Báo chí góp 1 phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo: Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Báo chí góp 1 phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhờ truyền thông mà những thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới luôn được cập nhật rất đầy đủ. Chưa bao giờ thông tin đầy đủ, kịp thời và đồng loạt như vậy.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho rằng: Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trướcẢnh: VGP/Đình Nam
Theo Phó Thủ tướng, việc thế giới ghi nhận người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông.
Chia sẻ với những khó khăn của phóng viên báo chí Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và cho rằng, chúng ta phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp.
Chúng ta luôn chủ động, chưa bao giờ bị động
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng nêu rõ, với dân số đông gần 100 triệu người, có đường biên giới dài với Trung Quốc (quốc gia đầu tiên xuất hiện dịch bệnh COVID-19), Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Nhưng những con số biết nói (hiện số ca nhiễm bệnh đứng 103 trên thế giới, chưa có người tử vong…) đã chứng tỏ chúng ta đã có sự lãnh đạo đúng, thực thi đúng,… và khi đã đúng thì chúng ta có lòng tin trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới.
Phó Thủ tướng cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán, khi chưa ai nói gì về khả năng dịch lây nhiễm vào Việt Nam, Bộ Y tế đã họp bàn, mời các chuyên gia, thảo luận kỹ càng về công tác phòng, chống dịch. Đến giờ phút này, sau 3 tháng cho thấy chúng ta đã rất chủ động, chưa bao giờ bị động, chưa bao giờ hốt hoảng trong công tác phòng chống dịch bệnh và luôn làm sớm hơn với các giải pháp cao hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
'Chúng ta luôn lường tình huống xấu hơn để không xấu đi và tình huống xấu nhất để không bao giờ xảy ra. Chúng ta đã xây dựng đầy đủ các kịch bản ứng phó. Tất cả các diễn biến dịch bệnh trong nước đều đã được dự liệu và có phương án phù hợp'- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng: Chúng ta chưa bao giờ bị động, chưa bao giờ hốt hoảng vì tất cả những diễn biến đó đều đã được dự báo. Các con số nhiễm bệnh đều thấp hơn chúng tôi dự báo, thấp hơn các chuyên gia dự báo. Chúng ta dự báo rất đúng, kết quả thực tế tốt hơn
Theo Phó thủ tướng, có được kết quả này là do Việt Nam đã thực hiện các biện pháp chống dịch luôn sớm hơn và cao hơn với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và các nước. Thực tế cho thấy hiện nay Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
'Chúng ta kiên định chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. 5 chữ tưởng chừng đơn giản nhưng là cả quá trình, đúc kết từ những lần chống dịch trước đó, của cả thế giới và trong nước, tham khảo rất nhiều chuyên gia. Chúng ta có sự điều hành rất thống nhất, rất đồng bộ'- Phó thủ tướng chia sẻ
Thứ hai là chúng ta biết nhìn mình, biết rõ điểm yếu và điểm mạnh của nền y tế Việt Nam, của nền kinh tế. Việt Nam đang là nước phát triển nên nền kinh tế nói chung và y tế của Việt Nam nói riêng còn nhiều yếu kém so với các nước. Vì thế chiến lược hàng đầu là ngăn không để nhiều người nhiễm bệnh, nếu đã không may nhiễm bệnh thì ngăn không cho tình hình trở nên nặng hơn.
Theo Phó thủ tướng, điểm mạnh của Việt Nam là có cơ chế phòng chống thiên tai, chống lụt bão rất tốt với nguyên tắc 4 tại chỗ, có sự vận hành rất tốt từ các địa phương.
'Chúng ta cũng có hệ thống chính trị tuyệt vời, đặc biệt lực lượng vũ trang là vũ trang nhân dân. Ngay từ trước Tết, lực lượng quân đội đã được huy động đầu tiên. Chúng ta coi đây như một diễn tập cho các sự cố an ninh phi truyền thống trong tương lai. Lực lượng tiếp theo tham gia là công an'- Phó thủ tướng nói.
Nhân dân có vai trò quan trọng hàng đầu trong chống dịch
Một trong những điều rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch là Việt Nam đã xác định nhân dân có vai trò quan trọng hàng đầu. Ý thức cộng đồng được đặt lên hàng đầu, lực lượng công an, quân đội, y tế… là nòng cốt. Đa phần người dân có ý thức rất tốt.
Phó thủ tướng cũng đặc biệt bày tỏ sự cảm động trước đội ngũ tình nguyện viên, các chuyên gia công nghệ thông tin từ các công ty, các trường đại học âm thầm, lặng lẽ ở bên trong để giúp truy vết từ các chuyến bay. Đến bây giờ cứ phát hiện một trường hợp dương tính là chúng ta truy vết được F1, F2, F3. Việc này chỉ có Việt Nam làm được.
Lúc đầu để truy ra một người trên một chuyến bay mất 5 ngày nhưng hiện tại dữ liệu nhiều hơn, chúng ta thành thục hơn thì mất vài viếng. Đây là điều rất đặc sắc của Việt Nam.
Về những việc làm trong thời gian sắp tới, Phó thủ tướng nhấn mạnh: 'Trước hết chúng ra rất tin là chúng ta đã có biện pháp đúng và phải tiếp tục làm. Báo chí cần tuyên truyền để người dân tin vào những giải pháp đó và trực tiếp bây giờ là chỉ thị 16 của Chính phủ. Phải tuyệt đối không được chủ quan. Dù có từng lúc tình hình có tốt thì chúng ta chỉ nói thắng từng trận đánh, từng chiến dịch nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước'.
Những ngày qua tình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, nhưng người dân không được chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị về cách ly xã hội. 'Chúng ta hãy đồng lòng, có niềm tin ủng hộ chủ trương này. Chúng ta có lòng tin vào các chính sách đã và đang được thực hiện', Phó thủ tướng nói.
Người dân hãy tin tưởng vào bác sĩ điều trị
Về công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Do đó, chúng ta cần đồng lòng, có niềm tin, ủng hộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế.
Về điều trị, hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có phác đồ chuẩn. Nguyên tắc đầu tiên của Việt Nam cũng giống như các nước là không thụ động đợi có một loại thuốc nào hay phác đồ chuẩn nào từ WHO. Hệ thống điều trị đã chủ động làm các thử nghiệm lâm sàng. Trong lúc chống dịch không thể đòi hỏi cơ sở khoa học như lúc bình thường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn- Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 trò chuyện với bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Phó Thủ tướng chia sẻ, ngay trong điều trị, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc phác đồ điều trị chuẩn. Vì vậy, chúng ta không thể thụ động, chờ đợi từ bên ngoài mà chủ động thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc, phác đồ điều trị dù chưa có cơ sở khoa học đầy đủ như lúc bình thường. Những loại thuốc hay phác đồ nào có thể có xác suất thành công thì đều được nghiên cứu, xem xét đưa vào.
Nhắc lại vụ dịch SARS năm 2003, Việt Nam đã đưa ra phác đồ điều trị và sau này cả thế giới đều áp dụng theo. Phó thủ tướng thể hiện sự tin tưởng vào phác đồ điều trị Covid-19 của Việt Nam hiện nay. Thực tế, trong thời gian qua, số người khỏi bệnh rất nhiều.
'Nếu có phác đồ thì dù phác đồ đó thế nào, cập nhật thường xuyên thì vẫn là tờ giấy, vẫn khô cứng, quan trọng là người bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Mỗi người bệnh có thể trạng khác, bệnh nền khác, điều kiện khác thậm chí tâm lý khác'- Phó thủ tướng chia sẻ.
Vì thế, điều quan trọng hàng đầu là người dân hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ và hãy lạc quan. Chúng ta có hệ thống nối mạng tất cả các cơ sở, các chuyên gia giỏi nhất đều đang tập trung tham gia điều trị cho các bệnh nhân.
'Tôi mong chúng ta tiếp tục đồng sức, đồng lòng và chúng ta sẽ giành được thắng lợi. Những ngày tới đây, dự báo trước sẽ còn một số ca bệnh xuất hiện. Điều này là bình thường, nằm trong dự báo nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Không chủ quan nhưng chúng ta có thể lạc quan. Nếu chấm dứt dịch sớm hơn các nước, chúng ta sẽ có lợi thế'- Phó thủ tướng khẳng định.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!