Estrogen là gì?
Estrogen là một nội tiết tố nữ (hay còn gọi là hoóc-môn sinh dục nữ) được sinh ra từ một số cơ quan sinh dục nữ và buồng trứng. Estrogen bao gồm 3 nhóm hoóc-môn: Estrone, estradiol và estriol. Cả ba loại hoóc-môn này đều có bản chất hóa học là steroid được tổng hợp từ cholesterol.
Estrogen được sản xuất chủ yếu trong buồng trứng, một số ít estrogen được sản xuất từ tuyến thượng thận. Mức độ sản xuất estrogen phụ thuộc vào từng giai đoạn trong chu kì kinh nguyệt của phụ nữ.
Chức năng của estrogen
Estrogen không chỉ là hoóc-môn cung cấp đặc điểm nữ tính cho người phụ nữ mà đồng thời còn ảnh hưởng đến nhiều phần của cơ thể theo những cơ chế khác nhau:
- Đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và hoàn thiện các chức năng sinh lý của bộ phận sinh dục nữ.
- Giúp phụ nữ có được làn da mịn màng, một thân hình mềm mại và những đường cong quyến rũ.
Thiếu estrogen, bạn sẽ thường xuyên rơi vào mệt mỏi, stress (Ảnh minh họa: Internet)
- Làm tăng ham muốn tình dục.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho sự thụ tinh, từ đó nâng cao khả năng thụ thai.
- Giúp tử cung phát triển, hoạt động tốt nhờ làm tăng số lượng cơ tử cung và lượng máu đến tử cung.
- Làm dày nội mạc tử cung, đồng thời giúp các tuyến trong nội mạc tăng trưởng và phát triển.
- Hỗ trợ sự phát triển của nang trứng. Khi trứng rụng, estrogen sẽ giúp làm tăng sự nhu động của vòi trứng để đón lấy trứng dễ dàng và di chuyển nang trứng vào trong tử cung thuận lợi.
- Giúp điều hòa và vận chuyển các ion (đặc biệt là ion canxi) vào các tế bào, từ đó bảo vệ tốt hệ tim mạch cũng như các tế bào thần kinh.
Mức độ estrogen trong cơ thể cân bằng là điều kiện cần thiết để người phụ nữ khỏe mạnh. Thiếu hụt estrogen sẽ đẩy nhanh hơn quá trình lão hóa da, khiến da bị khô, sạm, nhăn… hoặc gây rối loạn kinh nguyệt, làm suy giảm các chức năng sinh lý nữ như gây khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, khó thụ thai…
Bên cạnh đó, thiếu hụt estrogen còn ảnh hưởng nặng nề tới tâm thần kinh, hệ vận mạch, gây ra các hiện tượng như mất ngủ, chóng mặt, giảm trí nhớ, đau đầu, mệt mỏi cũng như làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang, loãng xương… Đặc biệt, mức độ estrogen trong cơ thể bất thường còn có thể báo hiệu nguy cơ ung thư buồng trứng hoặc các bệnh ở tuyến thượng thận.
Thiếu hụt estrogen còn ảnh hưởng nặng nề tới tâm thần kinh, hệ vận mạch (Ảnh minh họa: Internet)
Các dấu hiệu thiếu hụt estrogen ở phụ nữ trẻ
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đều cho thấy, tình trạng suy giảm nội tiết tố estrogen đang dần trẻ hóa. Ngày càng nhiều phụ nữ ở tuổi 30, thậm chí trẻ hơn đã phải trải qua những dấu hiệu khởi phát ban đầu của việc mất cân bằng nội tiết tố.
Trong khi đó, thông thường thì chỉ những phụ nữ từ 40 tuổi trở đi hoặc những phụ nữ đang ở thời kì tiền mãn kinh và mãn kinh mới phải đối mặt với tình trạng này.
Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ trẻ bị thiếu hụt estrogen như bệnh di truyền, đã trải qua việc điều trị hóa trị hoặc xạ trị, tập thể dục quá mức, rối loạn ăn uống hoặc cơ thể có quá ít chất béo…
Một số triệu chứng thiếu hụt estrogen ở phụ nữ trẻ có thể kể đến đó là cơ thể không còn thon thả, vòng hai tích mỡ nhiều hơn; làn da lão hóa trở nên nhăn nheo và thâm sạm; dễ bị cáu gắt, stress; thường xuyên mệt mỏi; có thể bị mãn kinh sớm nên sẽ có các cơn nóng bừng trong cơ thể và đổ mồ hôi vào ban đêm.
Ngoài ra, những phụ nữ trẻ bị thiếu hụt estrogen cũng thường mắc chứng hay quên do suy giảm trí nhớ; bị mất ngủ; giảm ham muốn tình dục; có cảm giác đau khi 'yêu' do tình trạng 'khô hạn'. Bên cạnh đó, do không đủ mức độ estrogen nên quá trình rụng trứng cũng diễn ra không ổn định, kết quả là chị em có thể gặp tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc chậm kinh.
Để cải thiện tình trạng thiếu hụt nội tiết tố chị em nên luyện tập thể dục thường xuyên, hợp lý và có chế độ dinh dưỡng khoa học như ăn các loại thịt nạc, thực phẩm giàu vitamin C, ít chất béo, giàu chất xơ… đồng thời tránh ăn những thức ăn nhiều ngọt và béo. Trong trường hợp bị thiếu hụt estrogen nhiều thì có thể uống bổ sung các loại thuốc để bổ sung nội tiết tố.
Tuy nhiên, nếu nhận thấy sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu hụt nội tiết tố thì chị em cần đi gặp bác sĩ để được tư vấn, thăm khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Thu Hoài
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!