Do sử dụng phân đạm không đúng cách, nhiều rau củ trên thị trường có dấu hiệu dư thừa nitrat. Trước đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Quảng Bình đã tiến hành kiểm nghiệm 50 mẫu rau. Kết quả cho thấy, 36 % mẫu (18/50) phát hiện dư thừa nitrat, trong đó có 5 mẫu quá nhiều lần cho phép. Cục Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tiến hành nghiên cứu chỉ ra nhiều mẫu bắp cải, cải xanh, su hào, cà chua, nho ở Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, TP HCM... có tồn dư nitrat vượt mức cho phép từ 1,3 - 5 lần.
Tác hại của nitrat vượt mức
Nitrat là muối vô cơ có sẵn trong mọi thực phẩm, cần thiết cho chế độ ăn. Tuy nhiên, khi vượt ngưỡng an toàn, nitrat lại trở thành một chất độc, gây hại cho sức khoẻ người dùng. Trong quá trình tiêu hoá, nitrat có thể biến thành nitrit, chất có thể phản ứng với amin tạo thành nitrosamin, một tác nhân gây ung thư dạ dày, gan, ruột…
Bên cạnh đó, khi dư thừa nitrat, quá trình vận chuyển oxy trong máu bị ảnh hưởng, do chất này cản trở sự kết hợp của hemoglobin (hồng cầu) với oxy, tạo ra methemoglobin, khá bền vững. Lúc này người bệnh có thể mắc triệu chứng thiếu oxy mô (hội chứng cyanose) gây niêm mạc xanh tím, khó thở. Với trẻ em, nguy cơ tử vong thường cao hơn. Với thai phụ, khả năng sảy thai có thể xảy ra.
Do sử dụng phân đạm không đúng cách, nhiều rau củ bày bán trong nước có dấu hiệu dư thừa nitrat (Ảnh minh họa: Internet)
Mức tồn dư cho phép của nitrat trên một số rau, củ
Như vậy, chỉ khi vượt ngưỡng cho phép, nitrat mới gây hại cho người. Và mức nitrat của mỗi loại rau củ lại khác nhau. Quyết định số 867/ 1998/ QĐ-BYT của Bộ Y tế) đã đưa ra mức giới hạn cho phép của hàm lượng nitrat trong một số sản phẩm rau củ tươi.
Trong đó, dưa hấu, hành tây, dưa bở có mức nitrat từ 60 - 90 mg/kg. Cà chua và dưa chuột là 150 mg/kg, khoai tây ở mức 250 mg/kg,… Cải bắp, su hào, súp lơ, bầu bí, súp lơ có mức nitrat dao động từ 400 - 500 mg/kg. Mức nitrat cho phép cao nhất là xà lách, củ cải đỏ 1500 mg/kg.
Tuy nhiên, riêng với trẻ em, hàm lượng nitrat cho phép chỉ khoảng 50 mg/kg. Do đó, phụ huynh cần hạn chế cho con ăn những rau, củ có lượng nitrat lớn, dù có ở ngưỡng cho phép.
Một số cách nhận biết rau củ dư thừa nitrat
Nếu chỉ quan sát mắt thường, việc phát hiện rau củ thừa nitrat khá khó khăn, cảm tính. Với rau xanh, những loại rau có màu sắc quá đậm, trông mập mạp thái quá, mướt quá thì dễ dư thừa nitrat. Với củ quả, những trái da căng bóng, đẹp mắt, kích thước lớn bất thường, cũng dễ thừa nitrat do được bón đạm quá nhiều.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có bộ xét nghiệm Soeks, được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành tại Việt Nam cuối năm 2014 có thể giúp bạn kiểm tra dư lượng nitrat trong rau củ và cả thịt, hải sản. Chỉ sau 10 giây kiểm tra, chiếc máy có thể trả về hàm lượng nitrat trong thực phẩm bạn chuẩn bị mua để đưa ra quyết định cuối cùng. Thiết bị có sai số 5 % và không đo được mọi chất độc hại trong rau củ.
Nếu chỉ quan sát mắt thường, việc phát hiện rau củ thừa nitrat khá khó khăn, cảm tính (Ảnh minh họa: Internet)
Cách loại bỏ nitrat
Để hạn chế rau, củ dư lượng nitrat, bạn nên lựa chọn những loại rau có màu sắc tự nhiên, hơi nhạt một chút.
Nên chọn rau, củ có vỏ dày, không chọn những sản phẩm hỏng, có mùi lạ.
Rau củ mua về cần được rửa sạch sẽ, ngâm muối, tốt nhất là sục ozon để loại bỏ hoá chất và vi sinh vật có hại.
Nếu có điều kiện, nên tự trồng rau để phục vụ bữa ăn của gia đình, vừa tiết kiệm lại đảm bảo dinh dưỡng, không sợ dư thừa nitrat.
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!