Trước vấn đề này, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải rà soát, phúc tra với khách hàng có lượng điện sử dụng tăng từ 30% trở lên.
Số lượng khiếu nại của khách hàngtăng vọt
Theo số liệu thống kê của EVN đến ngày 20/6, có hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (gần 28% tổng khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5. Hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng cao khiến dư luận bức xúc, nghi ngờ công tơ điện và cách ghi chỉ số của ngành điện có sai sót. EVN sau đó giải thích, do thời tiết nắng nóng khiến sản lượng tiêu thụ điện cả nước tăng đột biến. Chẳng hạn, ngày 23/6, công suất tiêu thụ hệ thống điện toàn quốc ghi nhận mức kỷ lục 38.300MW, sản lượng tiêu thụ hơn 790 triệu kWh.
Phúc tra hoàn tiền cho khách hàng nếu xảy ra sai sót.
Bà Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, thời điểm nắng nóng gay gắt cũng là lúc số lượng khiếu nại của khách hàng tăng vọt. Từ 1-22/6, trung tâm nhận gần 62.000 yêu cầu, trong đó 3.500 phản ánh, khiếu nại liên quan đến hóa đơn tiền điện và chỉ số công tơ, tăng 4,6 lần so với tháng 5. 'Bình quân mỗi ngày trong tháng 6 chúng tôi tiếp nhận 4.000 cuộc gọi. Nắng nóng nên khách hàng cũng khó tính hơn, nhiều người mất bình tĩnh, thậm chí còn mắng chửi', bà Hoàng Anh chia sẻ.
Tập đoàn này đã lập đoàn kiểm tra việc ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện tại một số tổng công ty điện lực với sự tham gia của đại diện Cục Điều tiết điện lực, Tổng cục Đo lường chất lượng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Kiểm tra tại EVNHANOI ngày 25-26/6, số liệu của đơn vị này cho thấy, sản lượng điện tiêu thụ tại Hà Nội trong tháng 6 liên tục tăng cao, chẳng hạn ngày 9/6 đạt tới 89,209 triệu kWh. Gần 97.300 khách hàng dùng điện ở Hà Nội tiêu thụ điện tháng 6 tăng 200-300% so với tháng liền kề; 110.039 khách hàng tăng trên 300%. Dự kiến, tuần tới, đoàn kiểm tra của EVN sẽ tiếp tục làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung và TP.HCM.
EVN cũng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số.
Liên tục ghi nhầm hóa đơn tiền điện?
Ngày 19/6, tại Nghệ An, nhân viên Điện lực Quỳ Châu ghi chỉ số điện của 1 khách hàng ở thị trấn Quế Phong. Khi nhập vào máy tính, đơn vị thấy có sự chênh lệch lớn, gấp 30 lần so với tháng trước nên đã phúc tra và có phát hiện sai sót. Số điện phúc tra được viết lại dưới biên bản nhưng nhân viên nhập số liệu lại không để ý, vẫn ghi chỉ số cũ và thông báo cho khách hàng. Kiểm điểm sự việc, Điện lực Quỳ Châu đề xuất đình chỉ công tác nhân viên nhập chỉ số điện; phê bình, khiển trách nhân viên ghi chỉ số điện sai và tạm đình chỉ công tác giám đốc đơn vị trong vòng 15 ngày.
Tại Quảng Bình, Phó Giám đốc công ty Điện lực Quảng Bình và Giám đốc Điện lực Đồng Hới đã bị đình chỉ công tác vì xảy ra vụ ghi nhầm hơn 58 triệu đồng tiền điện của một khách hàng, tăng gấp 33 lần bình quân hàng tháng. Khi tính lại thì chi phí thực chỉ khoảng 500.000 đồng cho tiền điện tháng này.
Tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, một gia đình thuộc diện hộ nghèo nhận được thông báo nộp tiền điện với số tiền lên tới hơn 89,3 triệu đồng. Điều đáng nói, gia đình này chỉ có 3 nhân khẩu. Trong khi đó, hàng tháng, gia đình chỉ đóng tiền điện khoảng 200 số và không có nhiều thiết bị điện. Số tiền lớn đến nỗi gia chủ tưởng chỉ là 89.000 đồng. Lý do cũng vì nhân viên ghi nhầm chỉ số tiêu thụ điện.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách: Rất nhiều người cùng phản ánh về việc hóa đơn tiền điện tăng bất thường thì bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần có trách nhiệm làm minh bạch vấn đề này, có sự giám sát của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Thanh tra Chính phủ. Đề nghị cho công bố kết luận giá điện của Thanh tra Chính phủ để thấy bức tranh đầy đủ về giá điện thời gian vừa qua. Đây là vấn đề mà người dân thực sự rất quan tâm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!