Quảng cáo nước cam có tép, nhưng là... tép giả

Sống khỏe mạnh - 05/14/2024

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chỉ rõ, đó chỉ là tép cam 'giả vờ', mô phỏng tép cam thật.

Nhiều loại nước cam ép được quảng cáo làm từ nước cam nguyên chất với tép cam tươi mọng nước, nhưng theo chuyên gia, đó chỉ là tép cam 'giả vờ'.

Nước pha chế hóa chất

Trên thị trường thời gian qua có nhiều sản phẩm nước trái cây ép được quảng cáo ép từ những loại trái cây tự nhiên tươi ngon nhất, thậm chí sản phẩm nước cam ép còn được giới thiệu có ngàn vạn tép cam tươi mọng nước. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, người tiêu dùng cần hiểu cho đúng về những loại nước trái cây ép này để tránh nhầm lẫn.

Quảng cáo nước cam có tép, nhưng là... tép giả

Không có loại nước ép đóng hộp nào tốt bằng trái cây tươi tự nhiên. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo vị chuyên gia ngành công nghệ sinh học và thực phẩm, có 2 loại nước trái cây pha chế chính: một là nước pha chế từ những thành phần hóa học, hai là nước pha chế có nguồn gốc tự nhiên.

Đối với loại nước trái cây pha chế có nguồn gốc tự nhiên, người ta sử dụng quả tươi ép lấy nước, bảo quản và pha thêm một số chất khác. Thực chất đó cũng là nước trái cây tươi nhưng đã qua bàn tay con người chế biến, nếu thiếu mùi, vị, hay màu thì được bổ sung nên loại nước này rất ngon.

'Ở châu Âu, người tiêu dùng có xu hướng uống nước quả tươi đã qua chế biến. Họ thích loại nước này vì nó mang lại sự tiện dụng trong quá trình sử dụng. Hiện nay, các loại quả như nho, táo, lê... đều có sản phẩm là nước quả tươi đóng hộp. Riêng nước cam có một nhược điểm là trong quá trình chế biến hay bị đắng và đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để nên người ta thường uống trực tiếp luôn.

Đáng chú ý, trong quá trình chế biến các loại nước trái cây pha chế có nguồn gốc tự nhiên, một phần giá trị dinh dưỡng bị suy giảm nên người ta thường bổ sung thêm một số chất vào, chẳng hạn như vitamin C. Chính vì thế, nhiều loại nước uống pha chế có hàm lượng vitamin C cao hơn các loại sinh tố C có trong tự nhiên, chúng vừa có tác dụng bảo quản vừa tăng giá trị dinh dưỡng', PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Trong khi đó, những loại nước trái cây pha chế hóa chất, theo PGS Thịnh, được làm từ nước, đường, hóa chất tạo đục, tạo màu, tinh dầu trái cây, như tinh dầu cam chẳng hạn, nhưng chủ yếu là từ hương liệu giống tự nhiên... Những loại này có giá trị dinh dưỡng rất thấp, không có các chất tự nhiên và người ta sử dụng chủ yếu với mục đích đưa nước vào cơ thể dễ dàng. Giá của các loại nước uống này khá rẻ, chỉ hơn 30.000 đồng/hộp 1 lít, trong khi nước trái cây pha chế có nguồn gốc tự nhiên đắt hơn gấp nhiều lần.

'Đối với nước trái cây pha chế hóa học, chủ yếu người ta khống chế mức độ an toàn của nó, tức đảm bảo chất đó không gây độc cho con người, nhưng không khống chế giá trị dinh dưỡng vì thực ra chúng chẳng có giá trị dinh dưỡng gì. Thế nhưng nó vẫn được nhiều người dùng, nhất là thanh niên vì nếu uống nước lọc đơn thuần rất chán do không có vị gì, trong khi các loại nước quả pha chế hóa chất có vị ngon hơn. Một số trường hợp người ta còn bổ sung chất kích thích như cafein, taurine vào có tác dụng làm người ta tỉnh táo, không mệt mỏi'.

Quảng cáo nước cam có tép, nhưng là... tép giả

Nước cam ép rất tốt cho sức khỏe

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, những loại nước nói trên ở góc độ nào đó có tác dụng nhất định nhưng không có giá trị dinh dưỡng. Nếu người tiêu dùng muốn có dinh dưỡng thì uống nước quả tươi (nguồn gốc tự nhiên) đóng hộp. Còn để vừa có dinh dưỡng, vừa kinh tế thì sử dụng nước sinh tố.

'Mỗi người tiêu dùng có cách lựa chọn của riêng mình nhưng nên giảm bớt nước pha chế hóa học vì dù muốn hay không những chất phi tự nhiên vẫn gây nên những tác động nhất định theo hướng tiêu cực, đặc biệt là trẻ em không nên uống', ông lưu ý.

Tép cam 'giả vờ'

Trước băn khoăn nhiều sản phẩm nước cam đóng hộp được quảng cáo có chứa tép cam tươi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chỉ rõ, đó chỉ là tép cam 'giả vờ', mô phỏng tép cam thật.

'Với loại nước cam tươi đóng hộp, sau khi người ta ép lấy nước rồi thì không có tép cam. Còn nước pha chế giả vờ là nước cam thì họ làm tép cam như thật. Phương pháp tạo tép cam rất đơn giản, đó là phương pháp tạo giọt. Nhà sản xuất sử dụng một loại máy nhỏ giọt xuống, trong quá trình nhỏ giọt, họ bơm vào trong ruột của nó một loại nước có vị của nước cam và vỏ có màu giống như tép cam thật.

Quảng cáo nước cam có tép, nhưng là... tép giả

Nước cam đóng hộp thường có 'tép giả'

Cái khó ở chỗ, tép cam ấy phải lơ lửng trong nước cam, muốn vậy khối lượng riêng của nó phải bằng khối lượng riêng của nước, nếu nhẹ hơn sẽ nổi lên trên mặt, lớn hơn sẽ bị chìm xuống chai. Chính vì thế, trong quá trình tạo giọt, nhà sản xuất đã làm cho khối lượng của tép cam 'giả vờ' ấy đúng bằng khối lượng riêng của nước cam pha chế. Có như vậy, chúng mới lơ lửng trong nước như tép cam thật', vị chuyên gia phân tích.

Ông nói, những loại nước trên uống giống như nước cam thật, đặc biệt có tép cam giống hệt tép cam thật khiến trẻ em rất thích, nhưng thực tế đó chỉ là nước pha chế.

Lý giải xu hướng người tiêu dùng thường chọn nước trái cây đóng hộp pha hóa chất, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, điều đó xuất phát từ tâm lý lười biếng, từ lối sống công nghiệp của người dân hiện nay. Bởi lúc nào cũng sống gấp, sống vội vàng nên không ít người thích ăn cơm hộp, mỳ ăn liền, uống nước pha chế đóng hộp...

'Cứ nói người tiêu dùng thông minh nhưng tôi thấy bây giờ người dân toàn ăn liều. Không có gì bằng thực phẩm, hoa quả tươi, tự nhiên', ông nói.

Ảnh minh họa: Internet

>> Xem thêm: 8 đối tượng không nên uống nước cam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!