Răng khôn: Không nhổ không xong?

Cần biết - 05/03/2024

Không ai mong muốn sự xuất hiện của răng khôn lệch lạc trong hàm răng của mình. Phải làm sao với 'vị khách không mời' này?

Nha sĩ nói rằng bạn cần phải nhổ răng khôn. Bạn có thể sẽ thắc mắc: Nó không đau, tại sao lại phải nhổ?

Ngày nay, phẫu thuật nhổ răng khôn đã trở thành một điều bình thường với thanh thiếu niên. Dù vậy, nó không phải lúc nào cũng cần thiết.

Theo một nghiên cứu, hàng năm có khoảng 10 triệu răng khôn bị nhổ bỏ, với khoảng 5 triệu bệnh nhân. Có tới hơn 60% trường hợp răng khôn nếu để cũng không ảnh hưởng gì nhiều.

Nhổ răng khôn dự phòng

Dù răng khôn không gây đau nhưng không có nghĩa là nó hoàn toàn vô hại. Nó có thể đã bị kẹt hay mọc ngầm, tức là không thể xuyên qua xương hàm và mọc bình thường. Có thể là do miệng bạn quá nhỏ, không đủ chỗ cho răng khôn mọc, hoặc nó mọc tạo thành một góc với những răng khác. Nếu nó mọc đâm vào răng bên cạnh, những răng xung quanh có thể bị hư hại.

Một số nha sĩ nhổ loại răng khôn không gây đau để ngăn chặn các rắc rối sau này. Vì khi bạn trưởng thành, các xương trong miệng cứng hơn, răng sẽ khó nhổ hơn.

Nếu để lâu, bạn có thể gặp một số biến chứng sau phẫu thuật nhổ răng, từ chảy máu nặng, gãy răng, cho đến tê liệt nghiêm trọng hay hạn chế vận động hàm. Những biến chứng này có thể kéo dài vài ngày hay cả đời.

Răng khôn: Không nhổ không xong?

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Khi nào cần nhổ răng khôn?

Nếu răng khôn gây cho bạn những rắc rối, hoặc khi phim chụp X-quang chỉ ra những bất thường thì cần phải nhổ bỏ ngay. Những rắc rối, bất thường đó là:

- Tổn thương răng khác:răng khôn có thể mọc đâm vào răng khác bên cạnh và gây đau, làm ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống.

- Tổn thương xương hàm: u nang có thể hình thành quanh răng mới mọc. Nếu không được điều trị, nó có thể làm rỗng xương hàm và gây tổn thương dây thần kinh.

- Vấn đề với xoang: có thể làm xoang đau, tức, hay tắc nghẽn.

- Viêm lợi:mô lợi xung quanh răng có thể bị sưng lên, và khó vệ sinh vùng đó.

- Sâu răng: lợi bị sưng lên hình thành các túi chứa mảnh vụn thức ăn, làm vi khuẩn phát triển và tạo thành sâu răng.

- Xô lệch hàm răng: răng khôn mọc ngầm có thể phá hỏng hiệu quả của chỉnh nha, phục hình, hay bất kì can thiệp nha khoa nào trước đó.

Nha sĩ sẽ xem xét hình dạng và vị trí răng khôn của bạn và đưa ra quyết định. Tuổi tác cũng là một yếu tố được xem xét.

Nếu vẫn chưa sẵn sàng 'chia tay' răng khôn của mình, bạn có thể yêu cầu, và nha sĩ sẽ giải thích rõ hơn. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể chờ đợi vài tháng xem mọi thứ có thay đổi không trước khi quyết định nhổ.

Nhưng nếu bạn bị sưng, đau, hay có mùi hôi ở vùng răng khôn thì đừng chần chừ mà không 'tạm biệt' răng khôn đó ngay lập tức.

>> Xem thêm:Nguy hiểm khi răng khôn mọc dại

Minh Quân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!