Phụ nữ mang thai bị liệt dây thần kinh số 7 có ảnh hưởng đến thai nhi?

Thời sự - 11/24/2024

Theo các chuyên gia, so với đa số đối tượng khác, phụ nữ mang thai nguy cơ bị liệt dây thần kinh số 7 cao hơn khi nhiễm lạnh đột ngột. Bị liệt dây thần kinh số 7 có ảnh hưởng phụ nữ mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi hay không, dưới đây là lý giải của chuyên gia.

Phụ nữ mang thai bị liệt dây thần kinh số 7 có ảnh hưởng đến thai nhi?

Điều trị cho mẹ bầu bị liệt dây thần kinh số 7. Ảnh: T.L

Sản phụ bị liệt dây thần kinh số 7 không ảnh hưởng thai nhi

Lương y đa khoa Nguyễn Thanh Thúy – Đông y Ích Thọ Đường (Hà Nội) cho biết, bên cạnh trẻ em, người già, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị liệt dây thần kinh số 7 do lạnh đột ngột. Bởi bản thân cơ thể người phụ nữ mang thai đã mệt mỏi lại gặp lạnh. Theo Y học cổ truyền thì chính khí hư suy, tà khí thừa cơ xâm phạm.

Liệt dây thần kinh số 7 thường vào lúc ngủ dậy, thay đổi trong môi trường phòng ấm và khí lạnh bên ngoài. Có nhiều bệnh nhân chỉ sau một đêm ngủ dậy xuất hiện biểu hiện méo miệng, liệt mặt là vậy.

Ở những thai phụ, khi gặp phải hiện tượng bị liệt mặt họ thường rất lo sợ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Có trường hợp nghĩ rằng, con sinh ra sẽ bị méo miệng như vậy. Nhưng phải khẳng định rằng, liệt dây thần kinh số 7 khi mang thai không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Bệnh chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh và hơn nữa chỉ ảnh hưởng tới vùng mặt chứ không ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể nên sản phụ đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng sức khỏe.

Đồng quan điểm, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Hội Đông Y quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, ở phụ nữ mang thai, liệt mặt có thể gặp trong 3 tháng đầu và cuối của thai kỳ nhiều hơn do thời điểm này cơ thể sản phụ mệt mỏi, gặp lạnh dễ bị nhiễm hơn. Thường sản phụ hay cảm thấy nóng bên trong, thời tiết lạnh vẫn chủ quan mặc phong phanh khi ra bên ngoài đường. Do bị nhiễm lạnh, dây thần kinh số 7 sẽ bị sưng phồng lên và bị chèn ép vào xương khớp dẫn đến tình trạng tê liệt dây thần kinh số 7.

Cũng giống như những người khác bị liệt dây thần kinh số 7, sản phụ sẽ có những triệu chứng điển hình như lệch nhân trung, khuôn mặt bị méo sang một bên và kéo về bên lành. Khi soi gương, thai phụ thấy rất rõ miệng méo, hoặc khi cười hay nói chuyện miệng méo sang một bên… Uống nước vãi bên liệt, nhai khó, thức ăn bị rơi vãi hoặc đọng ở trong miệng. Người bệnh mắt nhắm không kín bên liệt, không kiểm soát được tuyến nước bọt, không thể thổi sáo... Khi bị liệt dây thần kinh số 7 cần phải điểu trị sớm để tránh biến chứng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, gây bất tiện trong sinh hoạt.

Điều trị cần thận trọng để tránh ảnh hưởng đến thai

Phụ nữ mang thai bị liệt dây thần kinh số 7 có ảnh hưởng đến thai nhi?

Lương y đa khoa Nguyễn Thanh Thúy.

Lương y đa khoa Nguyễn Thanh Thúy cho biết, khi bị méo miệng, liệt mặt cần được chữa trị kịp thời và đúng cách, nếu không bệnh có thể để lại di chứng liệt cứng và điều trị rất khó khăn. Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, sản phụ bị liệt mặt cần phải rất cẩn trọng trong việc điều trị để tránh bị sẩy thai. Khi sản phụ bị liệt dây thần kinh số 7 tuyệt đối không tự ý dùng thuốc. Thuốc sẽ mang đến các tác dụng phụ cho cả mẹ lẫn thai nhi trong bụng, thay vào đó cần thăm khám cẩn thận tại các cơ sở y tế uy tín để điều trị. Mẹ bầu cũng có thể kết hợp các phương pháp Đông y lành tính hoặc Tây y dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ.

Với người có thai không may bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên nhẹ có thể áp dụng phương pháp đơn giản, tiện lợi, an toàn cho mẹ và thai nhi như sau: Cây ngải cứu một bó vừa phải. Gừng 5 lát đập nhừ, hai loại trên sao nóng, bọc vải, chườm mặt bên liệt (chú ý tránh bỏng mặt). Người bệnh có thể xoa bóp, massage mặt, dùng khăn nhúng nước ấm rồi chườm ấm vào bên mặt bị liệt xoa từ trong ra ngoài giúp kích thích dây thần kinh.

Theo Y học cổ truyền do nhiễm phải phong hàn vào kinh lạc dẫn đến kinh lạc không thông, khí trệ huyết ứ mà dẫn đến liệt thần kinh 7 ngoại biên. Điều trị theo phác đồ Đông y khu phong tán hàn thông kinh, hoạt lạc, châm xuyên huyệt kinh dương ở mặt. Sau điện châm, bệnh nhân sẽ được thủy châm huyệt mặt và dùng thuốc bổ thần kinh. Sau đó, bác sĩ sẽ xoa bóp bấm huyệt và chiếu đèn ôn làm ấm huyệt vị vùng mặt và cấy chỉ để đả thông. Việc điều trị châm cứu và thuốc sẽ không làm ảnh hưởng tới thai nhi. Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ phải theo dõi sát sức khỏe của thai phụ và thai nhi.

Để đảm bảo sức khỏe cũng như phòng tránh gặp tình trạng liệt dây thần kinh 7, lương y đa khoa Nguyễn Thanh Thúy khuyến cáo, trong thời gian này, thai phụ cần phải ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Việc ăn uống đầy đủ không chỉ nâng cao sức đề kháng mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi.

Khi mang thai dù bà bầu bị liệt dây thần kinh số 7, nếu luyện tập cơ hàm, giữ tinh thần thoải mái bệnh sẽ nhanh khỏi, tránh tự ti dẫn đến buồn chán và mệt mỏi… Bên cạnh, đó, sản phụ cần phải giữ ấm cơ thể, không tắm nước lạnh khi thời tiết lạnh; uống nước ấm trước khi ra khỏi phòng, mặc đủ ấm khi đi ra ngoài, ngủ kín gió… Khi ngủ dậy lúc trong phòng ấm, cần xoa nhẹ da mặt giúp cho khí hành, huyết hoạt, tăng độ đàn hồi da cơ và kinh lạc… Kiêng ăn uống đồ lạnh (nước lạnh, đồ ăn tanh, cà pháo...).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!