Phòng ngừa đau lưng vùng thấp

Cần biết - 11/24/2024

Đau lưng là một triệu chứng khá thường gặp, có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như thoái hóa cột sống, gãy lún đốt sống, viêm cột sống dính khớp, chấn thương cột sống, ung thư di căn...

Phần lớn các trường hợp đau lưng có nguyên nhân lành tính và ít nguy hiểm (đau lưng thông thường). Vậy ngoài các nguyên nhân bệnh tật, chúng ta có thể bị đau lưng nếu có một số yếu tố nguy cơ nào?

Mọi người cần cảnh giác và đi khám bệnh nếu đau lưng có kèm theo các dấu hiệu: đau lưng kiểu viêm (đau lưng tăng khi nghỉ ngơi, giảm khi vận động), đau về đêm, sốt, sụt cân, có tiền căn ung thư hay có yếu tố nguy cơ loãng xương, có các dấu hiệu thần kinh (tê, yếu, liệt chân, rối loạn đi tiêu, đi tiểu), đau lưng khởi phát trước 30 tuổi hoặc sau 50 tuổi.

Phòng ngừa đau lưng vùng thấp

Tuổi và nghề nghiệp là những yếu tố gây đau lưng vùng thấp.

Ngoài các nguyên nhân bệnh tật, chúng ta có thể bị đau lưng nếu có một số yếu tố nguy cơ như sau:

Tuổi: Đau lưng thường xảy ra lần đầu tiên khi bạn vào độ tuổi 30-50, và khi tuổi càng lớn, chúng ta thường bị đau lưng nhiều hơn. Khi chúng ta dần lớn tuổi, xương bị yếu đi do loãng xương (có thể dẫn đến gãy xương), cùng với đó là giảm tính đàn hồi của cơ cũng như trương lực cơ. Các đĩa đệm bị thoái hóa mất nước và giảm dần sự linh hoạt, từ đó dẫn đến dễ bị thoát vị đĩa đệm. Nguy cơ hẹp ống sống cũng tăng dần theo tuổi.

Mức độ vận động: Đau lưng thường xảy ra ở người không tập thể dục đầy đủ. Các cơ lưng và bụng bị yếu, không đủ sức để nâng đỡ cột sống. Những người cả tuần không vận động, chỉ đến cuối tuần mới tập thể dục nhiều dễ bị đau lưng do các nguyên nhân chấn thương hơn những người tập thể dục với cường độ vừa phải mỗi ngày. Các nghiên cứu cho thấy các bài tập như đi bộ, xe đạp, yoga, bơi lội... có tác dụng bảo vệ đĩa đệm.

Mang thai:Phụ nữ mang thai thường bị đau lưng do các thay đổi của khung chậu cũng như gia tăng trọng lượng cơ thể. Đau lưng thường sẽ hết sau khi sinh.

Tăng cân: Béo phì, thừa cân hay tăng cân nhanh làm gia tăng áp lực lên vùng lưng và dẫn đến đau lưng.

Gene, di truyền: Một số nguyên nhân đau lưng như viêm cột sống dính khớp (một bệnh lý viêm khớp làm dính khớp cột sống và dẫn đến bất động cột sống), có sự góp phần của yếu tố gene.

Yếu tố nguy cơ do nghề nghiệp:Những công việc đòi hỏi phải khiêng vác, kéo đẩy vật nặng, đặc biệt khi kèm xoay hoặc cúi lưng, có thể làm chấn thương và dẫn đến đau lưng. Những công việc ít vận động như nhân viên văn phòng có thể là nguyên nhân hoặc là yếu tố nguy cơ gây đau lưng, đặc biệt khi bạn ngồi tại chỗ suốt ngày mà không được dựa lưng.

Tình trạng tinh thần, tâm lý:Những bệnh lý như lo âu, trầm cảm có thể làm một người thay đổi nhận thức về cơn đau lưng của bản thân. Ngược lại, tình trạng đau mạn tính (đau kéo dài) có thể góp phần gây ra lo âu, trầm cảm. Stress, căng thẳng cũng có thể tác động xấu đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, thường gặp nhất là căng cơ, dẫn đến đau lưng.

Đau lưng ở trẻ em: Đau lưng không do chấn thương hay bệnh lý ít khi gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, mang cặp sách, balo quá nặng làm căng cơ lưng và khiến cơ vùng thắt lưng bị mệt. Hiện nay một số tổ chức sức khỏe khuyến cáo trẻ em chỉ nên mang cặp sách nặng 15-20% trọng lượng của trẻ.

Tóm lại, để phòng ngừa đau lưng, chúng ta cần duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng lý tưởng, khiêng vác và kéo đẩy vật nặng đúng cách, tránh ngồi hoặc đứng một chỗ thời gian dài và cuối cùng là giữ tinh thần thoải mái, tránh stress.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!