Thời tiết lạnh là yếu tố rất bất lợi đối với người mắc bệnh tăng huyết áp. Nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng, đặc biệt là tai biến mạch máu não, đột quỵ...
Tại sao mùa đông dễ tăng huyết áp?
Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong do nguyên nhân tim mạch vào những tháng mùa đông cao hơn 33% so với thời điểm từ tháng mùa hè. Tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim vào các tháng mùa đông tăng 53% so với các tháng mùa hè. Nguyên nhân là do nhiệt độ thấp làm tăng tiết các catecholamin dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp do vậy làm tăng nhu cầu ôxy của cơ tim. Đồng thời, các catecholamin cũng gây co thắt động mạch vành làm giảm cung cấp máu và ôxy cho cơ tim. Nếu động mạch vành của bệnh nhân bị tổn thương có thể sẽ gây ra các triệu chứng đau ngực hay gây nhồi máu cơ tim.
Biện pháp phòng ngừa
Giữ ấm cơ thể
Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Sử dụng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh. Tạo một môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, nhất là vào ban đêm. Người bệnh không nên thức dậy quá sớm. Bởi sau khi ngủ dậy, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn. Nếu dậy quá sớm bước ra ngoài gặp cơn gió lạnh sáng sớm cũng có thể khiến huyết áp tăng cao. Và nhiều cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim buổi sáng đã xảy ra ở những người cao tuổi, người có thói quen tập thể dục sáng sớm.
Chế độ ăn uống
Nên ăn 3 bữa/ngày, không nên ăn vặt. Tránh thức ăn chiên xào, hạn chế mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc. Nên ăn nhiều rau quả xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể, dùng dầu thực vật thay mỡ... và các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sản phẩm từ sữa... Tránh các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá... Hạn chế ăn muối, các thực phẩm giàu natri.
Tăng cường tập luyện
Tập luyện đều đặn và phù hợp với sức khỏe là rất quan trọng đối với người bị tăng huyết áp, giúp nâng cao khả năng chống lạnh và ổn định huyết áp. Người bệnh nên chọn hình thức tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền và khí công... Khi tập thể dục cũng phải chọn chỗ kín gió, ấm áp. Khởi động kỹ trước khi tập luyện. Vẫn cần lưu ý là không nên ra ngoài tập thể dục vào sáng sớm, thay vào đó những khi thời tiết quá lạnh hay nhiều gió có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.
Tuân thủ đúng chỉ định điều trị
Người bệnh cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ để duy trì huyết áp ổn định. Không tự ý thay đổi thuốc, tự ý uống tăng liều thuốc hoặc uống các loại thuốc khác theo mách bảo.
Tuyệt đối không tự bỏ thuốc khi huyết áp đã về trị số bình thường mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị. Điều này thực sự nguy hiểm vì huyết áp đã về bình thường là do tác dụng của thuốc, nếu dừng, nồng độ thuốc không còn nên chắc chắn huyết áp lại tăng cao.
Dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp
Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng. Các triệu chứng tùy thuộc theo thể trạng của từng người. Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là: Choáng váng, nhức đầu; Mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; Đỏ mặt, buồn nôn. Một người khi có các dấu hiệu kể trên cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì và phần lớn thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Bệnh tăng huyết áp có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ các biện pháp tích cực thay đổi lối sống lành mạnh.
Theo An ninh Thủ đô
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!