Phòng, chống dịch Covid-19: Những 'chiến sĩ' thầm lặng

Thời sự - 05/12/2024

Trong số 16 trường hợp dương tính với Covid-19 mà Việt Nam ghi nhận, đã có 15 trường hợp được xuất viện. Dự kiến, trong vài ngày tới, ca bệnh thứ 16 cũng sẽ được xuất viện. Và từ ngày 14-2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới Covid-19. Để có được kết quả thành công trong điều trị cũng như bước đầu kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 là biết bao ngày đêm nỗ lực, thầm lặng hy sinh của các y, bác sĩ, nhân viên y tế - những 'chiến sĩ' áo trắng trên tuyến đầu chống dịch.

Phòng, chống dịch Covid-19: Những 'chiến sĩ' thầm lặng

Đội ngũ y, bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ trong 'cuộc chiến' với dịch Covid-19. Trong ảnh: Các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương điều trị cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất nhiễm Covid-19.

Tận tụy nơi tuyến đầu chống dịch

Dù đã kết thúc việc điều trị thành công cho 5 bệnh nhân dương tính với Covid-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra), nhưng công việc của các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) vẫn chưa phút nào thảnh thơi. Bởi, hằng ngày, ngoài công việc thường nhật tại bệnh viện, họ vẫn tiếp tục thăm khám, theo dõi sức khỏe cho những trường hợp đang phải cách ly, giám sát y tế…

Trong căn phòng rộng khoảng 12m2 ở Khoa Cấp cứu, Tiến sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa cùng các nhân viên tranh thủ lót dạ bằng chiếc bánh chưng được một người nhà bệnh nhân 'tiếp tế', trước khi tiếp tục bước vào 'cuộc chiến' chống dịch Covid-19. Tiến sĩ Thân Mạnh Hùng kể, anh còn nhớ như in ngày tiếp nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Thời điểm đó, nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên không giấu được sự căng thẳng và những câu hỏi thường trực trong tâm trí: Mặc đồ bảo hộ như thế có an toàn; diễn biến sức khỏe người bệnh có nặng lên; trang thiết bị có đáp ứng được nếu bệnh nhân nặng tăng, nhập viện quá đông... Thế nhưng, những lo lắng cũng nhanh chóng qua đi, khi tất cả cùng lao vào công việc, dốc sức cứu chữa người bệnh. 

Kể từ khi dịch Covid-19 được công bố, đã có 60 cán bộ, nhân viên y tế ăn, ngủ tại bệnh viện, lấy bệnh viện là nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác. Bệnh viện cũng đã thu xếp một khu nhà ở tạm cho các cán bộ, nhân viên y tế với những điều kiện sinh hoạt tối giản hết mức. Công việc hằng ngày của các y, bác sĩ ở đây là thăm khám, đánh giá toàn trạng của bệnh nhân, các dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng... Thậm chí, các y, bác sĩ thuộc lòng cả vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân giai đoạn trong phòng cách ly đặc biệt, rồi cả quy trình khử trùng, tránh phát tán vi rút ra bên ngoài.

Hằng ngày, trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại phòng cách ly đặc biệt, điều dưỡng Khoa Cấp cứu Nguyễn Thị Dung phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt 3-4 giờ khiến cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng bí bách, khó chịu. Trong suốt ca làm việc, mồ hôi chị ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống... Những cố gắng đó đã được đền đáp bằng những nụ cười trên gương mặt 5 bệnh nhân trong ngày xuất viện. 'Không chỉ điều trị cho tôi khỏi bệnh, các y, bác sĩ còn động viên tinh thần, chia sẻ như những người thân trong gia đình', anh T.C.P (bệnh nhân 30 tuổi, ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ lời cảm ơn.

Cũng là cơ sở y tế tiếp nhận điều trị 5 bệnh nhân dương tính với Covid-19, Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) được huy động 29 bác sĩ và cán bộ y tế làm việc 24/24 giờ, bảo đảm khám và các điều kiện sinh hoạt đầy đủ cho bệnh nhân. Bác sĩ Trần Quang Vịnh, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu tham gia chống dịch Covid-19 từ ngày 30-1 và cũng cách ly với gia đình từ đó đến nay. Đến ngày 7-2, anh được điều động tăng cường đến phòng khám 'đặc biệt' này. 'Vợ con tôi ở Hà Nội, một mình tôi ở Vĩnh Phúc. Nhiều lúc rất nhớ nhà, thậm chí có những phút giây chạnh lòng khi nhận được thông tin, mọi người xung quanh ngần ngại khi tiếp xúc với vợ con tôi, vì biết tôi tham gia chống dịch. Dù vậy, là một bác sĩ, tôi không thể bỏ mặc bệnh nhân. Chúng tôi vững tin khi điều trị khỏi cho 4 bệnh nhân nhiễm Covid-19 và một bệnh nhân còn lại ở phòng khám đang có tiến triển tốt', bác sĩ Trần Quang Vịnh tâm sự.

Phòng, chống dịch Covid-19: Những 'chiến sĩ' thầm lặng

Chăm sóc bệnh nhân điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Ảnh: Giang Huy

Cần được dân tin, đồng lòng chống dịch

Với 11/16 ca dương tính Covid-19 ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Y tế đã hỗ trợ vật tư, hóa chất dập dịch, đồng thời cử tổ công tác đặc biệt, gồm 2 đội thường trực tại đây 24/24 giờ trong 20 ngày, kể từ ngày 13-2. Một đội hỗ trợ trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân; một đội hướng dẫn công tác dự phòng, khoanh vùng dập dịch, bảo đảm yếu tố môi trường, vệ sinh phòng bệnh.

Cùng đồng hành với những bác sĩ nơi tuyến đầu trong 'cuộc chiến' chống dịch Covid-19, những cán bộ y tế làm công tác dự phòng cũng vất vả, hiểm nguy không kém. Họ phải đến từng thôn xóm, vào từng hộ gia đình, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh. Nếu không cẩn thận, nguy cơ nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn. Bởi, những người dân trong vùng dịch mà họ tiếp xúc, những góc nhà, ngõ xóm mà họ đi qua, rác thải mà họ thu gom có ai dám chắc không có vi rút gây bệnh.

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế 'cắm chốt' tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, xã Sơn Lôi, nơi đang phải khoanh vùng, cách ly có 10.600 dân, gồm 6 thôn. Các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt chia nhau mỗi người quản lý 30-50 hộ dân, trong quá trình hỏi thăm sức khỏe, nếu thấy trường hợp nào bất thường, phải báo cáo cách ly ngay, sau đó theo dõi sức khỏe cho từng trường hợp, cặp nhiệt độ sáng và chiều, ghi lại vào bảng, báo cáo lên các cấp để nắm tình hình… 'Chúng tôi có câu thần chú đó là: 'Phát hiện, phát hiện, phát hiện. Cách ly, cách ly và cách ly'. Khó khăn, vất vả chúng tôi không ngại, mà quan trọng nhất là người dân hiểu, tin tưởng cùng phối hợp chống dịch', ông Trần Như Dương nói.

Còn ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chia sẻ, những người làm công tác y tế dự phòng không ngại khổ, ngại khó, mà sợ nhất là những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Bởi, những thông tin không đúng khiến nhân dân mất niềm tin, hoang mang, lo lắng quá mức. 'Mỗi người nên chọn lọc thông tin dịch bệnh từ kênh chính thống, để trang bị cho mình kiến thức phòng bệnh tốt nhất, như đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà ở, nơi làm việc... Khi nhân dân tin tưởng, cùng chung tay chống dịch, nhiệm vụ của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn nhiều', ông Nguyễn Nhật Cảm bày tỏ. 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!