Phòng chống stress nhiệt dưới trời nắng nóng

Kỹ năng sống - 05/16/2024

Với tình trạng kiệt sức do nhiệt, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới đột quỵ và có thể tử vong.

Người lao động làm việc ngoài trời trong điều kiện nắng nóng kéo dài có thể gặp phải những rối loạn sức khỏe do stress nhiệt (là những kích thích bất thường của khí hậu như nóng quá, lạnh quá và ẩm quá đối với cơ thể), có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Viện nghiên cứu Quốc gia về sức khỏe nghề nghiệp và An toàn lao động Hoa Kỳ (National Institute of Occupational and safaty Health, viết tắt là NIOSH) khuyến cáo các doanh nghiệp phải có kế hoạch phòng chống những rối loạn sức khỏe liên quan đến stress nhiệt tại nơi làm việc, như cung cấp nước uống, làm quen với điều kiện thời tiết, kế hoạch huấn luyện cho người lao động nhận biết và xử trí khi có những triệu chứng hay dấu hiệu bất thường; có kế hoạch về việc luân phiên nghỉ ngơi trong những khoảng thời gian ngắn.

Phòng chống stress nhiệt dưới trời nắng nóng

Theo báo cáo thống kê của NIOSH trong giai đoạn 15 năm (1992-2006), tại Mỹ đã có 423 người tử vong do nhiệt độ môi trường tăng cao, trong đó có 102 người làm việc trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp, 68 công nhân thu hoạch mùa màng tử vong do đột quỵ bởi nhiệt, cao gấp 20 lần tỷ lệ tử vong của công nhân trong các ngành nghề khác. Năm 2011, Bộ Lao động Mỹ cho biết, cứ 1000 người lao động thì có 2 người có nguy cơ chịu stress nhiệt, một số nghành nghề như cứu hỏa, xây dựng, vận tải, nông nghiệp có tỷ lệ cao hơn. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng con số này sẽ không nhỏ do điều kiện thời tiết của nước ta là khí hậu nhiệt đới, với nhiệt độ và độ ẩm cao trong những tháng mùa Hè, nhất là trong những ngày tháng đầu mùa do cơ thể chưa quen với thời tiết nắng nóng.

Công nhân làm việc ngoài trời có thể gặp stress nhiệt do nhiệt độ môi trường tăng cao, khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên. Cơ thể con người điều hòa thân nhiệt chống lại sức nóng bằng cách tăng cường bài tiết mồ hôi và tăng lưu lượng máu tới da.

Phòng chống stress nhiệt dưới trời nắng nóng

Rối loạn xảy ra khi nhiệt độ môi trường hoặc nhiệt độ cơ thể tăng cao tới một điểm mà tại đó những nỗ lực của cơ thể để bảo vệ không còn hiệu quả. Khi đó, người lao động sẽ có những rối loạn liên quan đến nhiệt, nhẹ là đỏ da (cháy nắng) nặng là chuột rút, ngất và nguy hiểm nhất là đột quỵ.

Tình trạng kiệt sức do nóng thường có các biểu hiện sau: nhiệt độ vùng lõi cơ thể tăng trên 38oC, ra nhiều mồ hôi, da ẩm và lạnh, mạch nhanh nhưng yếu, huyết áp bình thường hoặc giảm, cơ thể yếu và mệt, khát nước, buồn nôn và nôn, thở nhanh, có thể xuất hiện rối loạn thị lực như nhìn mờ.

Người lao động và người giám sát cần nhận biết và phát hiện sớm các triệu chứng của tình trạng kiệt sức do nhiệt. Bởi nếu không được điều trị kịp thời, người lao động có thể đột quỵ và tử vong.

Đột quỵ do nhiệt xảy ra khi nhiệt độ vùng lõi cơ thể tăng cao hơn 104oF (40oC), các triệu chứng bao gồm da nóng và khô hoặc đổ mồ hôi nhễ nhại, mạch nhanh, đau đầu theo nhịp mạch đập, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, lú lẫn, mất ý thức, nói ngọng... Khi đột quỵ do nhiệt xảy ra nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong hoặc có thể để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn.

Phòng chống stress nhiệt dưới trời nắng nóng

Một số biện pháp sơ cứu trong trường hợp này là đưa nạn nhân vào chỗ mát, nới lỏng quần áo, làm ướt cơ thể bằng nước mát, bật quật gió. Các biện pháp dự phòng ngăn chặn các rối loạn cơ thể do nhiệt có ý nghĩa quan trọng nhất. Các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, các doanh nghiệp, những người sử dụng lao động, người lao động cần chú ý những chỉ dẫn sau đây để làm giảm nguy cơ stress nhiệt cho những người làm việc ngoài trời:

1. Xây dựng kế hoạch về huấn luyện, đào tạo cho công nhân, người quản lý về cách dự phòng, nhận biết và xử trí những rối loạn do nhiệt.

2. Thực hiện và đẩy mạnh các chương trình rèn luyện cơ thể thích nghi với điều kiện môi trường cho công nhân lao động, đặc biệt chú ý đối tượng công nhân mới vào nghề (chương trình luyện tập nên được tư vấn bởi các chuyên gia về lĩnh vực y học lao động, sinh lý lao động).

3. Cung cấp đủ nước uống trong quá trình lao động, cứ 15-20 phút nên uống một lần với số lượng nhỏ. Không uống cà phê và đồ uống có cồn hoặc quá nhiều đường vì làm tăng tình trạng mất nước của cơ thể.

4. Thiết lập thời gian lao động và nghỉ ngơi phù hợp với đặc điểm, điều kiện lao động, tốt nhất là sử dụng quần áo sáng màu để phản xạ ánh sáng, sử dụng quần áo tối màu làm tăng hấp thu nhiệt lượng cho cơ thể.

5. Bảo đảm cung cấp được bóng mát hoặc khu vực nghỉ ngơi tránh nóng cho công nhân. Theo dõi công nhân trong suốt ca lao động nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

6. Theo dõi và thông báo bản tin thời tiết hàng ngày, sắp xếp công việc phù hợp, có thể bố trí làm việc sớm hơn khi trời mát để làm giảm tác động tiêu cực của thời tiết nắng nóng.

7. Thông báo ngay các triệu chứng nếu có cho người quản lý hoặc nhân viên y tế khi phát hiện các dấu hiệu của tình trạng stress nhiệt của bản thân và đồng nghiệp.

ThS. BS. Nguyễn Kiên Cường (Viện Y học Dự phòng Quân đội)
Nguồn ảnh: Baodatviet.vn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!