Phòng chống đột quỵ bằng 7 điều đơn giản: Liệu có dễ thực hiện?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/24/2024

Phòng chống đột quỵ không khó nếu bạn quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn và hình thành những thói quen sống tốt.

Phòng chống đột quỵ không khó nếu bạn quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn và hình thành những thói quen sống tốt.

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng sức khỏe không thể xem thường bởi nó sẽ gây ra nhiều biến chứng xấu. Bên cạnh yếu tố di truyền, có nhiều điều bạn có thể thực hiện nhằm đề phòng các cơn đột quỵ xảy đến thay vì đợi “nước đến chân mới nhảy”. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về 7 điều nên làm để phòng chống đột quỵ.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ khiến não không nhận đủ oxy. Khi đó một phần não bắt đầu chết đi và gây tổn thương não. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây nên tử vong cao và để lại một số di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân.

Những điều nên làm để phòng đột quỵ

1. Kiểm soát huyết áp

Người bị cao huyết áp nhưng không được kiểm soát có nguy cơ mắc đột quỵ cao gấp đôi hoặc thậm chí gấp bốn lần so với người có sức khỏe bình thường. Để làm được điều này, bạn có thể:

  • Giảm sử dụng muối, tốt nhất là chỉ sử dụng chưa tới nửa muỗng cà phê muối mỗi ngày
  • Tránh các loại thực phẩm nhiều cholesterol như bánh mì kẹp thịt, pho mát và kem
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả mỗi ngày
  • Mỗi tuần ăn cá từ 2 – 3 lần
  • Uống sữa ít béo
  • Không hút thuốc
  • Tập thể dục đều đặn.

Ngoài ra nếu cần thiết, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc hạ huyết áp.

2. Giảm cân

Tình trạng béo phì có khả năng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Nếu thừa cân, bạn cần phải giảm ít nhất 5kg để cải thiện tình trạng theo hướng khả quan. Một số biện pháp khác để kiểm soát cân nặng bao gồm:

  • Cố gắng ăn không quá 1.500 đến 2.000 calo mỗi ngày (tùy thuộc vào mức độ hoạt động và chỉ số BMI hiện tại của bạn).
  • Tăng số lượng bài tập bạn thực hiện với các hoạt động như đi bộ, đạp xe, bơi lội và biến nó thành một phần của các hoạt động thường nhật.

Nếu chưa biết chỉ số khối cơ thể của mình là bao nhiêu, bạn hãy truy cập vào đây để tính.

3. Vận động nhiều hơn

Phòng chống đột quỵ bằng 7 điều đơn giản: Liệu có dễ thực hiện?

Thói quen tập thể dục thường xuyên không chỉ góp phần làm giảm cân và giảm huyết áp mà còn là một trong những yếu tố giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Do vậy, hãy nhắm đến mục tiêu vận động đều đặn 3 – 5 ngày mỗi tuần kèm theo:

  • Đi dạo sau mỗi bữa ăn
  • Chọn đi cầu thang bộ thay vì thang máy
  • Nếu không có từ 45 – 60 phút cho một lần tập thể thao, bạn có thể chia nhỏ thời gian cùng cường độ phù hợp.

4. Sử dụng rượu bia có chừng mực

Uống một ít rượu có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ nhưng với mức độ 1 ly mỗi ngày, nếu nhiều hơn thế, nguy cơ bị đột quỵ sẽ tăng lên rất nhanh. Ngoài ra, nên ưu tiên chọn rượu vang đỏ bởi loại rượu này được chứng minh có tác dụng tốt trong việc bảo vệ tim mạch và não bộ.

5. Điều trị rung tâm nhĩ

Rung tâm nhĩ là một dạng của nhịp tim bất thường, tình trạng này sẽ khiến các cục máu đông hình thành trong tim. Những cục máu đông này có thể di chuyển đến não khiến người bệnh bị đột quỵ. Do vậy, bạn không thể xem thường tình trạng rung tâm nhĩ mà cần điều trị cẩn thận kèm theo các lưu ý nhỏ sau:

  • Nếu bạn có các triệu chứng như tim đập nhanh hoặc khó thở, hãy đi khám sớm
  • Nếu được chỉ định sử dụng thuốc chống đông máu, nên uống thuốc theo hướng dẫn.

6. Điều trị bệnh đái tháo đường

Theo thòi gian, tình trạng đường huyết cao làm tổn thương các mạch máu khiến huyết khối dễ dàng hình thành hơn. Hãy kiểm soát tốt đường huyết để điều trị bệnh đái tháo đường bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ điều trị.

7. Không hút thuốc

Phòng chống đột quỵ bằng 7 điều đơn giản: Liệu có dễ thực hiện?

Thói quen hút thuốc làm tăng tốc sự hình thành huyết khối theo một vài cách khác nhau chẳng hạn như làm máu đặc hớn, tăng số lượng mảng bám tích tụ trong các động mạch từ đó dẫn đến đột quỵ. Hãy hạn chế hoặc từ bỏ hoàn toàn thói quen này kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn nhằm cải thiện sức khỏe.

Hy vọng với những chia sẻ ở trên, bạn đã biết cách phòng chống đột quỵ một cách mạnh khỏe.

Vi Cao / HELLO BACSI 

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Tìm hiểu nguyên nhân đột quỵ để có thể phòng bệnh hiệu quả
  • Những dấu hiệu và triệu chứng đột quỵ ở người cao tuổi
  • 8 mẹo dành cho người chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!