Tuy nhiên allopurinol lại là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra các phản ứng có hại nghiêm trọng trên da (SCAR) được ghi nhận gần đây, bao gồm hội chứng Stenven-Johnsons (SJS), hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN), hội chứng phát ban do thuốc với tăng bạch cầu ái toan (DRESS).
Đa phần SCAR xuất hiện trong vòng ba tháng sau khi sử dụng phác đồ có chứa allopurinol với thời gian khởi phát trung bình là 3 - 4 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Có nhiều yếu tố dẫn đến việc gia tăng số lượng bệnh nhân gặp phải những phản ứng có hại nghiêm trọng khi sử dụng allopurinol, bao gồm:
- Chỉ định bất hợp lý và sử dụng liều khởi đầu cao hơn khuyến cáo: Chỉ nên sử dụng allopurinol trong trường hợp như viêm khớp gút mạn tính, bị sỏi thận do acid uric (kèm theo hoặc không kèm theo viêm khớp do gút). Không dùng allopurinol khi chỉ có tăng acid uric máu đơn thuần. Liều khởi đầu của allopurilol được các cơ quan quản lý dược phẩm khuyến cáo dưới 100mg/ngày. Trong nhiều báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) liên quan đến allopurinol, liều khởi đầu được ghi nhận trên các đối tượng có nguy cơ cao thường lên đến 300 mg/ngày.
- Suy giảm chức năng thận: allopurinol thải trừ chủ yếu qua thận. Bệnh nhân được kê allopurinol phần lớn là người cao tuổi vốn chức năng thận đã bị suy giảm, khiến nồng độ allopurinol trong máu tăng cao, dẫn tới tăng nguy cơ xảy ra dị ứng.
- Kiểu gien: Người Việt Nam mang gien có alen HLA-B*5801 - là loại gien khiến phản ứng dị ứng với allopurinol xảy ra cao gấp 17 lần so với các chủng tộc khác.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra SCAR, cần sử dụng thận trọng allopurinol, bắt đầu điều trị với liều thấp, đánh giá chức năng thận, điều chỉnh liều và giám sát một cách phù hợp, đặc biệt trong vòng ba tháng đầu điều trị.
Việc xác định kiểu gen cho alen HLA-B*5801 cần được cân nhắc ở những bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ sẵn có như suy thận. Người bệnh cần nhận biết sớm phản ứng dị ứng, dừng thuốc ngay khi xuất hiện dấu hiệu ngoài da và trao đổi với bác sĩ điều trị.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!