả bộ phận sinh dục đực và cái phát triển hoàn thiện cân đối, đốt sán già có bộ phận sinh dục cái xuất hiện trước chiếm ưu thế và toàn đốt sán chỉ có tử cung phân nhánh chứa đầy trứng, bộ phận sinh dục đực chỉ còn lại dấu vết của đường dẫn tinh, các bộ phận khác thoái hóa hết, lỗ sinh dục mở ra bên cạnh đốt sán và xen kẽ không đều nhau giữa các đốt sán.

Phân biệt sán dây lợn và sán dây bò

Sán dây bò dài 4 - 12 mét, có 1.200 - 2.000 đốt sán; người bị nhiễm bệnh thường do ăn thịt trâu bò tái, sống

Trứng sán dây bò màu nâu sẫm, rất giống trứng của sán dây lợn nên khó phân biệt. Nang ấu trùng sán dây bò là một bọc chứa đầy chất lỏng trong có đầu ấu trùng, không có móc, có 4 giác bám và thường được gọi là “gạo bò” hay “bò gạo” (cysticercus bovis) nằm trong thịt bò với kích thước dài khoảng 7,5 đến 10mm và rộng khoảng 4 đến 6mm.

Về sinh học, sán dây bò ký sinh ở ruột non của người; những đốt sán già tự động ngắt ra khỏi thân sán và chủ động bò ra hậu môn rồi bò ra quần áo, giường chiếu. Do đó bệnh nhân thường không biết mình bị mắc bệnh do nhiễm sán dây bò.

Các đốt sán thường rụng ra thành những đơn vị độc lập, chuyển động được nhờ những cơ rất khỏe và chúng có thể bò lên bụng, lên nách bệnh nhân hoặc bò khắp giường chiếu.

Hàng ngày thân sán có thể mọc dài ra khoảng 3 đến 28 đốt. Các đốt sán già khi rơi ra ngoại cảnh bên ngoài sẽ vỡ ra và giải phóng hàng trăm ngàn trứng sán; trâu bò ăn phải đốt sán và khi vào tới ruột trứng sán sẽ nở ra ấu trùng sán, từ đây ấu trùng sán xâm nhập vào hệ tuần hoàn về tim rồi theo hệ tuần hoàn đi đến các cơ vân và hình thành nang ấu trùng sán ở cơ của trâu bò gọi là “gạo bò” hay “bò gạo” (cysticercus bovis).

Nang ấu trùng sán dây bò thường thấy nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu bò. Nếu người ăn thịt trâu bò có nang ấu trùng sán còn tái, sống, chưa được nấu chín kỹ, nang ấu trùng sán xâm nhập vào ruột người, ấu trùng sán thoát ra khỏi nang, đầu sán lộn ra ngoài và bám vào màng ruột, phát triển thành sán trưởng thành trong khoảng thời gian khoảng 8 đến 10 tuần.

Người là vật chủ chính và trâu bò là vật chủ phụ, sán dây bò có thể sống trong cơ thể người từ 20 đến 30 năm.

Trước đây quan niệm cũ cho rằng người chỉ mắc bệnh sán dây bò trưởng thành, không mắc bệnh ấu trùng sán dây bò nhưng hiện nay các nhà khoa học ghi nhận hầu hết các loại sán dây ký sinh ở người, người đều có thể mắc cả bệnh sán dây trưởng thành và bệnh ấu trùng sán dây nhưng trên thực tế hiếm gặp những bệnh nhân mắc bệnh ấu trùng sán dây bò hơn bệnh ấu trùng sán dây lợn.

Chẩn đoán xác định và điều trị bệnh sán dây bò

Do kích thước của sán dây bò trưởng thành ký sinh trong ruột của cơ thể người khá lớn nên thường gây nên những rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng rõ ràng như: đau tức vùng thường vị, đau bụng nhiều khi đói, đi tiêu chảy, sút cân, đôi khi buồn nôn...

Người mắc bệnh sán dây bò cũng còn có thể bị những tác động tâm lý khá nặng nề, thấy khó chịu và ghê sợ khi nhìn thấy các đốt sán tự rụng ra, bò khắp nơi ở giường chiếu và quần áo... Bệnh ấu trùng sán dây bò trên thực tế hiếm gặp hơn bệnh ấu trùng sán dây lợn.

Trong chẩn đoán xác định bệnh, cần phân biệt nhiễm sán dây bò và sán dây lợn với những đặc điểm khác nhau như:

Đầu sán dây bò không có móc, đầu sán dây lợn có 2 vòng móc. Chiều dài của sán dây bò khoảng 4 đến 12 mét, chiều dài của sán dây lợn khoảng 2 đến 3 mét.

Số đốt sán dây bò khoảng 1.200 đến 2.000 đốt, số đốt sán dây lợn chỉ khoảng 800 đến 1.000 đốt.

Sán dây bò thường rụng từng đốt sán, trong khi đó sán dây lợn thường rụng từng khúc vài đốt sán.

- Đốt sán già của sán dây bò tự động bò ra ngoài hậu môn không cần theo phân, còn đốt sán già của sán dây lợn thường ngắn và có 5 đến 6 đốt dính liền nhau thường theo phân ra ngoài.

- Trứng sán dây bò hình bầu dục, dài khoảng 30 đến 40µm, rộng khoảng 20 đến 30µm; trứng sán dây lợn hình cầu, đường kính khoảng 35 đến 36µm.

- Nang ấu trùng sán dây bò (cysticercus bovis) gọi là “bò gạo” hay “gạo bò” khó nhận biết, nang ấu trùng sán dây lợn (cysticercus cellulosae) gọi là “lợn gạo” hay “gạo lợn” dễ nhận biết hơn. Vật chủ trung gian của sán dây bò phải là trâu bò là điều bắt buộc, người có thể là vật chủ trung gian nhưng hiếm; vật chủ trung gian của sán dây lợn phải là lợn nhà là điều bắt buộc và người, lợn rừng, chó, mèo... cũng có thể là vật chủ trung gian.

Người bị nhiễm sán dây bò thường do ăn thịt trâu bò có nang ấu trùng sán còn tái, sống, chưa được nấu chín kỹ; người bị nhiễm sán dây lợn do ăn thịt lợn có nang ấu trùng còn tái, sống, chưa được nấu chín kỹ hoặc ăn phải trứng sán hay đã bị nhiễm sán trưởng thành rồi mà bị nôn làm đốt sán già từ ruột lên dạ dày để trứng và ấu trùng sán tiếp tục phát triển.

Biện pháp phòng chống bệnh sán dây bò

Biện pháp phòng chống bệnh sán dây bò cũng tương tự như biện pháp phòng chống bệnh sán dây lợn.Sán dây bò thường phân bố rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới kể cả nước ta nên việc phòng chống bệnh cần được quan tâm.

Trên thực tế, trâu bò mắc bệnh sán dây bò do ăn phải cỏ có trứng sán dây bò hiện diện trong đó; ở những cánh đồng cỏ hai bên bờ sông bị ngập nước, trứng sán dây bò vẫn có thế sống lâu tại đây với thời gian hơn 8 tuần để gây nhiễm bệnh cho trâu bò. Thường trâu bò con dưới 1 năm tuổi dễ bị nhiễm bệnh sán dây bò nhiều hơn là trâu bò đã lớn do một phần nào đó trâu bò lớn đã được miễn dịch.

Ở các xứ sở và quốc gia có nhiều người theo đạo Hồi, rất hiếm gặp bệnh sán dây bò vì theo tập tục họ thường kiêng cử ăn thịt bò. Hiện nay nhiều nước tiên tiến đã có xu hướng phòng bệnh cho trâu bò, trong đó có bệnh sán dây bằng cách tiêm vắcxin để bảo vệ cho trâu bò không bị nhiễm sán.

Có thể dùng kháng nguyên được điều chế từ oncospheres là dạng ấu trùng của sán dây khi chúng được vật chủ trung gian ăn phải để cho bò cái uống, kháng thể IgA do tế bào lympho B ở niêm mạc tăng tiết, từ đó IgA chuyển sang tuyến vú và IgA có trong sữa của bò cái, bò con hay bê bú sữa này có chứa kháng thể IgA sẽ có khả năng chống lại sự nhiễm sán dây bò.

Lời khuyên của thầy thuốc

- Như vậy trong việc ăn uống hàng ngày, nếu ăn thịt lợn tái, sống, chưa được nấu chín kỹ, dễ mắc bệnh sán dây lợn; nếu ăn thịt trâu bò tái, sống, chưa được nấu chín kỹ, dễ mắc bệnh sán dây bò. Nguy cơ nhiễm bệnh sẽ xảy ra đối với những người và những vùng còn tập quán, sở thích ăn thịt lợn và thịt trâu bò tái, sống, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy cần lưu ý đến vấn đề này để chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình; các bếp ăn tập thể ở trường học, công ty, xí nghiệp... cũng cần thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra thực phẩm sử dụng hàng ngày để loại bỏ những nguy cơ có thể ảnh hưởng.

- Đồng thời việc tăng cường kiểm dịch động vật giết mổ ở các lò mổ hoặc cá thể tại hộ gia đình trước khi tiêu thụ, sử dụng là yêu cầu bắt buộc trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và phòng chống bệnh sán dây bò, sán dây lợn nói riêng.

- Khẩu hiệu phòng bệnh hơn chữa bệnh là điều cần được quan tâm thực hiện đối với bệnh giun sán, một loại bệnh được xem đã bị lãng quên trong thời gian qua..

Phân biệt sán dây lợn và sán dây bò

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!