Lý do là bởi, những ngày này, gia đình nào cũng thường chuẩn bị các món ăn nhiều chất đạm như giò, nem, thịt đông, thịt gà; các thức ăn cay, nóng như dưa hành, dưa muối… và các loại bánh, kẹo, mứt chứa nhiều đường.
Mặc dù táo bón không phải là bệnh, nhưng tình trạng táo bón lại khiến bụng ì ạch khó chịu, không thoải mái. Bên cạnh đó, táo bón kéo dài có thể gây ra bệnh trĩ. Để không bị táo bón phá hỏng những giây phút vui vẻ dịp Tết, hãy chú ý những điều sau:
1. Ăn uống điều độ
Thói quen ăn uống là nguyên nhân chính gây ra tình trạng táo bón. Trong dịp Tết, dù bận rộn đến mấy cũng nên cố gắng ăn uống đúng giờ. Tránh tình trạng ‘no dồn đói góp’, có lúc thì đói meo, có lúc lại ăn dồn dập, no nê.
2. Hạn chế các đồ ăn dễ gây táo bón
Các thực phẩm, thức ăn phổ biến trong ngày Tết rất ngon, hấp dẫn nhưng lại là những đồ ăn dễ khiến bạn bị táo bón. Bánh chưng, bánh tét làm từ gạo nếp, thịt mỡ, ăn nhiều dẫn đến đầy bụng, khó tiêu. Dưa hành, dưa góp có nhiều muối, chất chua, cay, kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị, có thể gây rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày. Bánh kẹo, mứt có hàm lượng đường và chất béo cao. Các loại đồ uống như rượu, bia, cà phê, trà đặc khiến cơ thể mất nước nhanh hơn, do đó, nguy cơ táo bón cũng cao hơn.
3. Bổ sung nhiều chất xơ
Chất xơ có tác dụng kích thích nhu động ruột, đồng thời giảm độ cứng của phân, giúp đại tiện trở nên dễ dàng hơn. Do đó, nên bổ sung nhiều chất xơ trong khẩu phần ăn ngày Tết. Chất xơ có thể tìm thấy trong các loại rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
Mặc dù táo bón không phải là bệnh, nhưng tình trạng táo bón lại khiến bụng ì ạch khó chịu, không thoải mái
4. Ăn sữa chua
Sữa chua là loại men tiêu hóa tự nhiên rất tốt cho đường ruột. Khuẩn lactic trong sữa chua đẩy mạnh tăng trưởng của các vi khuẩn có lợi, tiêu diệt vi khuẩn gây hại trong ruột, giảm pH đại tràng, tiêu hóa thức ăn thừa, thúc đẩy nhu động ruột, cực kì hữu hiệu trong việc phòng tránh táo bón.
5. Uống đủ nước
Uống quá ít nước khiến cơ thể không đủ nước bù vào lượng nước bị mất, dẫn đến tỷ lệ nước trong thành phần của phân bị giảm và gây ra táo bón. Các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người nên uống khoảng 2 - 2,5 lít nước/ngày.
Mỗi sáng, sau khi thức dậy và trước khi ăn sáng, có thể uống 1 cốc nước to (nước lọc hoặc nước ấm pha chút mật ong) sẽ có tác dụng đẩy nhanh tiến trình tuần hoàn máu, thanh lọc cơ thể, làm sạch đường tiêu hóa.
6. Tập thể dục
Một số động tác thể dục giúp làm tăng các cơn co thắt của thành ruột; nhờ đó, thức ăn sẽ lưu chuyển dễ dàng hơn, khả năng đào thải chất cặn bã ra ngoài cũng được cải thiện. Nên duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 3 lần 1 tuần, mỗi lần 30 phút, ngay cả trong những ngày Tết.
7. Duy trì thói quen đi đại tiện
Thói quen đi đại tiện rất dễ bị phá vỡ vào những ngày Tết và đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón. Nên cố gắng duy trì đi đại tiện đúng giờ (tốt nhất là vào sáng sớm hoặc buổi tối) và tần suất là 1 lần/ngày.
Không nên cố nhịn bởi nhịn đại tiện thường xuyên khiến ruột già bị phình to, chèn ép lên các nội tạng khác và khoang ngực; bên cạnh đó còn dẫn đến sa trực tràng, tăng nguy cơ mắc ung thư đường ruột. Khi đi đại tiện, không nên rặn quá sức vì có thể làm tổn thương hậu môn hoặc lâu ngày sẽ dẫn đến bệnh trĩ.
Như đã nói ở trên, táo bón không phải là bệnh. Thế nhưng, nếu tình trạng táo bón kéo dài hơn 3 tuần, có biểu hiện nặng, kèm theo đó là các triệu chứng đi ngoài ra máu, sốt, mệt mỏi, sụt cân, bạn không được chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán bệnh.
Hà Vân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!