Chỉ số già hoá tăng nhanh
Theo kết quả sơ bộ của cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tại thời điểm 1/4/2019, dân số nước ta là 96.208.984 người, trong đó người cao tuổi chiếm gần 12%. Theo dự báo của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, 30 năm nữa, 25% dân số Việt Nam ở độ tuổi từ 60 trở lên, đất nước bước vào giai đoạn 'dân số rất già'.
Sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua.
Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Các chuyên gia khẳng định chỉ số này có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới. Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có chỉ số già hóa cao nhất cả nước (tương ứng là 58,5% và là 57,4%). Tây Nguyên là nơi có chỉ số già hóa thấp nhất so với các vùng còn lại trên cả nước (28,1%).
Cũng theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở công bố năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm.
Phân tích của TS Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Dân số thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), năm 1960, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 48,0 tuổi, của dân số Việt Nam là 40,0 tuổi, thấp hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 8 tuổi. Nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì cần khoảng 80 năm để tuổi thọ bình quân của Việt Nam tăng lên bằng mức chung của thế giới. Năm 2019, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 72,0 tuổi, của dân số Việt Nam đã là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi. Nếu cũng tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì dân số Việt Nam đã già hóa dân số hơn dân số thế giới khoảng 16 năm. Như vậy tổng thời gian dân số Việt Nam già hóa nhanh so với mức chung của thế giới là khoảng 96 năm.
Quy mô hộ gia đình ít người, thách thức không nhỏ trong chăm sóc người cao tuổi
Một trong những thách thức cho mô hình chăm sóc sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng đó là quy mô hộ gia đình ít người ngày càng phổ biến.
Cụ thể, theo Tổng điều tra năm 2019, tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26.870.079 hộ, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm tổng điều tra dân số năm 2009. Bình quân mỗi hộ có 3,6 người/hộ, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009.
Trong giai đoạn 2009 - 2019, tỷ lệ tăng bình quân số hộ dân cư là 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999 - 2009 và là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua.
Xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất rất quan trọng đối với người cao tuổi. Trong khi đó, theo một vài nghiên cứu, khảo sát, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống góa vợ/góa chồng và tuổi càng cao, phụ nữ đơn thân càng nhiều. Cụ thể, số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới.
Già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: Thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...
Tại Hội thảo 'Già hóa dân số và sức khỏe người cao tuổi: Nghiên cứu dọc và vai trò cộng tác viên dân số trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng' do Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp tổ chức cách đây không lâu, các chuyên gia chỉ ra rằng thực tế hiện nay, số hộ gia đình ngày càng nhỏ, số lượng gia đình 3-4 thế hệ giảm dần. Xu hướng thanh niên nông thôn di cư ra đô thị mạnh mẽ, dẫn tới tình trạng già hóa dân số nông thôn. Gần 30% người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống cùng vợ/chồng cũng là người cao tuổi hoặc cháu dưới 10 tuổi. Dự báo, trong năm 2019, có khoảng 4 triệu người cao tuổi có nhu cầu và năm 2049 có khoảng 10 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ. Trong khi đó, hệ thống cán bộ hướng dẫn phục hồi chức năng lại hạn chế về trình độ, khi chỉ có 2% người chăm sóc được đào tạo cơ bản.
BS. Vũ Công Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển cho rằng để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần có chiến lược sức khỏe và thúc đẩy già hóa khỏe mạnh trong suốt vòng đời, các chuyên gia nhấn mạnh vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc phòng ngừa; phối hợp chăm sóc y tế và chăm sóc phi y tế (chăm sóc xã hội); nhấn mạnh vào chăm sóc tại nhà và tại cộng đồng; xây dựng chính sách, kế hoạch về dịch vụ và phân bổ ngân sách theo các cấp và các ngành để đảm bảo người cao tuổi tiếp cận được dịch vụ phù hợp…
Định nghĩa của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) về tuổi trạng dân số
Dân số già hóa:Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số.
Dân số già:Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số.
Dân số rất già: Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 30% hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 21% tổng dân số.
Dân số siêu già: Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm tương ứng 35% tổng dân số hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 26% trong tổng dân số.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!