Phòng ngừa tai biến khi phá thai bằng thuốc

Sức khỏe sinh sản - 11/24/2024

Trường hợp không thể áp dụng phá thai bằng thuốc: chửa ngoài tử cung, dùng vòng tránh thai, corticoid kéo dài, thiếu máu nặng...

Phá thai bằng thuốc hay còn gọi phá thai nội khoa là phương pháp chấm dứt thai kỳ trong tử cung bằng cách sử dụng thuốc để gây sảy thai.

Phá thai bằng thuốc phải do các bác sĩ chuyên khoa phụ sản đảm nhiệm. Để phòng ngừa tai biến khi phá thai, người bệnh không được tự mua thuốc về phá thai tại nhà.

Phương pháp này chỉ được áp dụng cho thai đến hết 9 tuần (63 ngày) tuổi ở cơ sở y tế tuyến trung ương, hết 8 tuần (56 ngày) tuổi ở cơ sở y tế tuyến tỉnh và đến hết 7 tuần (49 ngày) tuổi ở cơ sở y tế tuyến huyện. 

Phòng ngừa tai biến khi phá thai bằng thuốc

Ảnh minh họa

Thuốc được sử dụng để phá thai gồm 2 loại: nhóm chất cạnh tranh với sự gắn kết của progesterone, và nhóm prostaglandine.

- Nhóm progesterone là nội tiết sinh dục nữ, được buồng trứng tiết ra ngay sau rụng trứng, giúp nội mạc tử cung phát triển thuận lợi cho trứng làm tổ trong buồng tử cung. Khi mang thai, dùng thuốc này sẽ khiến bánh nhau thoái hóa từ từ và thai sẽ bị sảy do không được nuôi dưỡng. Thuốc nhóm này hiện đang sử dụng là Mifepristone (RU 486).

- Nhóm prostaglandine có tác dụng kích thích chuyển dạ tự nhiên, thuốc làm mềm cổ tử cung, gây ra cơn co tử cung và tống thai ra ngoài. Có nhiều loại thuốc trong nhóm này, thuốc được dùng nhiều nhất hiện nay là Misoprostol (Cytotec).

Tuy nhiên, một số trường hợp không thể áp dụng phá thai bằng thuốc được như chửa ngoài tử cung, đang mang vòng tránh thai, dùng corticoid kéo dài, thiếu máu nặng, bị bệnh gan và thận. Thuốc phá thai có một số tác dụng phụ như ra máu, rỉ máu kéo dài, buồn nôn, nôn. 

Tóm lại, cần đến cơ sở y tế chuyên Sản phụ khoa để được thăm khám, tư vấn và theo dõi nếu muốn phá thai. Đồng thời phải nói rõ với bác sĩ về tuổi thai, tiền sử bệnh tật của bản thân. Những thông tin quan trọng này sẽ giúp bác sĩ có chẩn đoán và quyết định chính xác khi áp dụng biện pháp phá thai bằng thuốc.

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!