Liên tiếp trong các tuần gần đây, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TW tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám, điều trị do hội chứng cúm, viêm phổi do vi-rút... Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên chủ quan với cúm thường mà cần điều trị dứt điểm để tránh biến chứng nguy hiểm.
Tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TW, từ đầu năm đến nay đều rải rác có bệnh nhân nhập viện do cúm, đặc biệt liên tiếp trong các tuần gần đây, BV tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám, điều trị do hội chứng cúm, viêm phổi do vi-rút... Các chuyên gia cảnh báo, người dân không nên chủ quan với cúm thường mà cần điều trị dứt điểm để tránh biến chứng nguy hiểm.
Độ ẩm cao, số người nhiễm cúm gia tăng
Tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, mới đây nhất có 3 trường hợp nhập viện do viêm phổi nghi nhiễm cúm và đều đang phải thở m áy. Trong đó có một trường hợp là nam giới 50 tuổi ở Phú Thọ. Bệnh nhân này có mẹ mới mất vì viêm phổi nặng tiến triển không rõ nguyên nhân. Sau khi mẹ mất, người đàn ông này cũng có biểu hiện sốt, sau đó viêm phổi và được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới TW.
Một bệnh nhân viêm phổi, phải thở máy nghi ngờ nhiễm cúm đang được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Một trường hợp khác, là nam giới 40 tuổi (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng do cúm. Sau hơn 3 tuần điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và ra viện.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B gây nên. Bệnh ghi nhận quanh năm và nhiều hơn vào mùa xuân, độ ẩm cao trong không khí rất thuận lợi cho vi-rút này lây lan.
BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TW) cho biết thêm, vi-rút cúm vào cơ thể gây suy giảm miễn dịch dễ dẫn đến viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, tuy nhiên, một số trường hợp vi-rút tấn công trực tiếp gây viêm phổi với tổn thương lan tỏa rộng, diễn biến nhanh. Đây là căn bệnh dễ lây lan, nhất là trong những ngày thời tiết miền Bắc ẩm ướt như hiện nay, vi-rút cúm có cơ hội tồn tại trong môi trường lâu hơn nên dễ lây truyền bệnh hơn. Do vi-rút ở trong các giọt nhỏ nước bọt từ người bệnh bắn ra không khí, thời tiết ẩm, các giọt này lâu khô, vi-rút tồn tại lâu hơn.
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, các chủng cúm mùa thông thường như cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 diễn biến thường nhẹ, bệnh khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên có một tỷ lệ nhất định vi-rút cúm tấn công gây viêm phổi trầm trọng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Ngoài ra, vi-rút cúm cũng có nguy cơ gây viêm cơ tim, nên ở các ca vi-rút cúm tấn công phổi, tấn công cơ tim diễn biến bệnh nhân rất nặng. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm như sốt, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi... mọi người vẫn thường tự điều trị triệu chứng ở nhà, sau vài ba ngày là bệnh lui. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức bình thường thì bệnh nhân nên đến bệnh viện để được kiểm tra. Đặc biệt khi có sốt cao, sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức người kèm theo triệu chứng đau ngực, khó thở thì càng phải đến viện sớm.
Cúm thường cũng dễ biến chứng
PGS.TS. Phan Thu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai cho hay, khi mắc bệnh cúm, người bệnh có tâm lý không quan tâm đến điều trị dứt điểm và bệnh sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn, tuy nhiên đây là một tâm lý sai lầm vì bệnh cúm nếu không được điều trị, cộng với tình trạng sức khỏe không tốt, sẽ dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Những bệnh nhân cúm ở thể nặng đều phải thăm khám lâm sàng hoặc cận lâm sàng, cần được chụp Xquang để theo dõi giám sát vì diễn biến tổn thương của bệnh cúm diễn ra rất nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn tới viêm phổi cấp tính do vi-rút, là một dạng biến chứng rất nặng của cúm và thường diễn ra ở các dịch cúm, xảy ra ở tất cả mọi người.
Đáng lưu ý, có một số nhóm bệnh nhân khi nhiễm cúm thì diễn biến bệnh bất thường, không thể tự khỏi được, gây nguy hiểm, đó là những nhóm bệnh nhân mắc những bệnh mạn tính như các bệnh về tim mạch, suy tim; hoặc bệnh về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản..., hay những bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch, nhóm đối tượng trên 65 tuổi và nhóm đối tượng trẻ em và phụ nữ mang thai.
PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW thông tin thêm: Các chủng cúm đều tiến triển nhanh chứ không riêng gì độc lực mạnh hay yếu, kể cả cúm A/H1N1, cúm mùa hay H5N1, H7N1. Riêng với cúm đại dịch 2009 là cúm A/H1N1, H3N2 cúm B, đa phần là lành tính, tự khỏi, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên. Vì thế, người dân không nên chủ quan. Khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến bệnh viện khám để được tư vấn tốt nhất.
Để phòng nhiễm và lây lan vi-rút cúm, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối 0,9%; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc-xin cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!